'Đói' thông tin khiến doanh nghiệp khó tiếp cận thị trường ASEAN

Thiếu, "đói" thông tin về thị trường, về đối tác vẫn là bài toán mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua khi giao thương, tiếp xúc với các nước trong ASEAN.

Sự tương đồng về hàng hóa cũng là một trong những khó khăn khi xuất khẩu sang các nước ASEAN. Ảnh Trần Việt

"Ám ảnh" hàng Thái

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập năm 2015 được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” về giao thương, thương mại của Việt Nam với thị trường có quy mô dân số lớn với trên 600 triệu dân của 10 nước ASEAN và tổng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD.

Nhưng sự kỳ vọng này đã không được như mong muốn khi việc tiếp cận với thị trường ASEAN được ông Tạ Hoàng Linh, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhận xét: “Các doanh nghiệp Việt Nam chưa thật tích cực sang các nước ASEAN tìm cơ hội thương mại và đầu tư. Trong khi đó, các nước ASEAN vào Việt Nam rất tích cực, họ tìm cách khai thác thị trường và bán sản phẩm vào Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp thì không phải như vậy. Tiếp xúc với thị trường Lào 3 năm nay, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã “lộn đi lộn lại” mấy trăm lần nhưng hiệu quả đạt được không như kỳ vọng. Mặc dù đã xuất khẩu được những đơn hàng 1,5 triệu USD song doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp Thái Lan (do người Thái làm kỹ thuật, quản lý ngay tại thị trường Lào nên có sự am hiểu cũng như mối làm ăn nhất định- PV).

Chính vì thế, doanh nghiệp này không thể là nguồn cung cấp thường xuyên cho khách hàng tại Lào, mà chỉ có thể “thế chân” doanh nghiệp Thái Lan khi thiết bị của họ có vấn đề. “Nếu cạnh tranh được tại thị trường Lào thì mỗi năm công ty có thể thu được cả nghìn tỷ đồng. Đối với chúng tôi, đây là con số rất lớn”, ông Phạm Minh Hoàng, Cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh tâm sự.

Đây là thị trường duy nhất mà công ty này có thể tiếp cận trong khối các nước ASEAN. Thị trường Campuchia, doanh nghiệp đã tiếp cận nhưng qua trung gian nên chưa hiệu quả; Thị trường Myanmar, Philippines, dù đã cố gắng nhưng “lực bất tòng tâm”.

Còn với Công ty TNHH Benew (chuyên sản xuất hàng may mặc), tình hình còn xấu hơn. Cho đến thời điểm hiện tai, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty cho biết: “Chúng tôi chưa xuất khẩu sang nước nào trong ASEAN, tất cả mọi thứ mới chỉ đang trong quá trình tìm hiểu”. Nguyên nhân được bà Yến đưa ra là do hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN có sự tương đồng nên khó xuất khẩu, nhất là hàng dệt may.

Đói thông tin

Trên thực tế, với bất kỳ doanh nghiệp nào, vấn đề thông tin trong hoạt động giao thương là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, mù mờ thông tin là vấn đề mà các doanh nghiệp nói trên gặp phải và đây cũng là nỗi lo không mới của nhiều doanh nghiệp.

Ông Hoàng cho biết, khi đi xúc tiến thương mại tại thị trường Lào, doanh nghiệp mới chỉ tiếp nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan thương vụ trong việc cung cấp thông tin, còn việc tiếp xúc gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp đối tác thì chưa thực hiện được. Sau đó, cơ quan thương vụ có thu thập thông tin gửi doanh nghiệp song cũng chỉ là thông tin chung chung như thị trường tiềm năng, có nhu cầu.

Những thông tin này không phải là thứ doanh nghiệp cần. Bởi theo ông Hoàng, điều doanh nghiệp cần là nắm được thị trường có nhu cầu không, ai đang cần nhập khẩu mặt hàng này.

“Chúng tôi đang ở trong tình trạng không biết mình có đáp ứng được yêu cầu hay không. Trong khu vực Đông Nam Á, chúng tôi hiện mạnh nhất về điện nhưng với tình hình hiện nay thì doanh nghiệp không có cơ hội cạnh tranh, không tiếp cận được với thị trường, không có thông tin về thị trường”.

Mù mờ thông tin đang khiến cho doanh nghiệp mắc kẹt trong tình thế “mò kim đáy bể”. Thiết nghĩ, các cuộc hội thảo cung cấp thông tin thị trường, tiềm năng xuất khẩu sang các nước ASEAN nói riêng, rộng hơn là các thị trường khác vẫn cần được tổ chức. Thế nhưng, các cuộc hội thảo, giao thương này phải tập trung vào “đơn đặt hàng”, nguyện vọng của doanh nghiệp.

Với những thông tin cụ thể thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận thị trường dễ hơn, tránh tình trạng khiến doanh nghiệp bỏ qua cơ hội khi “không biết thị trường cần gì”.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doi-thong-tin-khien-doanh-nghiep-kho-tiep-can-thi-truong-600-trieu-dan.aspx