Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Lập luận thuyết phục thì phải nghe

TP - Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến mà những lập luận của họ thuyết phục chứ không chỉ dựa vào ý kiến số đông…

Coi trọng việc dạy và học môn ngoại ngữ nên Bộ GD&ĐT mới đưa ra phương án xem ngoại ngữ như một môn thi khuyến khích. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: Tuy dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra hồi đầu tháng 1/2014 nhưng đến nay chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp cũng như trên các phương tiện truyền thông.

Trong số những người đóng góp ý kiến một số chưa thật sự hiểu đúng ý của lãnh đạo Bộ. Chẳng hạn, họ nói nếu Bộ GD&ĐT đưa môn ngoại ngữ thành môn thi khuyến khích thì đó là một động thái thiếu coi trọng môn này.

Thật ra, vì rất coi trọng việc dạy và học môn ngoại ngữ nên Bộ GD&ĐT mới đưa ra phương án xem ngoại ngữ như một môn thi khuyến khích, thay vì bắt buộc hay tự chọn. Bằng chứng là Bộ GD&ĐT hiện đang triển khai Đề án ngoại ngữ 2010, trong đó đặt ra yêu cầu đảm bảo chất lượng dạy học môn ngoại ngữ.

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của đề án này là phải tìm cách thi cử, đánh giá khác để học sinh được bộc lộ năng lực nghe nói đọc viết. Chắc chắn không thể ngồi một lúc 90 phút như hiện nay mà kiểm tra được những năng lực này của 1 triệu học sinh trên cả nước.

Bộ đưa ra hai phương án, một là xem ngoại ngữ như một môn khuyến khích, hai là xem ngoại ngữ như một môn bắt buộc cùng với toán và văn. Những góp ý mà Bộ nhận được nghiêng về phương án nào?

Đa số ý kiến ở khu vực thành phố đề xuất đưa môn ngoại ngữ vào thi tự chọn chứ họ lại không hẳn là chọn phương án hai, tức thi bắt buộc. Còn đa số ý kiến của những người sống vùng xa thì đồng tình với phương án một là khuyến khích thi.

Nói chung nếu là thi thì thi theo kiểu gì cũng có tác dụng khuyến khích việc học và việc dạy, dù nhiều hay ít. Nếu không thi cũng không có nghĩa là không thi hẳn mà chỉ tạm thời để tập trung vào cái đổi mới cách thi cử kiểm tra đánh giá, đổi mới chương trình.

Đặc biệt, khi không có áp lực về chuyện học và chuyện thi nữa thì mình có thể đưa giáo viên đi đào tạo lại để đạt chuẩn, khi có chương trình mới có cách thức thi cử mới thì mới bắt buộc phải thi. Việc tạm thời “ngắt” ra một thời gian sẽ giúp quá trình đến chuẩn nhanh hơn. Nhưng Bộ vẫn chưa quyết phương án nào.

Căn cứ để Bộ quyết có phải phương án nào được đa số ủng hộ?

Không, đây là Bộ xin ý kiến chứ có phải tổ chức bình bầu gì đâu mà lại dựa vào số phiếu? Bộ sẽ phải cân nhắc dựa vào những phân tích của những người đóng góp ý kiến. Nếu ý kiến trái chiều mà thuộc về số ít nhưng lập luận thuyết phục thì Bộ vẫn phải nghe. Tất nhiên, nếu nhiều người cùng chung ý kiến mà lập luận thuyết phục thì càng phải nghe.

Ngoài những băn khoăn về môn ngoại ngữ, còn những thắc mắc nào của dư luận mà Bộ thấy cần phải giải thích kỹ hơn không, thưa ông?

Về căn cứ nào để đưa ra tỷ lệ 20% thí sinh được miễn thi, vấn đề này Bộ cũng đã giải thích nhiều rồi. Về việc chỉ thi 4 môn, nhiều người cũng có ý kiến, cho rằng, như thế là học lệch, là thiếu toàn diện… Tôi cho rằng, nhiều người nhận xét dựa vào quán tính cũ trong suy nghĩ, cứ bảo phổ thông là phải toàn diện nhưng cần có một tư duy mới về “toàn diện”.

Với dự định chỉ thi 4 môn, Bộ căn cứ vào chỉ đạo của Nghị quyết T.Ư 8, theo đó mục tiêu giáo dục của cấp THCS là trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS, còn THPT thì tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sinh phổ thông có chất lượng. Như vậy, ở THPT học sinh sẽ được phân hóa, Bộ không yêu cầu tất cả các em phải học giống nhau.

Cảm ơn Thứ trưởng

Hôm nay, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức một hội nghị “ba trong một”: quán triệt và triển khai Nghị quyết T.Ư 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2013 - 2014; công tác thi và tuyển sinh năm 2014 đối với khối sở GD&ĐT.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/doi-moi-thi-tot-nghiep-thpt-lap-luan-thuyet-phuc-thi-phai-nghe-678186.tpo