Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ ở nông thôn

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó có chi bộ ở nông thôn luôn được các cấp ủy quan tâm. Chủ trương, nghị quyết của Đảng có vào cuộc sống hay không là ở cấp cơ sở tổ chức thực hiện, suy cho cùng đó là chi bộ. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã đến nhiều chi bộ nông thôn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ và thấy rằng, có nhiều nội dung cần trao đổi.

Bài 1: Bàn việc của chi bộ, của thôn

Hằng ngày, trong từng thôn xóm có biết bao việc diễn ra, từ việc đồng ruộng đến huy động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa... Việc nào cũng quan trọng. Bàn việc gì, bàn thế nào và tổ chức thực hiện ra sao luôn là những câu hỏi mà mỗi chi bộ cần thảo luận kỹ trong từng kỳ sinh hoạt.

Đưa cuộc sống thôn xóm vào nghị quyết

Đầu tháng 11 vừa qua, đến dự buổi sinh hoạt Chi bộ thôn Hồi Quan, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), chúng tôi thấy, dù ngày mùa nhưng đảng viên tham dự đông đủ, đúng giờ. Chi bộ làm khá bài bản: Trước khi vào họp, đồng chí bí thư kiểm tra đảng số, bầu thư ký, thông báo nội dung sinh hoạt. Cuộc họp lần này nhằm kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc các hộ dân trong thôn không đưa trẻ đến lớp và tụ tập đông người gây ảnh hưởng an ninh trật tự trước cổng Trường mầm non Tương Giang 2. Bà con cho rằng, nguyên nhân do Ban Giám hiệu nhà trường có nhiều khuất tất trong chi tiêu tài chính, ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học và có đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền đã lâu nhưng chưa được trả lời. Tuy việc giải quyết khiếu nại không thuộc thẩm quyền, nhưng Chi bộ thôn Hồi Quan đã có thêm kinh nghiệm về việc phân công đảng viên nắm tình hình, và tổ chức hòa giải.

Không khí sinh hoạt chi bộ "nóng" lên khi nhiều đảng viên phản ánh, một số hộ có máy tuốt lúa cản trở việc đưa máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng. Nhiều ý kiến khá cụ thể như: sử dụng máy tuốt lúa chỉ phù hợp với những thửa ruộng nhỏ lẻ, nay đồng ruộng đã quy hoạch, sử dụng máy gặt đập liên hợp vừa thuận tiện, không mất nhiều sức lao động và thời gian. Tuy nhiên, một số đảng viên khác cũng chia sẻ, cần thông cảm với các gia đình đã đầu tư vài chục triệu đồng mua máy tuốt lúa, nên tìm giải pháp thế nào cho hợp lý. Sau thảo luận, chi bộ biểu quyết giao Ban công tác Mặt trận và các chi hội, đoàn thể trực tiếp gặp và giải thích, vận động các gia đình có máy tuốt lúa chuyển đổi ngành nghề.

Gần một tháng sau, chúng tôi trở lại thôn Hồi Quan và được đồng chí Phan Viết Hải, Bí thư Chi bộ thông báo là đã hoàn thành hai trong ba nhiệm vụ mà buổi sinh hoạt chi bộ hôm trước đề ra. Đó là máy gặp đập liên hợp đã vào đồng ruộng; rác thải của các hộ làm nghề may mặc thường xuyên được thu gom gọn gàng. Việc vận động nhân dân mở rộng đường ngõ xóm, đang triển khai khá hiệu quả. Bác Ngô Quang Bình, đảng viên cao tuổi của Chi bộ thôn Hồi Quan, nhận xét: Trước đây sinh hoạt khô cứng, xuôi chiều vì ỷ lại cấp trên, có lúc toàn bàn chuyện trên mây, trên gió. Nay chi bộ đã đổi mới sinh hoạt theo hướng đưa công việc cụ thể của thôn xóm vào các buổi sinh hoạt, hiệu quả khác hẳn trước.

Cũng nhằm đổi mới nội dung sinh hoạt, Chi bộ thôn Ngọc Phúc, xã Ngọc Hiệp, huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) chọn cách nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề. Theo đồng chí Bí thư Chi bộ Đỗ Công Ty, Ngọc Phúc là một chi bộ yếu kém vì để mất trật tự nông thôn kéo dài. Khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng, Chi ủy nhận thức ra là chưa bàn thấu đáo căn nguyên, cho nên chưa tìm được giải pháp khắc phục hiệu quả. Vì thế, Chi bộ tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để dồn sức lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự. Những buổi đầu tuy còn nhiều lúng túng, nhưng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trước buổi sinh hoạt, Chi ủy chuẩn bị các câu hỏi để đảng viên thảo luận, như: nguyên nhân nhiều người đánh bạc do đâu? Làm thế nào để loại bỏ tệ nạn này? Nhiều sáng kiến được đảng viên đề xuất: Cần tranh thủ những người có uy tín trong dòng họ để khuyên răn các đối tượng cờ bạc; gia đình phối hợp các chi hội, đoàn thể vừa giáo dục, vừa quản lý đối tượng. Việc trồng nhãn trái vụ; việc thành lập tổ an ninh, tăng cường kiểm tra, duy trì trật tự thôn, xóm;... đều được Chi bộ họp bàn theo chuyên đề. Sau ba năm thực hiện sinh hoạt theo hình thức này, vai trò của Chi bộ, đảng viên được thể hiện khá rõ. Năm 2012, Chi bộ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh các chi bộ tích cực đổi mới nội dung sinh hoạt, giải quyết tốt những vấn đề đặt ra tại thôn xóm, vẫn còn nhiều chi bộ sinh hoạt hình thức, kém chất lượng.

Một chi bộ 35 năm không phát triển đảng viên

Con đường làng vắng vẻ đưa chúng tôi đến thôn Lôi Châu, xã An Thịnh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Thôn có hơn 400 gia đình, đời sống còn nhiều khó khăn, nghề chính vẫn là trồng lúa và chăn nuôi. Trong thôn có hai dòng họ lớn là Nguyễn Bá và Nguyễn Đình. Chi bộ thôn có 53 đảng viên, tuổi đời trung bình của đảng viên là 58, nhưng suốt 35 năm qua (từ 1978) không kết nạp được đảng viên. Hỏi chuyện sinh hoạt chi bộ, đồng chí Đỗ Viết Nhân, 83 tuổi đời, 58 tuổi Đảng, bày tỏ: Việc sinh hoạt còn hình thức, một số nội dung quan trọng chưa được bàn nhiều, hoặc bàn xong rồi để đấy. Thí dụ như công tác phát triển đảng viên không được thực hiện suốt nhiều năm. Đảng ủy xã nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở, cách đây ba năm, Chi bộ đưa ra bàn, sau đó có bồi dưỡng hai quần chúng ưu tú, cử đi học lớp cảm tình Đảng. Nhưng đã hơn ba năm nay vẫn chưa thấy "động tĩnh gì". Khi được hỏi về nguyên nhân hai quần chúng ưu tú của thôn Lôi Châu vì sao không được Chi ủy đưa ra Chi bộ để xét kết nạp, đồng chí Nguyễn Mạnh Đông, Bí thư Đảng ủy xã An Thịnh cho rằng, một trong hai quần chúng ưu tú sinh con thứ ba, người còn lại có tuổi đời khá cao. Nhưng người dân và đảng viên ở thôn Lôi Châu lại khẳng định, không có chuyện Chi bộ thôn Lôi Châu giới thiệu người sinh con thứ ba để cấp ủy bồi dưỡng phát triển Đảng. Về tuổi của hai quần chúng ấy, một người sinh năm 1960, một người sinh năm 1968. Sự việc này không chỉ khiến hai quần chúng ưu tú nản lòng mà nhiều đảng viên trong Chi bộ cũng giảm lòng tin với Chi ủy.

Không những thế, trong sinh hoạt, Chi bộ thôn Lôi Châu còn vi phạm nguyên tắc, quy trình, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Một số đảng viên cho biết, năm 2012, để bầu trưởng thôn, Chi bộ họp bàn một buổi, thống nhất giới thiệu một đảng viên ra ứng cử và đã trúng cử. Nhưng khi UBND xã có quyết định công nhận thì đồng chí đó lại không nhận nhiệm vụ, với lý do là chi bộ không phân công. Khi Đảng ủy xã kiểm tra xem xét để kỷ luật đảng viên, mới biết: Trong biên bản sinh hoạt, chi bộ chỉ nêu việc giới thiệu đảng viên ứng cử mà không có biểu quyết, không có kết luận cụ thể. Do đó, việc xem xét kỷ luật không thành, vì không có "chứng cứ" rõ ràng.

Đồng chí Đỗ Viết Nhân vẫn nhớ như in một lần sinh hoạt chi bộ, đảng viên nêu ý kiến phản ánh dư luận bàn tán về hành vi của một đảng viên vi phạm Luật Đất đai. Theo quy định, chi ủy phải chỉ đạo xác minh làm rõ để trả lời đảng viên. Nhưng Chi ủy thôn Lôi Châu lại im lặng, khiến nội bộ mâu thuẫn, nghi ngờ nhau, dẫn đến mất đoàn kết.

Khi "cầu nối" không vững

Chi bộ là "cầu nối" giữa nhân dân với Đảng. "Cầu nối" vững thì ý Đảng lòng dân mới thuận. Câu chuyện và cũng là bài học xảy ra đầu năm 2013 tại Chi bộ thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội). Có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, xã Thượng Vực đang phấn đấu vươn lên dẫn đầu huyện về xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiêu chí đang được gấp rút hoàn thành. Nhưng vụ xuân năm nay, hàng chục hộ dân trong thôn đồng loạt bỏ ruộng, không cày cấy, để phản đối cách dồn điền đổi thửa (DĐĐT) của Tiểu ban DĐĐT thôn. Trở lại nơi này hơn mười tháng sau, chúng tôi vẫn cảm nhận không khí "nóng" qua tâm sự của đảng viên và nhân dân trong xã. Theo bác Đỗ Ngọc Bang, cựu chiến binh xã Thượng Vực, sở dĩ người dân thôn Trung Vực Trong bức xúc, khiếu kiện là vì cách làm thiếu khoa học, chưa dân chủ của tổ chức đảng, chính quyền địa phương. Cụ thể là bà con không đồng ý việc mỗi hộ phải hiến 30 m2 đất để phục vụ quy hoạch đồng ruộng, trong khi quỹ đất công của thôn còn tới gần 20% diện tích đất canh tác. Hai là, sau khi quy hoạch lại đồng ruộng, đất canh tác của thôn được chia làm hai loại trồng màu (ruộng cao) và trồng lúa (ruộng trũng). Mỗi hộ trong thôn có thể nhận hai thửa, một trồng lúa và một trồng màu. Nhưng Tiểu ban DĐĐT của thôn lại "ép" các hộ chỉ được nhận một thửa, hoặc trồng lúa hoặc trồng màu. Hơn nữa, khi tổ chức bốc thăm, Tiểu ban DĐĐT đã làm ngược quy trình, để hộ dân bốc phiếu xong mới đánh số các thửa ruộng. Điều đáng suy ngẫm ở đây là đồng chí Bí thư và Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn là Trưởng, Phó Tiểu ban DĐĐT. Theo nhiều đảng viên, Chi bộ đã không sâu sát dân, không lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân. Những điểm yếu này thể hiện rõ trong sinh hoạt chi bộ. Đó là tinh thần, trách nhiệm của khá nhiều đảng viên chưa cao, không phát biểu chính kiến, nhất là những vấn đề nhân dân bức xúc. Một số cấp ủy viên lúng túng, người điều hành mang nặng tính cá nhân trong quyết định nhiều việc quan trọng. Từ đó, Chi bộ thiếu thống nhất, không phát huy được sức mạnh tập thể, giảm sút năng lực lãnh đạo, điều hành.

(còn nữa)

Bài và ảnh: VẮN TOÁN, HOÀNG LẤM

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/item/21807602-doi-moi-noi-dung-hinh-thuc-sinh-hoat-chi-bo-o-nong-thon.html