Đối thủ đáng gờm của tên lửa Mỹ Patriot PAC-3

(Phunutoday) - Nga vừa thử nghiệm thành công thêm một tính năng mới của hệ thống phòng không hiện đại S-400 Triumf. Đây là tổ hợp phòng không hiện đại nhất của Nga và là đối thủ đáng gờm của tổ hợp Patriot PAC-3 của Mỹ.

Quân khu miền Nam của Nga vừa thử nghiệm thành công thêm một tính năng mới của hệ thống phòng không hiện đại S-400 Triumf.

Theo đó, các cuộc thử nghiệm mới về khả năng ngắm bắn mục tiêu của các hệ thống phòng không mới này đã được tiến hành thành công, đưa quân khu này tiến gần hơn một bước tới việc đưa các hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf vào vị trí sẵn sàng tác chiến, thay thế hệ thống S-300 PM.

S-400 đã kế thừa các tinh hoa của dòng sản phẩm tên lửa phòng không S-300 vốn đã rất nổi tiếng. S-400 tích hợp hoàn toàn chức năng của 2 phiên bản S-300 trước đó là S-300P (không quân) và S-300V (lục quân) vào một tổ hợp tên lửa phòng không hợp nhất.

Hệ thống S-400 Triumph là thế hệ mới nhất của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của Nga do Tổ hợp Almaz-Antey phát triển - và là đối thủ của tổ hợp Patriot PAC-3 của Mỹ.

S-400 Triumf là tổ hợp phòng không hiện đại nhất của Nga. Nó có thể tiêu diệt mục tiêu đạn đạo và khí động lực, đồng thời có thể sử dụng cả tên lửa thông thường lẫn tên lửa siêu nặng.

Công nghệ của S-400 cũng được áp dụng để nâng cấp phiên bản hải quân S-300F trang bị trên các chiến hạm nổi của Nga hiện nay.

Hệ thống S-400 có khả năng đánh chặn các dòng tên lửa đạn đạo và có tốc độ bay tới 5.000 m/giây, chiều cao 60km (tăng gấp đôi so với S-300); hiệu suất chiến đấu tăng 2,5 lần…

Nó cũng có thể tấn công các mục tiêu như máy bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo với khoảng cách lên tới 400 km (tăng gấp đôi so với S-300) với hệ thống tự dẫn hướng.

S-400 có thể vô hiệu hóa các dòng tên lửa đạn đạo tầm trung và các dòng máy bay chiến đấu cấp chiến thuật hoặc chiến lược của đối phương.

Hệ thống S-400 Triumf sẽ có thêm tên lửa mới với tầm bắn mở rộng đến đầu năm 2013.

S-400 có thể tích hợp toàn bộ các phương tiện chiến đấu của S-300 như: đài radar nhìn vòng, radar dẫn bắn, xe phóng và các phương tiện hỗ trợ kèm theo vào hệ thống chung. Đặc biệt, S-400 sử dụng các dòng đạn tên lửa 48N6E/48N6E2, 9M96E/9M96E2 của tổ hợp S-300 và kết hợp với các trạm radar, khí tài trinh sát khác để nâng cao hiệu quả tác chiến.

Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.

Đến năm 2020, quân đội Nga dự định trang bị tới 56 tiểu đoàn S-400.

Dù mới xuất hiện trong biên chế quân đội Nga (mới có 3 tiểu đoàn được triển khai), nhưng thông tin về dòng tên lửa phòng không tiên tiến này nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước có truyền thống sử dụng vũ khí Nga và đang có mong muốn nâng cấp sức mạnh phòng không của nước mình.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/anh-nong/201212/doi-thu-dang-gom-cua-ten-lua-My-Patriot-PaC-3-2191277/