Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

ND- Nội dung và phương thức lãnh đạo đang là vấn đề cấp thiết với Đảng ta. Cơ sở lý luận của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng được tổng kết từ thực tiễn lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền trong những năm qua, cũng như những đòi hỏi trước mắt của tình hình trong nước và thế giới.

Đảng lãnh đạo có nắm được quy luật vận động của kinh tế thị trường mới đề ra được những định hướng và phương thức lãnh đạo trong phát triển kinh tế. Như vậy, phương thức lãnh đạo phát triển kinh tế phải bắt đầu từ khoa học kinh tế. Nghiên cứu các quy luật kinh tếthị trường phải là vấn đề trung tâm trong công tác lý luận của Đảng. Đảng phải xây dựng đường lối phát triển kinh tế thị trường trên cơ sở nắm vững phép duy vật biện chứng và lý luận kinh tế chính trị chất lượng cao. Nhờ đó, Đảng nhận thức và phát hiện con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ những đặc điểm của dân tộc và thời đại. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo phát triển kinh tế được đặt ra như một yêu cầu cấp bách, một nhiệm vụ trọng tâm, khi chúng ta nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém. Những khuyết điểm, yếu kém đó có nguyên nhân từ việc chậm đổi mới mô hình phát triển kinh tế hiện nay. Khác với mô hình công nghiệp hóa truyền thống, mô hình phát triển bền vững, đòi hỏi đồng thời phải bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường ngay trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Đòi hỏi này ngày càng tăng trong thế kỷ 21 gắn liền với sự phát triển của kinh tế tri thức và được thực hiện bằng thể chế kinh tế mới. Đi tìm một định chế kinh tế có khả năng thực hiện phát triển bền vững hiện đang có những ý kiến tranh luận gay gắt trên phạm vi toàn cầu. Đảng ta lãnh đạo phát triển kinh tế thị trường, vấn đề phát triển bền vững đang trở thành thước đo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm đúng đắn về "Tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường" đã chỉ ra phương thức cầm quyền của Đảng thể hiện ở mắt xích quyết định là "đi đôi" trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và môi trường. Nó đòi hỏi đổi mới tư duy kinh tế chính trị và phương pháp của Đảng trong xây dựng và thực hiện trong đường lối, chính sách, trong đào tạo và bố trí cán bộ, trong đánh giá hiệu quả của mỗi tổ chức và mỗi cá nhân người lãnh đạo, đặc biệt trong hoạch định và tổ chức thực hiện. Trước xu thế phát triển bền vững của thời đại hiện nay, Việt Nam có những ưu thế cơ bản và nhược điểm lớn mà Đảng cần quan tâm khi thực hiện xu thế ấy. Ưu điểm cơ bản của dân ta là tinh thần yêu nước, thương nòi sâu sắc, thường đi đôi với tinh thần hiếu học và sáng tạo trong đời sống. Nhược điểm lớn của chúng ta là tâm lý tính tự phát. Nhược điểm này bộc lộ phổ biến khi ra sức chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, bản vị. Trong thực tế đời sống, văn hóa phát sinh và phát triển đồng thời với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, sự hình thành và phát triển kinh tế tri thức chắc chắn sẽ hình thành nền văn minh hậu công nghiệp. Nhìn tổng quát, phát triển bền vững kinh tế thị trường dựa trên kinh tế tri thức là nội dung cơ bản của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo phải bắt đầu từ đổi mới tư duy và cách thức lãnh đạo trong bước chuyển đổi từ mô hình công nghiệp hóa hiện nay sang mô hình phát triển bền vững. Đường lối lãnh đạo của Đảng phải được thể chế hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ với thể chế ấy, Đảng mới thực hiện năng lực là đảng cầm quyền trong chế độ dân chủ; nhân dân mới thực hiện quyền làm chủ bằng thể chế; Nhà nước mới là của dân trong xây dựng và quản lý nền kinh tế, xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ có thể chế như thế mới phản ánh đúng tư tưởng Hồ Chí Minh "Trăm điều phải có thần linh pháp quyền" mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của Nhà nước ta (Luật sư Vũ Đình Hòe) gọi là Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Thể chế hóa mối quan hệ giữa tổ chức đảng với tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội nhằm phát huy vai trò và hiệu quả của mỗi tổ chức trong mối quan hệ với nhau của một hệ thống. Nhờ đó, đảng cầm quyền bằng một hệ thống gồm các bộ phận không tách rời nhau, mà hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tổ chức đảng nằm trong hệ thống đó để phát huy vai trò và trách nhiệm của mình. Nên thay đổi quan niệm và phương pháp trong hoạch định đường lối, chính sách. Hoạch định chính sách kinh tế phải xuất phát từ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, chứ không phải chỉ căn cứ vào yêu cầu quản lý của các bộ, ngành. Hoạch định chính sách xã hội phải xuất phát từ nhu cầu an sinh xã hội có lợi cho phát triển bền vững. Hoạch định chính sách giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại và tổ chức, quản lý có hiệu quả. Phương pháp hoạch định đường lối, chính sách nên chuyển mạnh sang nghiên cứu dựa trên số liệu chính xác về kinh tế - xã hội và xu thế phát triển của thế giới, phân tích rõ những tác động tích cực và tiêu cực rồi mới hình thành đường lối, chính sách. Xây dựng hệ thống kiểm soát, kiểm tra có hiệu lực, bảo đảm hiệu quả của thể chế pháp quyền, mới khắc phục được "tính tự phát tiểu tư hữu" phổ biến trong nhân dân và công chức. Rút kinh nghiệm hoạt động của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và tham khảo kinh nghiệm các nước, đảng cầm quyền mạnh, có hiệu quả là: biết tổ chức các bộ phận của Nhà nước pháp quyền; xác định đúng mối quan hệ giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, điều quan trọng nhất là phân định rõ chức năng của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=166988&sub=130&top=37