Đối thoại về BOT Cầu Rác: Khi người dân được tôn trọng!

Sáng 21/4, UBND huyện Cẩm Xuyên đã đứng ra làm cầu nối tổ chức cuộc đối thoại giữa Chủ đầu tư là Tổng công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà và người dân địa phương về những bất hợp lý tại Trạm thu phí Cầu Rác.

Việc tổ chức cuộc đối thoại để hai bên trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn những vấn đề cùng quan tâm của huyện Cẩm Xuyên nhận được sự đánh giá cao của các bên tham gia và dư luận.

Ý kiến người dân được lắng nghe

Ngày 16/4, người dân đã sử dụng hàng chục ô tô, dán băng rôn, khẩu hiệu tập trung hai bên Trạm thu phí Cầu Rác để bày tỏ sự bức xúc và yêu cầu nhà đầu tư giải quyết những đề xuất, kiến nghị của người dân.

Sáng 21/2, UBND huyện Cẩm Xuyên đã đứng ra làm cầu nối tổ chức cuộc đối thoại giữa Chủ đầu tư là Tổng công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà và người dân địa phương về những bất hợp lý tại Trạm thu phí Cầu Rác.

Trạm thu phí Cầu Rác đóng tại xã Cẩm Trung vốn được sử dụng để thu phí hoàn vốn cho tuyến đường tránh Thành phố Hà Tĩnh, cách đó khoảng 30km. Đường một nơi, trạm thu phí một nẻo khiến người dân các xã xung quanh Trạm thu phí này không hề sử dụng một mét đường BOT nào cũng phải đóng phí.

Đặc biệt, tại các xã Cẩm Minh, Cẩm Trung tập trung một lượng lớn các mỏ khoáng sản và vật liệu xây dựng như đất, cát, đá nên lượng phương tiện vận tải lưu thông hàng ngày qua Trạm thu phí này lớn khiến cánh tài xế rất bức xúc.

Kể từ khi Trạm thu phí này đưa vào hoàn vốn cho tuyến tránh TP Hà Tĩnh đến nay đã gần chục năm, cũng là từng ấy thời gian người dân địa phương oằn mình gánh phí cho tuyến đường BOT mà mình không hề sử dụng. Hầu hết người dân cho biết, đã rất nhiều lần kiến nghị, đề xuất lên các các cơ quan chức năng nhưng hầu như không nhận được phản hồi, giải quyết một cách thấu đáo và dứt điểm.

Trong hoàn cảnh chung người dân nhiều địa phương trên cả nước cũng phải đóng phí, người dân xung quanh Trạm thu phí Cầu Rác cũng đã phải chấp nhận đóng phí thời gian dài. Tuy nhiên, nhân vụ việc người dân sống hai bên Trạm thu phí Bến Thủy 1 vừa được Cienco 4 miễn 100% giá vé, người dân cho rằng “Ở Nghệ An, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân được giảm rồi thì không có lý gì địa bàn ở đây không giảm”, vì vậy người dân đã tiếp tục phản đối những sự bất hợp lý tại Trạm BOTCầu rác.

Việc người dân sử dụng xe ô tô tập trung phản đối cũng là một cách được người dân lựa chọn để cất lên tiếng nói, là một cách phản ứng với mong muốn tạo áp lực dư luận, từ đó những bức xúc, kiến nghị của mình đến được với các cơ quan chức năng có thẩm quyền và nhà đầu tư.

Nhiều người dân đã thẳng thắn nêu ý kiến tại cuộc đối thoại này.

Trong hoàn cảnh đó, UBND huyện Cẩm Xuyên đã đứng ra làm trung gian, cầu nối, tổ chức và trực tiếp điều hành cuộc đối thoại để doanh nghiệp và người dân có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, trực tiếp bày tỏ ý kiến cũng như cảm xúc về những vấn đề cùng quan tâm với nhau.

Việc được trực tiếp “ngồi lại” nói chuyện với nhau tạo sự gần gũi giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân chứ không phải khoảng cách quá xa qua những văn bản đề xuất kiến nghị khô cứng, vô hồn.

Được trực tiếp bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, được lắng nghe và giải đáp “ngay lập tức” sẽ tạo điều kiện cho người dân có cơ hội phản biện lại những vấn đề mà mình chưa đồng tình, chưa hài lòng, từ đó thúc đẩy cơ quan chức năng và nhà đầu tư có trách nhiệm hơn trong việc giải quyết thấu đáo cho người dân.

Đối thoại: Thể hiện sự tôn trọng người dân

Trong buổi đối thoại sáng hôm nay, rất nhiều ý kiến của người dân được nêu ra, nhưng tập trung vào ba vấn đề chính.

Một là yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc đặt trạm thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh TP Hà Tĩnh tại xã Cẩm Trung là đúng hay sai? Hai là người dân yêu cầu phải di dời trạm thu phí này, còn nếu vẫn đặt ở đây thì phải miễn hoàn toàn giá vé cho người dân địa phương. Ba là chủ đầu tư phải làm rõ tổng vốn đầu tư của tuyến tránh TP Hà Tĩnh là bao nhiêu? Đến thời điểm nào thì sẽ hoàn tất việc thu phí hoàn vốn của dự án này?

Ông Phạm Đăng Nhật đề nghị nhà đầu tư có phương hướng để giải quyết thấu đáo những ý kiến, nguyện vọng chính đáng mà người dân đã trình bày trong cuộc đối thoại

Trả lời những thắc mắc của người dân, đại diện Tổng công ty TNHH hạ tầng Sông Đà cho biết, vị trí đặt trạm thu phí ở đâu là thẩm quyền của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư không có quyền quyết định. Dù chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng nhưng từ năm 2009, chủ đầu tư đã chủ động giảm 50% giá vé cho người dân địa phương và hiện đang tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ GTVT miễn giá vé cho bà con. Tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, và dự kiến vào năm 2020 sẽ hoàn tất việc thu phí.

Sau khi lắng nghe câu trả lời, nhiều người dân bức xúc và không đồng tình trước những giải đáp của chủ đầu tư. Thậm chí có thời điểm cuộc đối thoại rơi và căng thẳng. Ngay lúc đó, ông Phạm Đăng Nhật, chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp đứng lên làm giảm căng thẳng, trở thành cầu nối để doanh nghiệp và người dân tiếp tục “ngồi lại” nói chuyện, phản biện, cùng tiếp tục chia sẻ.

Trong phát biểu của mình, ông Phạm Đăng Nhật đề nghị nhà đầu tư có phương hướng để giải quyết thấu đáo những ý kiến, nguyện vọng chính đáng mà người dân đã trình bày trong cuộc đối thoại. Đồng thời, yêu cầu và mong muốn người dân phải bình tĩnh trong thời gian chờ đợi câu trả lời. Người dân không được tụ tập đông người gây cản trở giao thông, vì QL 1A đoạn qua Trạm thu phí Cầu Rác là huyết mạch giao thông quốc gia, lại là đoạn đường độc đạo, việc tập trung đông người sẽ ảnh hưởng đến việc vận tải, kinh doanh của người dân cả nước. UBND huyện Cẩm Xuyên sẽ tiếp tục ghi nhận và cập nhật mọi ý kiến của người dân lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết.

Dù có thể chưa hài lòng về những giải đáp từ doanh nghiệp, cũng như chưa hài lòng về một số phản hồi từ phía chính quyền, nhưng hầu hết người dân và doanh nghiệp đánh giá cao việc UBND huyện Cẩm Xuyên đã đứng ra tổ chức cuộc đối thoại và sáng ngày hôm nay.

Trao đổi riêng với người viết, ông Lương Văn Sơn, đại diện Tổng công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà – người trực tiếp tham gia cuộc đối thoại cũng cảm ơn UBND huyện Cẩm Xuyên đã tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân được trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của nhau. “Có buổi đối thoại gặp gỡ ngày hôm nay khiến người dân và chính quyền gần gũi hơn. Chính quyền cũng nghe được tiếng nói của dân kịp thời để xử lý. Ngoài ra, doanh nghiệp biết được nguyện vọng của dân rõ hơn. Thậm chí có những cái gì mà thuộc thẩm quyền của mình chưa đúng thì chúng tôi sẽ phải có trách nhiệm xử lý cho đúng”, ông Sơn nói.

Trước khi người dân ở đây phản đối sự bất hợp lý tại trạm thu phí Cầu Rác, người dân nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đã bức xúc với nhiều trạm BOT. Nhưng một trong những biện pháp giải quyết được lòng dân là tổ chức đối thoại rõ ràng giữa các bên liên quan không phải địa phương nào cũng thực hiện.

Ai cũng có nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu. Việc tổ chức đối thoại với người dân là một trong những cách làm thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, chia sẻ và tôn trọng của chính quyền địa phương trước những vấn đề bức xúc của nhân dân.

Mai Nguyễn - Đặng Sơn

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/doi-thoai-ve-bot-cau-rac-khi-nguoi-dan-duoc-ton-trong-post225956.info