Đổi mới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng

Thực hiện Nghị quyết TƯ 4, khóa XI 'Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay' đã thu được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn một số hạn chế, yếu kém và khuyết điểm. Vì vậy, sau Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ, đề ra bốn nhóm nhiệm vụ và giải pháp để bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi, trong đó có nhóm giải pháp quan trọng về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: ANH ĐỨC

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: ANH ĐỨC

Thực hiện Nghị quyết TƯ 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thu được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn một số hạn chế, yếu kém và khuyết điểm. Vì vậy, sau Đại hội XII của Đảng, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đề ra bốn nhóm nhiệm vụ và giải pháp để bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi, trong đó có nhóm giải pháp quan trọng về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Đảng ta khẳng định, kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng và chịu sự giám sát của nhân dân. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo. Để công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng phục vụ thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chính sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp và chi bộ phải chủ động đổi mới, tăng cường và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất việc tổ chức thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên và của cấp mình, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong đó chú trọng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và công khai kết quả kiểm tra, giám sát, xử lý các khuyết điểm, vi phạm để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức chỉ đạo rà soát ngay đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý kịp thời, kiên quyết nghiêm minh “không có ngoại lệ, không có vùng cấm, vùng trống” những trường hợp suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là các trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận thuộc diện “quan hệ, phả hệ, hậu duệ, tiền tệ”, hoặc những người có “bề dày nịnh nọt, chạy chọt, cống hiến và cung tiến”.

Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và cơ quan thường trực về phòng, chống tham nhũng để đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng trọng điểm, nghiêm trọng được dư luận quan tâm. Đổi mới, tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều tra các vụ án tham nhũng theo hướng giao các cơ quan điều tra cấp Trung ương điều tra các vụ án tham nhũng ở cấp Trung ương và chủ trì, phối hợp cơ quan điều tra cấp tỉnh, thành phố điều tra các vụ án tham nhũng cấp tỉnh, thành phố; giao cơ quan điều tra cấp tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan điều tra cấp huyện điều tra các vụ án tham nhũng cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn để ngăn ngừa “chủ nghĩa thân hữu”, “sân sau” và “nhóm lợi ích”. Nghiên cứu nhằm tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của UBKT các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên theo hướng, các vụ việc vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước liên quan đến tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cùng cấp quản lý thì sau khi kiểm tra cấp ủy, UBKT xem xét, kết luận, xử lý kỷ luật trước, sau đó chỉ đạo hoặc đề nghị các tổ chức nhà nước, đoàn thể xem xét xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể kịp thời, đồng bộ hoặc yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý bằng pháp luật.

Ba là, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp tăng cường công tác giám sát thường xuyên và giám sát theo chuyên đề để chủ động nắm chắc tình hình diễn biến và hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, trước hết đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cùng cấp quản lý, nhất là ở những lĩnh vực, địa bàn có nhiều dư luận, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, khuyết điểm, vi phạm. Từ đó, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên để kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, lưu ý, chủ động ngăn chặn, phòng ngừa xảy ra khuyết điểm, vi phạm; đồng thời chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm và kết hợp với các kênh thông tin khác để chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. UBKT các cấp cần chủ động giám sát việc ban hành các văn bản có dấu hiệu trái với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cùng cấp quản lý nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh.

Bốn là, UBKT các cấp cần chủ động tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý; giải quyết tố cáo, kiểm tra tài chính đảng để kịp thời xem xét, kết luận, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, tập trung vào các nội dung: thực hiện Nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp ủy cấp trên và của cấp mình; về chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; chấp hành quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, chế độ công tác; công tác tổ chức cán bộ, thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, khai tác tài nguyên, khoáng sản,...Chú trọng xử lý nghiêm tập thể, cá nhân ban hành văn bản không đúng, không phù hợp hoặc thực hiện không nghiêm túc các nội dung nghị quyết, kết luận của Đảng, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện có hiệu quả. Những nơi có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, có sự can thiệp, ngăn cản của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không cho kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thì UBKT cấp trên phải chỉ đạo, hỗ trợ UBKT cấp dưới thực hiện kiểm tra; đồng thời đề nghị cấp ủy cấp dưới, người đứng đầu tạo điều kiện để UBKT cấp mình thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Đối với những UBKT cấp dưới không thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm thì UBKT cấp trên trực tiếp tiến hành kiểm tra và xem xét trách nhiệm của UBKT và người đứng đầu UBKT cấp dưới. Khi cần thiết, UBKT có thể quyết định và tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên ở cấp huyện và tương đương.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước; phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra và các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm đối với những cán bộ sai phạm theo quy định của pháp luật; trước mắt tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sáu là, tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; đồng thời xem xét tư cách đảng viên và phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi bao che, cản trở, gây khó khăn trong xử lý hoặc có dấu hiệu bỏ trốn. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng; khắc phục tình trạng xử lý nhẹ trên, nặng dưới. Cấp ủy các cấp chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng để làm trong sạch nội bộ Đảng.

CAO VĂN THỐNG

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/chinh-tri/item/32743802-doi-moi-tang-cuong-kiem-tra-giam-sat-ky-luat-dang.html