Đổi mới và nền giáo dục thực chất

TIN LIÊN QUAN UNESCO sẽ hỗ trợ Việt Nam đổi mới toàn diện nền giáo dục Nền giáo dục của các nước tiên tiến mong đợi gì ở học sinh tiểu học? Một nền giáo dục hội nhập không thể thiếu ngoại ngữ Người góp công đầu xây dựng nền giáo dục đại học sau cách mạng

(Baonghean) - Chuyện đổi mới giáo dục đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, khi Ban chấp hành Trung ương Đảng chính thức ban hành một nghị quyết riêng yêu cầu phải “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” thì rõ ràng, đổi mới đã trở thành một yêu cầu bức thiết, một nhiệm vụ không thể trì hoãn đối với ngành Giáo dục.

Làm gì để đất nước sớm thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu so với thế giới? Câu trả lời duy nhất đúng là phải đi lên bằng sự đầu tư toàn diện, hiệu quả cho giáo dục. Sự lạc hậu về tư duy và phương thức quản lý giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bệnh phô trương thành tích là thủ phạm chính dẫn đến những lạc hậu, trì trệ của giáo dục hiện nay. Vì vậy, đổi mới căn bản, triệt để, hướng đến một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng đất nước, đưa nước ta phát triển, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.

Học sinh Tiểu học Diễn Thịnh (Diễn Châu) tặng quà Bà mẹ VNAH Trần Thị Triện. Ảnh: Trần Cảnh Yên

Những thành công và thất bại qua nhiều lần cải cách giáo dục thời gian qua, thiết nghĩ đã quá đủ để ngành Giáo dục biết phải làm gì! Phải biết đau một lần để từ bỏ căn bệnh cũ, tìm cho mình hướng đi đúng nhằm chấn hưng nền giáo dục. Điều đó nói thì dễ, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng xông pha. Vì suy cho cùng, mọi sự thay đổi, cải tiến đều có va vấp, đụng chạm, thậm chí là trả giá. Chỉ những ai dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh mới có thể để lại cho đời những kỳ tích. Không phải để ghi dấu ấn cá nhân, mà là để khỏi phải hổ thẹn với tổ tiên, khỏi day dứt lương tâm vì chưa trọn đạo làm thầy.

Cách nay 10 năm, Bộ GD & ĐT đã phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”. Nhưng cũng chỉ được mấy năm, rồi đâu lại vào đấy. Những năm gần đây, tình trạng lạm phát, tháo khoán về điểm số, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi ở các bậc học phổ thông đã đến mức báo động. Không khó để tìm ra những dẫn chứng kiểu một lớp ở bậc tiểu học 43 học sinh thì đã có 42 học sinh giỏi.

Một lớp 12 có 40 học sinh, học kỳ 1 chỉ có 5 - 6 học sinh giỏi nhưng đến cuối năm đã tăng vọt lên gần 20 em. Hai năm nay, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép xét tuyển học bạ cho các em vào đại học, cao đẳng thì các danh hiệu của học sinh lớp 12 ở nhiều địa phương cũng tăng vọt, số “học bạ đẹp” cũng nhiều hơn.

Có người cho rằng căn bệnh thành tích đang kéo lùi sự phát triển của ngành Giáo dục. Cán bộ quản lý nào cũng muốn được khen nhờ lãnh đạo giỏi mà số học sinh, giáo viên giỏi nhiều. Có vị còn duy ý chí tới mức “chỉ tiêu học sinh khá giỏi năm sau phải luôn cao hơn năm trước”.

Tính ganh đua, không muốn thua chị kém em, thấy trường họ tháo khoán, mình cũng nhấp nhổm không yên, cũng bắt chước làm theo để học sinh trường mình không bị thua thiệt khi thi cử, xét tuyển đã làm cho bệnh thành tích trở thành một thứ vi-rut khó chữa đối với không chỉ cán bộ quản lý giáo dục mà lây lan sang cả lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ mới đây đã khẳng định tiếp tục con đường đổi mới giáo dục, mà trọng tâm là đội ngũ thầy, cô giáo. Chất lượng người thầy vẫn là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng giáo dục đào tạo học sinh, sinh viên. Dẫu công nghệ phát triển, việc giao lưu, học hỏi lẫn nhau khá thuận lợi; tính tự chủ, tự lập của học sinh, sinh viên bây giờ đã cao hơn rất nhiều, nhưng vai trò định hướng, hướng dẫn của người thầy vẫn luôn là yếu tố không thể thiếu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tiếp nhận ngọn lửa truyền thống
Hội khỏe Phù Đổng để thắp lên đài lửa.

Chống căn bệnh thành tích trong giáo dục, có lẽ không đâu xa, mà hãy bắt đầu từ việc đề cao lương tâm, trách nhiệm của người thầy. Thầy trên lớp và thầy quản lý. Làm sao việc khắc phục căn bệnh thành tích phải trở thành phương châm hành động của mỗi cán bộ, giáo viên trong toàn ngành Giáo dục, như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây.

Biết nhận thiếu sót, biết chấp nhận thua cuộc, trong một chừng mực nào đó còn có ý nghĩa giúp con người tìm ra con đường khác để giành chiến thắng. Vì vậy, đổi mới tư duy quản lý và khắc phục căn bệnh thành tích trầm kha lâu nay là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục.

Muốn học sinh có thái độ học tập đúng đắn, có kỹ năng sống, biết vượt lên những khó khăn thách thức để đi đến tận cùng sự học, người làm thầy phải biết truyền cho các em ngọn lửa nhiệt tình và trách nhiệm của mình. Điều ấy chỉ có thể thực hiện khi xã hội dành sự đầu tư xứng đáng cũng như có quyền ra đầu bài cho ngành Giáo dục, để đất nước có những người thầy đúng nghĩa: “Thầy ra Thầy!”...

Huệ Anh

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/giao-duc-khoa-hoc/201609/doi-moi-va-nen-giao-duc-thuc-chat-2733184/