Đội quân sẵn sàng trả đũa nếu Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Mỹ đang duy trì một đội ngũ chuyên tác chiến đặc biệt trên không gian mạng nhằm chống lại mọi hành vi can thiệp vào quá trình bầu cử tổng thống.

Mỹ lên kế hoạch đề phòng các hoạt động tấn công mạng vào tiến trình bầu cử. Ảnh: NBC News

Các hacker quân đội Mỹ đã xâm nhập thành công vào mạng lưới điện, hệ thống viễn thông của Nga cũng như hệ thống chỉ huy bên trong Điện Kremlin, sẵn sàng tấn công nếu thấy cần thiết, NBC News dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao Mỹ và một số tài liệu mật.

Giới chức Mỹ lâu nay đã công khai cáo buộc Nga, Trung Quốc và vài nước khác phát tán những phần mềm độc hại vào các hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của nước này để "chuẩn bị chiến trường" cho các cuộc tấn công mạng đủ sức cắt đứt nguồn điện hay phá hoại mạng Internet tại những thành phố lớn.

Các tài liệu mật và một số quan chức tình báo Mỹ xác nhận Washington đã triển khai những động thái tương tự nhằm đáp trả trong trường hợp tin tặc Nga tìm cách tấn công và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống.

Các quan chức Mỹ hiện lo lắng trước viễn cảnh Nga sử dụng năng lực trên không gian mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tuần tới. Chuyên gia tình báo Mỹ suy đoán Nga có thể không tấn công vào những cơ sở hạ tầng thiết yếu nhưng sẽ thực hiện các động thái phá hoại trên mạng, chẳng hạn như phát tán tài liệu, văn bản giả mạo hay dùng mạng xã hội để truyền bá thông tin sai lệch.

Hôm qua, một hacker mang biệt danh "Guccifer 2.0" tuyên bố trên Twitter sẽ gây rối loạn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ "từ bên trong hệ thống". Nhà chức trách Mỹ cho rằng "Guccifer 2.0" có mối liên hệ với tình báo Nga.

NBC News hôm 3/11 đưa tin chính quyền Mỹ đang tận dụng mọi nguồn lực để chống lại những mối đe dọa được nhận xét là chưa từng có trong lịch sử các kỳ bầu cử Mỹ.

James Lewis, chuyên gia về không gian mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết việc Mỹ hack vào hệ thống máy tính của các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Iran hay Triều Tiên giống như một loại hình trinh sát quân sự. "Chỉ có điều đây là phiên bản trên không gian mạng", ông Lewis nói.

Năm 2014, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Mike Rogers thông báo trước Quốc hội rằng các đối thủ của Mỹ thường xuyên tiến hành nghiệp vụ "trinh sát" điện tử để củng cố năng lực trên không gian mạng nhằm phá hoại những hệ thống điều khiển công nghiệp Mỹ, quản lý tất cả mọi thứ, từ các cơ sở hóa học đến nhà máy xử lý nước.

"Mọi thứ đều khiến tôi tin rằng chúng ta rồi sẽ phải chứng kiến những sự việc nghiêm trọng, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi", Rogers khi ấy cảnh báo.

Rogers không đề cập đến chuyện Mỹ can thiệp vào hệ thống mạng của các đối thủ như thế nào. Tuy nhiên, cách thức NSA thực hiện, chủ yếu nhắm vào các mạng ở nước ngoài nhằm thu thập thông tin tình báo, không khác gì việc cài "tay trong", Gary Brown, đại tá quân đội về hưu, cựu cố vấn pháp lý cho Trung tâm Chỉ huy Không gian Mạng Mỹ, nhận xét.

"Bạn tiếp cận vào mạng, thiết lập hiện diện trên mạng rồi sau đó sẵn sàng làm mọi thứ mình muốn", ông Brown nói. "Trong hầu hết các trường hợp, bạn vận dụng phương pháp này để thu thập thông tin nhưng nếu cần thiết nó cũng có thể được dùng cho những cuộc tấn công táo bạo hơn".

Brown đánh giá chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama từ trước tới nay vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong việc triển khai các chiến dịch hành động trên không gian mạng, ngay cả trước bối cảnh hệ thống bầu cử tổng thống đang đối mặt nguy cơ bị can thiệp bởi các hacker Nga. Nhưng các quan chức chính phủ cũng đã kịp ngầm truyền đi một thông điệp cảnh cáo đến những thế lực âm mưu gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Quan chức tình báo cấp cao Mỹ cho hay nếu Moscow khởi xướng một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng, Washington có thể phản ứng bằng cách đánh sập một số hệ thống Nga.

Theo cựu đô đốc James Stavridis, người từng đảm nhận cương vị chỉ huy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu, Mỹ hiện được trang bị rất tốt để đáp trả bất kỳ cuộc tấn công mạng nào.

"Tôi nghĩ khi bị tấn công mạng, chúng ta nên làm ba việc", ông Stavridis nói. "Đầu tiên là phòng thủ. Thứ hai là thông báo cho người dân biết chuyện gì đang diễn ra để những thủ đoạn trên không gian mạng bị vạch trần. Thứ ba, chúng ta nên đáp trả, tỷ lệ thuận với những gì nhận được".

Việc Mỹ sử dụng chiến thuật tấn công trên không gian mạng không phải chưa từng xảy ra. Trong cuộc chiến tranh Iraq, gián điệp Mỹ đã xâm nhập vào hệ thống mạng của Iraq và gửi những tin nhắn riêng cho các tướng lĩnh nước này, kêu gọi họ đầu hàng hay cắt điện tạm thời thủ đô Baghdad.

Năm 2009 và 2010, Mỹ được cho là đã phối hợp cùng Israel triển khai một chương trình mã độc mang tên Stuxnet nhằm phá hủy các máy ly tâm hạt nhân của Iran.

Ngày nay, Trung tâm Chỉ huy Không gian Mạng Mỹ thường xuyên tiến hành hàng loạt chiến dịch tấn công nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS), bao gồm sử dụng mạng xã hội để tìm ra vị trí phiến quân hay gửi các mệnh lệnh giả mạo để gây nhầm lẫn.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra hiện nay là những học thuyết liên quan đến xung đột không gian mạng vẫn chưa thực sự phát triển dẫn đến tình trạng nhầm lẫn khái niệm, ví dụ như thế nào là gián điệp, trộm cắp hay chiến tranh mạng.

"Chiến tranh mạng chưa được định nghĩa", Brown cho hay. "Chúng tôi cố gắng xây dựng những chuẩn mực về hành vi nhưng người ta vẫn vi phạm".

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/doi-quan-san-sang-tra-dua-neu-nga-can-thiep-bau-cu-my-post179649.html