Đối thủ khiến Mỹ lập lá chắn tên lửa ngoài khí quyển

Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) vừa đề xuất phân bổ 1,9tỷ USD phát triển lá chắn tên lửa nhằm đối phó với nguy cơ từ tên lửa đạn đạo.

Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, nguồn ngân sách dành cho phát triển “lá chắn tên lửa” sẽ được dùng cho phát triển thiết bị đánh chặn ngoài khí quyển EKV. Hãng chế tạo Raytheon đang nhận trách nhiệm phát triển thiết bị này.

EKV được biết tới là một thành phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (Ground Missile Defense - GMD) của Mỹ.

Hệ thống này được thiết lập với mục đích bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi mọi loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương.

Tên lửa Mỹ.

Tên lửa Mỹ.

Có thể nói EKV chính là một dạng đầu đạn có khả năng tiêu diệt đầu đạn tên lửa của đối phương ở tầng cao nhất của khí quyển. Trước khi tách khỏi tên lửa đẩy, hệ thống radar dẫn tầm xa GDI chịu trách nhiệm xác định quỹ đạo của mục tiêu cho EKV.

Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, EKV sẽ khởi động cơ tự thân và tấn công mục tiêu theo phương thức kenetic (va chạm động năng). Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ đã tiến hành 16 lần phóng thử nghiệm đánh chặn mục tiêu với EKV, nhưng chỉ có 8 lần thành công.

Việc Mỹ phát triển lá chắn tên lửa ngoài khí quyển là nhằm đối phó với những nguy cơ bị tấn công đến từ các tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương, trong đó có tên lửa DF-41 của Trung Quốc, tạp chí Jane's dẫn nguồn tin từ cơ quan MDA cho biết.

DF-41 là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn 3 tầng đẩy, có chiều dài 15m, đường kính 2m, có trọng lượng 30 tấn. DF-41 được bố trí trên xe phóng đặc chủng, hoặc đặt trong giếng phóng cố định. DF-41 sử dụng nhiên liệu rắn và có tầm bắn từ 12.000 km đến 14.000km.

Theo Giáo sư Phillip Karber ở ĐH Georgetown (Mỹ), tên lửa DF-41 có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn vươn đến bất kỳ thành phố nào của Mỹ. Mỗi đầu đạn hạt nhân có thể được lập trình để tấn công vào một địa điểm cụ thể.

Tên lửa DF-41.

Tên lửa DF-41 có khả năng phóng lạnh, sử dụng các rocket phụ để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng tới một độ cao nhất định trước khi động cơ chính của tên lửa được khởi động. Cơ chế này tương tự cơ chế phóng của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-12M Topol của Nga.

Theo tờ Hoàn Cầu hồi cuối năm 2012 cho biết, Trung Quốc đang muốn sử dụng DF-41 làm đối trọng để vượt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Trong khi đó, theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Vi Quốc An, hiện Bắc Kinh có hơn 70 tên lửa đạn đạo liên lục địa và 410 đầu đạn hạt nhân. Kho vũ khí khổng lồ đủ khiến Mỹ phải đầu tư mạnh tay để xây dựng hệ thống phòng thủ ngoài khí quyển EKV.

Clip phòng thủ Mỹ đánh chặn mục tiêu

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/doi-thu-khien-my-lap-la-chan-ten-lua-ngoai-khi-quyen-3322295/