Dời trạm thu phí Bàn Thạch về xã An Dân: Người dân, doanh nghiệp bức xúc

Việc di dời trạm thu phí Bàn Thạch về địa phận xã An Dân (huyện Tuy An), nơi cách xa hầm đường bộ đèo Cả đã khiến nhiều người dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bức xúc.

Đa số người dân đều cho rằng vị trí đặt trạm thu phí này chưa hợp lý, nhiều phương tiện dù không đi qua hầm đường bộ đèo Cả nhưng vẫn phải đóng phí.

Xe tải vào trạm thu phí Bàn Thạch tại xã An Dân, huyện Tuy An - Ảnh: NGÔ XUÂN

Không qua hầm, vẫn đóng phí

Từ tháng 12/2016, trạm thu phí tại xã An Dân do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả quản lý, khai thác chính thức đi vào hoạt động. Trạm thu phí này được di dời từ trạm thu phí Bàn Thạch tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động, trạm thu phí này đã làm người dân bức xúc mỗi khi đi ô tô qua lại trạm.

Anh Nguyễn Trung Tín ở huyện Đông Hòa, một tài xế lái xe du lịch, bức xúc bày tỏ: Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tôi thường xuyên chở khách đi tham quan du lịch tại TX Sông Cầu. Mỗi lần qua trạm thu phí, tôi phải đóng 50.000 đồng/lượt. Tính chiều đi và về, tôi mất 100.000 đồng tiền phí. Tôi nghĩ mức phí như thế là cao, mà tôi cũng đâu có đi qua hầm đèo Cả đâu mà phải đóng phí. Hơn nữa, hầm đường bộ qua đèo Cả vẫn chưa hoàn thành mà đã thu phí là vô cùng bất hợp lý, người dân Phú Yên nói riêng và nhiều tài xế lưu thông trên quốc lộ 1 qua Phú Yên đã nhiều lần bức xúc và kiến nghị đến Quốc hội nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Không chỉ người dân mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải chạy tuyến cố định từ Tuy Hòa đi phía bắc cũng rất bức xúc khi trạm thu phí Bàn Thạch “mọc lên” tại xã An Dân. Ông Phan Văn Hoàng, Trưởng bộ phận điều hành xe khách của doanh nghiệp tư nhân Phúc Thuận Thảo, cho biết: Đơn vị chúng tôi hiện có 2 tuyến vận tải cố định là Tuy Hòa - Quy Nhơn, Tuy Hòa - Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày chúng tôi chạy 8 lượt xe hoạt động trên 2 tuyến này. Từ khi trạm thu phí đi vào hoạt động, mỗi ngày doanh nghiệp phải đóng 600.000 đồng (75.000 đồng/lượt). Tình hình kinh doanh vận tải khách ngày càng khó khăn với đủ loại phí, giờ lại thêm phí qua trạm tại xã An Dân nên doanh nghiệp bị thiệt hại. Tôi nghĩ Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cần có chính sách hợp lý về việc thu phí đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định, ví dụ như giảm mức phí chẳng hạn.

Các doanh nghiệp kinh doanh taxi, xe buýt cũng chịu chung những thiệt hại kể từ khi trạm thu phí Bàn Thạch được di dời về xã An Dân. Ông Hồ Trư, Giám đốc DNTN Vận tải và du lịch Cúc Tư, nói: Mỗi ngày, chúng tôi có hàng chục lượt xe buýt chạy tuyến Tuy Hòa - Sông Cầu. Mỗi lần qua trạm phải đóng 35.000 đồng. Chúng tôi đã đóng Quỹ Bảo trì đường bộ, vậy sao lại còn phải đóng phí tại trạm thu phí này khi xe chúng tôi không hề qua hầm đèo Cả. Doanh nghiệp đang gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng về việc giảm mức thu phí tại trạm này để giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.

Vị trí đặt trạm là đúng

Theo ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT, trạm thu phí tại xã An Dân, huyện Tuy An là một trong ba trạm thu phí hoàn vốn cho dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả. Dự án này có mức đầu tư lớn cộng với thời gian kéo dài nên Chính phủ đã hỗ trợ nhà đầu tư (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả) bằng hình thức giao quyền thu phí tại hai trạm thu phí Bàn Thạch tại Km1350+150 (thuộc Phú Yên) và Ninh An tại Km1408+200 (thuộc Khánh Hòa). Sau khi hầm đường bộ qua đèo Cả hoàn thành, trạm thu phí hầm đèo Cả được đặt tại khu vực đường dẫn phía bắc vào hầm, cách trạm Bàn Thạch cũ về phía nam khoảng 4km.

Theo dự kiến, để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km giữa các trạm thu phí theo quy định của Bộ Tài chính, trạm thu phí Bàn Thạch cũ phải di chuyển về phía bắc thuộc xã Xuân Thọ 1, TX Sông Cầu. Tuy nhiên, khu vực này lại có độ dốc lớn, nhiều đường cong liên tục, thường xuyên xảy ra sụt trượt nền mặt đường, qua khu đông dân cư. Chính vì thế, UBND tỉnh đã thống nhất di dời trạm thu phí Bàn Thạch cũ về Km1298+150 đoạn qua xã An Dân là điểm nằm trên đoạn tuyến có tầm nhìn thông thoáng. Trạm thu phí này cũng tương đối phù hợp về khoảng cách giữa các trạm thu phí lân cận trên quốc lộ 1. Cụ thể, trạm thu phí tại xã An Dân cách trạm thu phí hầm đèo Cả là 55,85km, cách trạm thu phí của dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 BOT Bình Định là 85,75km.

Liên quan đến những bức xúc của người dân cũng như một số doanh nghiệp kinh doanh tuyến vận tải cố định từ Tuy Hòa đi về phía bắc, ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, cho biết: Hiện đơn vị chưa nhận được đơn kiến nghị chính thức nào từ người dân cũng như các doanh nghiệp. Nếu có bức xúc về vấn đề này, các doanh nghiệp cần làm đơn, nêu rõ tình hình hoạt động kinh doanh vận tải tuyến cố định để chúng tôi trình lên hội đồng quản trị của công ty xem xét giải quyết.

Theo báo Phú Yên

Nguồn ANTT: http://antt.vn/doi-tram-thu-phi-ban-thach-ve-xa-an-dan-nguoi-dan-doanh-nghiep-buc-xuc-206105.htm