Đối thoại nóng: Sinh viên "hỏi xoáy" các Bộ trưởng

Trong khoảng 1 giờ đối thoại trực tiếp, sinh viên đến từ các trường đại học trong cả nước đã đặt ra những vấn đề nóng hiện nay cho các thành viên Chính phủ.

Sinh viên đặt câu hỏi dành cho các Bộ trưởng, thứ trưởng

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam có sự tham dự của 650 sinh viên đến từ các trường đại học trong cả nước. Đặc biệt buổi đối thoại trực tiếp với sinh viên có sự tham dự hầu hết của Bộ trưởng, thứ trưởng các Bộ GD&ĐT, GTVT, KH&CN, VHTT&DL, Xây dựng…

Dù chỉ diễn ra trong khoảng 1 đồng hồ nhưng nhiều nhiều vấn đề nóng của sinh viên hiện nay đã được đặt ra để trao đổi.

Phạm Thị Thùy My – Sinh viên Đại học Đà Nẵng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Quân về định hướng phát triển của nền KHCN nước nhà, và định hướng về phát triển KH đối với sinh viên là gì? Sinh viên Nguyễn Bình Yên (Đại học Thái Nguyên) phản ánh thực trạng nhiều trường Đại học chưa quan tâm nhiều đến nghiên cứu khoa học. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này?...

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, thực tế hiện nay các trường Đại học chỉ mới quan tâm đến công tác đào tạo mà chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học.

Nguyên nhân được xác định, do tỷ lệ sinh viên/ thầy còn cao hơn mức bình quân trên thế giới. Mặt khác kinh phí dành cho nghiên cứu KH vẫn còn nhiều hạn chế.

Đảng và Nhà nước luôn coi KHCN là quốc sách hàng đầu. Trung ương Đảng đã ra nghị quyết, Quốc hội mới đây cũng đã ban hành luật sửa đổi về KHCN. Việt Nam xác định và phấn đấu đến năm 2020 sẽ là quốc gia dẫn đầu về KHCN.

“Chất vấn” Bộ GD&ĐT, sinh viên Ngô Văn Tuân (Đại học Chu Văn An) đề cập đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp hiện nay còn nhiều. Bộ Có giải pháp gì để giải quyết thực trạng này? Sinh viên Nguyễn Tất Toàn thì đề cập đến tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với sinh viên ở mức độ nào?

Khoảng 650 sinh viên đối thoại trực tiếp với các thành viên Chính phủ

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý nói rằng, việc làm cho sinh viên sau khi ra trường cũng là vấn đề đang trăn trở của Bộ GD&ĐT, đòi hỏi cần phải nghiên cứu để có được giải pháp hữu hiệu nhất về việc này.

Yếu tố việc làm liên quan đến chất lượng đào tạo. Do vậy nhà trường, thầy cô, và các sinh viên phải nâng cao năng lực học tập, trau dồi kiến thức để ứng dụng từ lý thuyết vào thực tế, đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, các địa phương, phía doanh nghiệp cũng cần lên kế hoạch “đặt hàng” với Bộ về nhu cầu tuyển dụng, và công tác này hiện đang được tiến hành.

Cũng theo thứ trưởng Quý, hiện một số trường đã thành lập bộ phận tư vấn việc làm cho sinh viên để tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp đối với các bạn sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp. Tới đây, tất cả các trường phải thành lập “kênh” này, góp phần khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm.

Thứ trưởng Quý cũng nhấn mạnh ngoại ngữ có vai trò rất quan trọng đối với sinh viên, giúp sinh viên Việt Nam hội nhập quốc tế một cách nhanh nhất. Tới đây Bộ sẽ rà soát về năng lực tiếng Anh của giáo viên các trường Đại học và sẽ xây dựng chuẩn hóa trình độ tiếng Anh theo 6 bậc.

Đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Xây dựng, sinh viên Đỗ Huy Hoàng (Đại học Kiến trúc) nêu: Bộ đang xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhưng lại đặt ở khoảng cách xa các trường. Quan điểm của bác về vấn đề này?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, lĩnh vực nhà ở nói chung là sức ép và cũng là một đòi hỏi thiết thực của người dân. Việt Nam vừa đạt mức dân số 90 triệu người. Trong đó 30 triệu người đang sống ở thành thị. Bên cạnh đó mỗi năm có khoảng 1 triệu dân rời nông thông ra thành thị sinh sống. Mặt khác hiện nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình, không chỉ còn lo ăn, mặc mà người dân đã nghĩ đến vấn đề chỗ ở. Vì thế nhu cầu về nhà ở ngày càng trở nên cấp thiết.

Giải quyết việc làm là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và của mỗi hộ gia đình. Chính phủ cũng đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó sinh viên là 1/8 đối tượng trong diện được hỗ trợ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hỗ trợ cho sinh viên, Bộ Xây dựng đã lựa chon 28 tỉnh, thành có trên 10 nghìn sinh viên để triển khai gói hỗ trợ. Tổng cộng gói hỗ trợ được triển khai với 95 dự án, với 260 khối nhà cao tầng, đáp ứng cho khoảng 330 nghìn sinh viên.

Chẳng hạn đối với địa bàn Hà Nội, đã dành 2 nghìn tỷ đồng hỗ trợ để xây dựng ký túc xá cho sinh viên với 10 dự án. Trong đó 8 dự án xây ngay trong khuôn viên nhà trường, 2 dự án còn lại xây ở ngoài.

Lý giải về việc xây ký túc xá xa trường học, Thứ trưởng Nam cho biết khoảng cách như từ Mỹ Đình đến trường Đại học ở Thanh Xuân không xa. Ông dẫn dụ ngay cả Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng ở khu vực Mỹ Đình và hàng ngày phải đi vào nội thành làm việc hàng ngày mà “có kêu xa đâu”.

“Đi xa một chút nhưng được ở nhà rẻ hơn, tốt hơn, toàn diện hơn thì sẽ tốt hơn nhiều” – thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng có mặt để đối thoại trực tiếp với sinh viên với những câu hỏi hết sức đời thường...

Nguyễn Dũng

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/doi-thoai-nong-sinh-vien-hoi-xoay-cac-bo-truong-post112818.info