Đổi mới giáo dục: Chủ trương đúng, triển khai bất cập - Bài 1

Ngay sau Đại hội Đảng lần thứ 11(năm 2011) và từ khi có Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, việc đổi mới giáo dục diễn ra liên tục và mạnh mẽ. Phải khẳng định rằng, chủ trương là đúng, nhưng khi triển khai, những nội dung đổi mới này hầu như đều gặp phải sự phản ứng của người dạy và người học vì những bất cập.

NHỮNG THÔNG TƯ, ĐỀ ÁN CÒN VỘI VÀNG

Thông tư 30 về bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, mô hình trường học mới (VNEN) khi triển khai học chưa khớp với thực tế, Đề án ngoại ngữ 2020 đi được nửa chặng đường tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng chất lượng dạy và học không đạt...

Bộc lộ hạn chế

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Phạm Ngọc Định khẳng định: “Thông tư 30 ra đời năm 2014 phù hợp với xu thế đổi mới đánh giá giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đó là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh tự tin, thích học, học tốt, không so sánh học sinh này với học sinh khác. Giúp giáo viên quan tâm nhiều hơn đến sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh”.

Giáo viên phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để ghi nhận xét cho học sinh.

“Không chấm điểm thường xuyên, học sinh có tâm lý thoải mái, không bị áp lực về điểm số nên các em tự tin tích cực học tập, tham gia vào các hoạt động của trường, lớp. Học sinh ở các vùng khó khăn không bỏ học vì điểm số. Bước đầu các em biết tự học, điều chỉnh cách học...”, ông Phạm Ngọc Định nhấn mạnh.

Tuy nhiên khảo sát sau một năm triển khai Thông tư này của Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam (do PGS - TS Vũ Trọng Rỹ chủ trì) tại một số tỉnh, thành phố cho thấy: Có tới 63,7% số giáo viên đánh giá là học sinh lười học hơn trước, 30,5% đánh giá là bình thường, có 5,9% đánh giá là học sinh chăm học hơn. Nhận xét về nguyện vọng của học sinh thì 93,8% giáo viên được phỏng vấn cho rằng học sinh học lực khá trở lên đều muốn đánh giá bằng điểm số và 59,9% khẳng định học sinh học lực yếu thích được đánh giá bằng nhận xét.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên tiểu học quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Khi triển khai thông tư, phụ huynh kêu, nhà trường ép xuống vì thành tích, liên tiếp cuộc họp chuyên môn về đổi mới những câu nhận xét của giáo viên cho học sinh. Hai năm qua, giáo viên như “con tạo” trong cuộc đổi mới này”.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Thông tư 30 quy định bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, sau 2 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế: Quy định thay điểm số bằng những nhận xét chung chung khiến học sinh trở nên lười học, phụ huynh học sinh hoang mang và giáo viên vô cùng vất vả. Nguyên nhân chủ yếu là Thông tư này “cho thuốc sai toa”. Trên thực tế, nguyên nhân không phải là điểm số. Lâu nay, học sinh bị áp lực không phải vì điểm số, mà vì bệnh thành tích của nhà trường và của phụ huynh, thậm chí còn vì cả một số thầy cô dùng điểm số để gây áp lực buộc học sinh phải đi học thêm.

Đồng quan điểm này, TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ĐT cho rằng, Thông tư 30 chỉ là định tính và áp dụng quá vội vàng. “Bất cứ một điểm mới nào cũng cần được thí điểm, thử nghiệm và có kết quả đánh giá nhất định thì mới nên triển khai trên diện rộng. Trong khi Thông tư 30 ra đời và áp dụng ngay”, TSKH Nguyễn Kế Hào cho biết.

“Trước những phản ứng từ giáo viên và phụ huynh học sinh, Bộ GD - ĐT đã thay đổi Thông tư 30 bằng Thông tư 22. Nhưng Thông tư mới này cơ bản vẫn bảo lưu quan điểm cũ, có thể giảm áp lực cho giáo viên phần nào, nhưng vẫn không tạo được động lực học tập cho học sinh”, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.

“Nhắm mắt” tận dụng tiền đề án

Một trong những dự án được Bộ GD - ĐT xem là những điểm nhấn trong đổi mới đánh giá dạy và học trong giáo dục phổ thông là Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN). Đã có 4.177 trường tiểu học (chiếm gần 30% trường tiểu học trên cả nước), 1.778 trường THCS tham gia, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và UNESCO là 87,6 triệu USD.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, VNEN là một ví dụ khác về sự đổi mới vội vã. Dù theo kinh nghiệm của Colombia, có những đặc điểm phù hợp với xu hướng giáo dục ở các nước phát triển như phát huy tinh thần tự học, tự quản của học sinh, nhưng được áp dụng quá vội vàng, không tính đến sự phù hợp khi vào “bối cảnh” của giáo dục Việt Nam. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, chỉ thấy VNEN giống mô hình của Colombia ở hình thức. Ví dụ: Lấy hoạt động nhóm làm chính; đổi lớp trưởng, lớp phó thành chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản lớp... Về tổ chức hoạt động, vai trò giáo viên khá mờ nhạt. Ở nhiều lớp, thầy cô gần như buông cho học sinh “tự bơi” theo nhóm mà không kiểm soát xem kết quả hoạt động thế nào. Kết quả hoạt động của nhóm cũng ít được báo cáo trước lớp để các nhóm khác cùng chia sẻ.

“Chính vì VNEN được triển khai ồ ạt, nên việc đánh giá, rút kinh nghiệm thiếu chiều sâu, việc điều chỉnh thiếu căn cơ, chất lượng dạy và học không cao, gây phản ứng tiêu cực trong giáo viên và phụ huynh học sinh”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, mô hình VNEN được áp dụng ở những lớp ghép vùng sâu vùng xa nhưng khó có thể áp dụng ở những trường thành phố lớn... nơi có sĩ số 50 - 60 học sinh/lớp. Lớp học nhỏ hẹp, sĩ số đông nên việc bài trí lớp, góc cộng đồng khó khăn. Học theo mô hình VNEN cũng có phần ảnh hưởng sức khỏe, bởi học sinh ngồi theo nhóm, khi môn học phải sử dụng đèn chiếu hoặc giáo viên nói phía trên bục giảng, sẽ phải quay vẹo người để hướng lên bục giảng.

Trước thực tế này, ngày 18/8/2016, Bộ trưởng GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phải gửi công văn số 4068/BGDĐT - GDTrH tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để điều chỉnh việc dạy thí điểm mô hình VNEN trong năm học mới 2016 - 2017. Theo một số chuyên gia, do tham gia dự án không mất tiền nên nhiều địa phương nhắm mắt áp dụng lấy được. Khi tiền đề án hết, cũng là lúc các địa phương “chối bỏ” dự án, dẫn tới những hậu quả mà giáo viên và học sinh phải gánh chịu.

Bài 2: Xa rời mục tiêu đổi mới

Lê Vân

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/doi-moi-giao-duc-chu-truong-dung-trien-khai-bat-cap-bai-1-20161004213241464.htm