Đổi mới quản lý để nâng cao hiệu quả giáo dục

Với những cách làm chủ động sáng tạo, đặc biệt là việc nâng cao công tác quản lý tại các nhà trường, ngành GD-ĐT ở các địa phương đã có những kết quả khả quan trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục. Ở cấp tiểu học, nhiều mô hình dạy học sáng tạo đi đôi với thực hành đã giúp thầy và trò có môi trường học tập tốt hơn.

Thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục

Ông Nguyễn Anh Ninh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai - cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc học này, vấn đề đổi mới công tác chỉ đạo dạy học luôn được ngành chú trọng.

Sở GD&ĐT Lào Cai chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đổi mới theo chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, Sở chủ động tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình giáo dục của tỉnh có nhiều học sinh DTTS; tập trung chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh tiểu học, thực hiện Mô hình Trường học mới Việt Nam có hiệu quả.

Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo triển khai đổi mới cách học, đổi mới đánh giá, đổi mới tổ chức lớp học để cha mẹ và cộng đồng tham gia vào giáo dục.

Nhờ đó cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh đã hiểu hơn về giáo dục và góp phần không nhỏ cùng với ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học.

Tại tỉnh Cao Bằng, để giúp các cơ sở giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngay từ đầu năm học, ngành đã chỉ đạo các trường tiểu học chủ động xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường.

Cụ thể, các nhà trường chủ động xây dựng và giải trình về kế hoạch phát triển giáo dục; chủ động về thời gian, sắp xếp nguồn lực thực hiện kế hoạch giáo dục trên cơ sở phát huy quyền tự chủ, chủ động, sáng tạo.

Việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình các môn học được tiến hành theo tiêu chí linh hoạt, đảm bảo vừa sức, phù hợp với thực tế giáo dục ở địa phương.

Sở GD&ĐT cũng đồng thời tập huấn cho các nhà trường về việc điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Đặc biệt, việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học trong từng môn học, kết hợp dạy học theo hướng tích cực để tạo phong trào thi đua “dạy tích cực, học tích cực” trong các nhà trường.

Sáng tạo trong công tác quản lý

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, năm học này Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai hiệu quả Câu lạc bộ Hiệu trưởng, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ luân phiên giữa các huyện, thành phố.

Nội dung sinh hoạt tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm quản lí, chỉ đạo, giúp đỡ và hỗ trợ kĩ thuật các trường về chuyên môn, về tài lực, vật lực, ủng hộ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn hay mắc bệnh hiểm nghèo...

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Anh Ninh nhấn mạnh: Trong năm học 2016 – 2017, các Phòng GD&ĐT đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cụ thể để triển khai đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống.

Chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng trường, lớp học xanh, sạch, đẹp, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hấp dẫn học sinh. Đặc biệt có các giải pháp cụ thể kiểm soát chất lượng dạy và học được coi trọng.

Nhờ những đổi mới mạnh dạn và sáng tạo trong công tác quản lý, năm học 2016 – 2017, Sở GD&ĐT Lào Cai đã tổ chức triển khai thành công một số mô hình hết sức thiết thực như: Mô hình vườn ươm các giống hoa (Phòng GD&ĐT Bảo Thắng, Sa Pa); Cam kết trách nhiệm, lớp học mở có sự tham gia của cha mẹ học sinh và cộng đồng (Phòng GD&ĐT Mường Khương); Trường học gắn với bảo vệ môi trường (Phòng GD&ĐT Sa Pa, Bát Xát); Chăm sóc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh tiểu học (Phòng GD&ĐT Bảo Yên, Văn Bàn); Trường học là trung tâm văn hóa giáo dục và duy trì bản sắc văn hóa địa phương (Phòng GD&ĐT Bắc Hà, Si Ma Cai); Trường học với 6 giá trị căn bản “An toàn - thân thiện - tự tin - sáng tạo - hiệu quả - hội nhập” (Phòng GD&ĐT TP Lào Cai). Các mô hình đã được các trường chủ động tài liệu hóa. Các Phòng GD&ĐT duy trì và phát huy tốt phong trào “Thầy giúp thầy, trò giúp trò, trường giúp trường, phòng giúp phòng”.

Về vấn đề đổi mới công tác quản lý ở bậc tiểu học tại tỉnh Cao Bằng, theo bà Nguyễn Mai Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ngành đã chỉ đạo hiệu trưởng các nhà trường tiếp tục thực hiện việc đổi mới trên các mặt:

Công tác quản lý hành chính, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường; công tác quản lý học sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường theo các nhiệm vụ của hiệu trưởng được quy định tại chuẩn hiệu trưởng.

Công tác bồi dưỡng năng lực quản lý cho cán bộ quản lý của ngành được tiến hành thường xuyên thông qua các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giao ban nhằm làm cho mỗi cán bộ quản lý nắm được nguyên tắc, phương pháp quản lý trường học.

Song song với đó, các Phòng GD&ĐT và các nhà trường đã có những sáng kiến thiết thực, chủ động triển khai các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, quản lý tốt việc dạy thêm và học thêm trong và ngoài trường. Chỉ đạo đổi mới tổ chức lớp học, đổi mới hoạt động dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác của học sinh trong các hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học, đảm bảo việc dạy học lấy học sinh làm trung tâm.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-quan-ly-de-nang-cao-hieu-qua-giao-duc-2943487-b.html