Đổi mũ bảo hiểm ở Đà Nẵng: Mũ đắt đổi mũ rẻ?

Sau sự cố hỗn loạn đổi mũ bảo hiểm sáng 10/4, kế hoạch đổi mũ bảo hiểm (MBH) đạt chất lượng cho người dân của Đà Nẵng đã bị tạm dừng để tìm cách tháo gỡ các vướng mắc.

>> Hỗn loạn đổi MBH: Đà Nẵng sợ dân hiểu lầm “nói mà không làm"

Với chiếc máy cồng kềnh này, liệu khả năng cơ động của nó sẽ như thế nào? - Ảnh: HC

Từ cố định sang cơ động

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) Đà Nẵng Nguyễn Hữu Cường cho hay, thay vì tổ chức 1 điểm kiểm thử và thu đổi MBH trên đường CMT8 như hôm 10/4, cơ quan này đang thiết kế loại giá đặt mũ cỡ nhỏ cho tổ liên ngành tuần tra kiểm soát việc đội MBH khi tham gia giao thông có thể xếp gọn, mang theo. Đến bất cứ nơi nào, tổ tuần tra cũng dễ dàng đặt chiếc giá này, trên đó bày sẵn MBH đạt chất lượng, để khi phát hiện người đi xe máy đang đội mũ không đạt chất lượng thì yêu cầu họ phải đổi mũ.

Vấn đề là khả năng cơ động của những chiếc giá đặt MBH (lẫn của các tổ tuần tra) đều phụ thuộc vào... máy kiểm thử mũ. Đà Nẵng hiện chỉ có 1 chiếc máy này (do ĐH Bách khoa Đà Nẵng chế tạo theo đặt hàng của Sở KH-CN Đà Nẵng) và... khá cồng kềnh, mỗi lần di chuyển phải dùng đến... xe tải, chưa kể chi phí xăng xe, thời gian lắp đặt.... Cần nhắc lại, một trong những lý do dẫn tới sự hỗn loạn vừa rồi là vì chiếc máy này chưa nhận được giấy phép hoạt động. Liệu trong thời gian tới, đã có ai tính đến những khoản phát sinh để vận hành máy, và sẽ lấy từ đâu?

Nhiều câu hỏi đang đặt ra từ Thông báo 49

Cũng do sự hỗn loạn sáng 10/4 mà trong chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã có thông báo khẩn số 49/TB-UBND nêu rõ: "Chỉ những người nào đi xe máy được CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra thì mới dừng xe. Đối với công dân Đà Nẵng, qua kiểm tra MBH không đạt chất lượng thì mũ bị giữ lại, người đi xe máy được chọn một chiếc mũ mới và trả 50.000 đồng".

Nhiều người đặt vấn đề: Nếu sau khi qua máy kiểm thử mà MBH họ đang đội đảm bảo chất lượng thì sao? Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trả lời: "Nếu đó là mũ đạt chất lượng thì đổi mũ mới (chứ không bắt mua) vì sau khi được kiểm thử thì mũ sẽ bị đâm xuyên, phá hủy, không còn sử dụng được".

Sau khi kiểm thử, nếu MBH đạt chất lượng và người dân yêu cầu trả lại đúng loại mũ họ đang dùng chứ không nhận mũ của Nhựa Chí thành VN thì sẽ xử lý ra sao? - Ảnh: HC

Một cán bộ Ban ATGT Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) cho hay, giá các loại MBH đạt chất lượng đang bán trên thị trường có khi lên tới 500.000 đồng/mũ, còn mũ của Công ty Nhựa Chí Thành VN mà UBND TP Đà Nẵng sử dụng để thu đổi cho người dân có giá khoảng 180.000 đồng. "Sau khi kiểm thử mũ đạt chất lượng, người dân không chấp nhận đổi bằng mũ của Nhựa Chí Thành mà yêu cầu trả đúng loại mũ họ đang đội thì không biết phải giải quyết ra sao!" - ông nói.

Chưa kể, nếu người dân bị phát hiện đội MBH không đạt chất lượng mà lúc đó không có đủ 50.000 đồng để đổi mũ mới thì sao?.

Anh Lê Văn M., một người dân nhập cư đang là nhân viên khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại Đà Nẵng lại bức xúc ở một lẽ khác: "Mục tiêu của chương trình này là bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông. Với những người nhập cư như tôi, tuy chưa phải là công dân Đà Nẵng nhưng đã có gần cả chục năm làm ăn, sinh sống tại TP này thiết nghĩ cũng có quyền được bảo vệ. Nhưng theo thông báo 49 chỉ có công dân Đà Nẵng mới được đổi mũ, tôi thấy không công bằng lắm. Chưa kể mỗi lần bị CSGT dừng xe, phải chứng minh mình là công dân TP Đà Nẵng mới được đổi mũ thì sẽ rất nhiêu khê!".

Có thể nói chủ trương thu đổi MBH đạt chất lượng để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông là đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Đà Nẵng là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai chủ trương này nên không tránh khỏi có những vướng mắc, bất cập. Vấn đề những những vướng mắc, bất cập đó cần phải được nhận rõ, lường trước mọi khả năng nảy sinh và có biện pháp giải quyết rốt ráo thì mới mong không tiếp tục xảy ra những sự cố như cảnh hỗn loạn hôm 10/4 vừa rồi!

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Xa-hoi/doi-mu-bao-hiem-o-da-nang-mu-dat-doi-mu-re/a19654.html