Đời sống văn hóa trong CNLĐ ở Trà Vinh: Còn đơn điệu, nhiều bất cập

Đội ngũ CNLĐ ở Trà Vinh phát triển nhanh (hiện có trên 55.000 người), tập trung nhiều ở các doanh nghiệp (DN) thuộc KCN Long Đức, Cty TNHH Giày da Mỹ Phong… Từ đó, nhiều bất cập về đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận CNLĐ cũng phát sinh.

CNLĐ tham gia “Ngày hội ẩm thực” tổ chức tại KCN Long Đức.

Nhiều nguyên nhân

Hiện đời sống văn hóa, tinh thần của đa số CNLĐ còn rất đơn điệu, họ hầu như rất ít tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT và các hoạt động cộng đồng. Sau giờ làm việc, CNLĐ thường về phòng trò chuyện với bạn bè, tìm đến các quán càphê hoặc… “cô đơn” với chiếc điện thoại di động…

Theo Chủ tịch CĐCS Cty TNHH CYVINA Phùng Mộng Tiên, do điều kiện sản xuất theo dây chuyền, ca kíp nên CNLĐ không có thời gian dành cho vui chơi giải trí, học tập. Nhiều DN chỉ tập trung sản xuất - kinh doanh, ít quan tâm đến đời sống văn hóa, tinh thần của CNLĐ. Mặt khác, với thu nhập cơ bản chỉ đủ nuôi sống bản thân, phần tích lũy không đáng kể nên NLĐ khó có điều kiện sử dụng các dịch vụ vui chơi, giải trí… Một thực tế nữa là thiếu trầm trọng các thiết chế văn hóa. Chủ tịch CĐ Khu Kinh tế Trà Vinh Mai Anh Tác cho biết, KCN Long Đức có trên 15.000 CNLĐ, nhưng hiện không có bất kỳ thiết chế văn hóa nào. Cty TNHH Giày da Mỹ Phong có trên 28.000 CNLĐ với 3 phân xưởng Tiểu Cần, Trà Cú, Phước Hưng, song chỉ có phân xưởng Tiểu Cần được xây dựng trung tâm hoạt động lĩnh vực văn hóa.

Cần giải pháp thiết thực

Ông Mai Anh Tác kiến nghị: Để xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ cần có nhiều giải pháp thật sự hữu hiệu. Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động… Trong quy hoạch, các KCN cần bố trí quỹ đất, ưu tiên ngân sách đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại nơi có đông CNLĐ sinh sống; thực hiện xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao tại các KCN. Bên cạnh đó, cần vận động, tạo điều kiện cho DN xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao và tổ chức cho CNLĐ tham gia hoạt động. CĐCS vận động chủ sử dụng LĐ xây dựng phương án sản xuất -kinh doanh cần tính đến bố trí thời gian hợp lý cho NLĐ có điều kiện tham gia hoạt động văn hóa - thể thao; hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí, thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, tham quan du lịch, vui chơi giải trí cho CNLĐ… Mỗi CNLĐ cũng cần quan tâm tìm hiểu, nhận thức đúng, thấy rõ lợi ích và trách nhiệm của mình trong việc tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT, xây dựng đời sống văn hóa nơi sinh sống và nơi làm việc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dbscl/doi-song-van-hoa-trong-cnld-o-tra-vinh-con-don-dieu-nhieu-bat-cap-568371.bld