Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học ở Bắc Giang

Là địa phương thuộc khu vực miền núi phía bắc với nhiều khó khăn nhưng những năm qua, giáo dục tiểu học của tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Trong đó, việc triển khai đổi mới dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) lấy học sinh làm trung tâm mang lại hiệu quả thiết thực.

Lớp học theo mô hình trường học mới được triển khai tại Trường tiểu học Cao Xá 2, huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Lớp học theo mô hình trường học mới được triển khai tại Trường tiểu học Cao Xá 2, huyện Tân Yên, Bắc Giang.

Là địa phương thuộc khu vực miền núi phía bắc với nhiều khó khăn nhưng những năm qua, giáo dục tiểu học của tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Trong đó, việc triển khai đổi mới dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) lấy học sinh làm trung tâm mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Bắc Giang, năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 260 trường tiểu học và 15 trường nhiều cấp học (có bậc tiểu học) với tổng số hơn 125 nghìn học sinh. Với đặc thù học sinh thuộc nhiều dân tộc khác nhau cho nên việc đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học luôn được ngành GD và ĐT Bắc Giang triển khai quyết liệt. Trong đó, từ năm học 2012 - 2013, tỉnh Bắc Giang có 15 trường tiểu học tham gia mô hình trường học mới đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng làm thay đổi phương pháp dạy học ở giáo dục tiểu học. Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Bắc Giang Võ Trí Ngư cho biết, quá trình triển khai mô hình trường học mới, lớp học không được bố trí như truyền thống mà theo nhóm, học sinh chủ động tích cực và tự tin, mạnh dạn chiếm lĩnh kiến thức trong quá trình học; giảm bớt sự phụ thuộc vào thầy, cô giáo. Giờ học tạo được hứng thú cho học sinh mỗi khi đến trường. Trong khi đó, giáo viên không phải soạn bài theo các bước lên lớp của phương pháp truyền thống thầy dạy, trò chép mà trở thành người hướng dẫn, tổ chức cho học sinh học tập. Mặt khác, giáo viên có thể chủ động dạy học, biết chọn thời gian giảng bài, thời gian hướng dẫn, thời gian quan sát phù hợp và thay đổi cách kiểm tra, đánh giá; phát hiện được những nhân tố tích cực, những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, tạo hứng thú học tập; đồng thời phát hiện những khó khăn mà học sinh có thể không vượt qua được để hướng dẫn các em khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, giáo viên tích cực tổ chức dạy học theo nhóm, tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như vẽ tranh tiếng nói tuổi thơ, ngày hội đọc, trải nghiệm làm nông dân, hành quân theo bước chân anh bộ đội, các câu lạc bộ yêu thích trong trường học, hội chợ quê, ngày hội ẩm thực...

Phần lớn các giáo viên khi triển khai mô hình trường học mới đều có đánh giá tích cực. Cô giáo Ngô Thị Kim Dung, Trường tiểu học thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa cho biết, quá trình triển khai đổi mới phương pháp theo mô hình trường học mới giúp học sinh của nhà trường giờ đây không chỉ đến trường với các bài toán, bài văn... mà mỗi ngày đến trường các em được thể hiện hết các năng lực cá nhân của mình dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo nhiệt tình và tâm huyết của thầy, cô giáo, bè bạn. Trong khi đó, cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường tiểu học thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên cho rằng, với mô hình trường học mới, khoảng cách giữa học sinh và giáo viên được xóa bỏ; thầy, cô giáo như trở thành người bạn của học sinh để cùng khám khá, chiếm lĩnh kiến thức. Đồng thời mô hình trường học mới cũng là động lực để mỗi giáo viên tự thay đổi phương pháp truyền thụ kiến thức đến học sinh từ việc truyền thụ thụ động đến truyền thụ kiến thức theo cách sinh động có phản hồi tích cực từ học sinh.

Với những ưu thế của phương pháp dạy học mới, từ 15 trường triển khai thí điểm, đến hết năm học 2014-2015, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã nhân rộng thêm tại 74 trường tiểu học với 299 lớp và 8.255 học sinh tham gia mô hình trường học mới trên tinh thần tự nguyện. Quá trình triển khai cán bộ quản lý các cấp chia sẻ, rút kinh nghiệm thường xuyên nên giáo viên đã thật sự chủ động, sáng tạo trong dạy học. Việc trao đổi chuyên môn, học tập kinh nghiệm lẫn nhau đã trở thành nhu cầu của mỗi giáo viên và các trường tiểu học. Nhất là việc các trường thường xuyên ghi lại các tiết học điển hình để trao đổi học tập trong sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường của Bắc Giang. Kết quả quá trình đổi mới phương pháp góp phần đưa giáo dục tiểu học Bắc Giang có những bước chuyển biến rõ rệt. Năm học 2014-2015, số học sinh tiểu học hoàn thành kiến thức, kỹ năng các môn học đạt 99,68%; số học sinh đạt về năng lực là 99,85%; số học sinh đạt về phẩm chất là 99,95%; tỷ lệ huy động học sinh sáu tuổi vào lớp một đạt 100%. Đáng chú ý, phương pháp dạy học mới tạo hứng thú cho học sinh khi đến trường, vì vậy, sĩ số học sinh tiểu học của Bắc Giang luôn được duy trì ổn định, không có học sinh bỏ học. Toàn tỉnh đã có 242 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt 93,1%; trong đó có 44 trường đạt chuẩn mức độ hai.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới phương pháp dạy học, triển khai mô hình trường học mới ở Bắc Giang cũng cho thấy có những khó khăn nhất định nếu sĩ số lớp học đông. Để mô hình trường học mới thật sự hiệu quả thì các lớp học cần bảo đảm sĩ số vừa đủ và không gian lớp cần đủ rộng để học sinh tổ chức tiện lợi các hoạt động trong lớp học. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Bắc Giang Nguyễn Thị Ngọc Thu, áp dụng mô hình trường học mới đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có kỹ năng sư phạm tốt, có trình độ hiểu biết và nhạy cảm với các tình huống trong học tập của học sinh. Giáo viên phải khơi dậy sự hứng thú và đam mê học tập từ học sinh và hiểu được trình độ cũng như tính cách từng học sinh. Quá trình tổ chức lớp, đội ngũ giáo viên cần phải biết linh hoạt về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học để giúp học sinh học tập tích cực. Giáo viên cần đề xuất với ban giám hiệu nhà trường các hoạt động giáo dục để tạo điều kiện cho mọi học sinh được tham gia trải nghiệm, bộc lộ bản thân, từ đó hình thành phẩm chất, năng lực. Mặt khác, để triển khai mô hình hiệu quả, các trường cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh và cộng đồng cùng tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường. Sở GD và ĐT Bắc Giang sẽ tiếp tục tháo gỡ các khó khăn nhằm tập trung thực hiện các nhiệm vụ đổi mới, trong đó có việc đẩy mạnh mô hình trường học mới trên địa bàn.

Bài, ảnh: ĐẶNG GIANG và XUÂN NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/giaoduc/tin-tuc/item/27253802-doi-moi-phuong-phap-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-o-bac-giang.html