Đổi mới đào tạo thông qua chú trọng trang bị kỹ năng mềm cho SV

GD&TĐ - Xác định công tác đào tạo gắn liền với yêu cầu, thực tiễn xã hội là một trong những nhân tố then chốt quyết định tới sự tồn tại và phát triển của một trường ĐH.

Chính vì vậy, trong những năm qua, Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) không chỉ quan tâm đến việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy mà còn chú trọng đến việc thực hành, thực tập, rèn nghề nhằm tạo cho SV kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo..

Chú trọng trang bị kỹ năng mềm cho SV

Hiện nay, Trường ĐH Hùng Vương đang đào tạo cho gần 8.000 SV của 2 ngành trình độ thạc sỹ, 35 ngành ĐH và CĐ, 1 ngành trung cấp chuyên nghiệp. Với quy mô hiện nay, trường liên tục củng cố đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, cấu tái trúc lại chương trình, đào tạo rèn nghề. Trong các chương trình đào tạo, nhà trường đã cải tiến theo định hướng nghề nghiệp, yêu cầu tăng tính thực tiễn, tăng cường thực hành, coi trọng rèn kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu xã hội.

Để triển khai mục tiêu cho SV được thực tập, thực hành, nhà trường đã đầu tư xây dựng mới một loạt hệ thống cơ sở vật chất, phục vụ quá trình thực tập, rèn nghề mô phỏng thực tế như: Khu liên hợp thực hành Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh; xưởng thực hành cơ khí của Khoa Kỹ thuật Công nghệ; khu thực nghiệm, mô hình trang trại nhỏ của Khoa Nông Lâm Ngư; khu thực hành Du lịch của bộ môn Văn hóa Du lịch, Khoa KHXH&NV; phòng thực hành dinh dưỡng của ngành Giáo dục Mầm non, Khoa GDTH&MN… Nhờ có những khu thực hành, thực nghiệm trên, nhiều giờ thực hành của SV đã diễn ra thường xuyên. Tại đây, giảng viên sẽ xây dựng nội dung thực hành sát với thực tế, hướng dẫn SV đóng vai ở các vị trí giả định, từ đó giúp các em hiểu và vận dụng tốt lý thuyết vào thực hành, đồng thời tạo cho các em niềm say mê, hứng thú với nghề được đào tạo.

Cùng với việc rèn luyện các kĩ năng chuyên môn nghề nghiệp, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động rèn luyện kĩ năng mềm cho SV như rèn kĩ năng làm việc tập thể, giao tiếp trong môi trường làm việc thực tế, khả năng chịu áp lực trong môi trường sản xuất hiện đại và kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp…

Trong quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thảo định hướng nghề nghiệp cho SV, mời các chuyên gia, đại diện các đơn vị tuyển dụng lao động, các cựu SV thành đạt đến chia sẻ kinh nghiệm học tập, làm việc hiệu quả cho SV như: Chương trình “Một cuốn sách hay để thay đổi đời người”, chương trình giao lưu “Techcombank với SV Đất Tổ”; hội thảo “Lập nghiệp trong ngành tài chính ngân hàng: Cơ hội và thách thức”, “Định hướng học tập cho SV khối ngành kinh tế trước thềm hội nhập” của Khoa Kinh tế & Quản trị doanh nghiệp; hội thảo “Gắn nội dung đào tạo với yêu cầu thực tế công việc” của Khoa Ngoại ngữ...

Nâng cao kỹ năng thực tế từ các đợt thực tập

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong công tác thực hành, rèn nghề cho SV hiện nay là công tác tổ chức thực tập cho SV. Vì vậy, trước khi SV đi thực tập, nhà trường chuẩn bị chu đáo cho SV về các vấn đề, nội dung liên quan như: Phổ biến quy chế thực tập, mời các doanh nghiệp đến định hướng nghề... Mục đích của công tác này nhằm hướng tới việc giúp SV nhận thức đúng đắn vai trò của thực tập, từ đó các em có thái độ tích cực với hoạt động này.

Sau khi tiếp nhận nhiều khóa thực tập của SV trường ĐH Hùng Vương, ông Đào Trọng Vỹ - Phó Quản đốc Quản lý về thiết bị của Công ty Bia Viger - cho biết: Các em SV của trường ĐH Hùng Vương về thực tập tại Công ty có ý thức tốt, kỹ năng làm việc được đào tạo cơ bản. Vì vậy, sau một thời gian thực tập các em có tính chủ động, nắm bắt cập nhật nhanh các thiết bị tự động hóa. Nếu như các em ra trường được làm việc đúng chuyên môn sẽ đáp ứng tốt mọi yêu cầu của nhà tuyển dụng”.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng xây dựng chương trình kiến tập, thực tập chuyên ngành toàn khóa phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo. Một số ngành, SV được rèn nghề, thực tập tại nước ngoài như ngành Nông Lâm Ngư có thời gian được thực hành, rèn nghề 1 năm tại Israel; từ năm thứ 2,3,4 SV Ngôn ngữ Trung Quốc được sang ĐH Hồng Hà, Trung Quốc thực tập… Điều này giúp SV được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời tích lũy các kinh nghiệm hữu ích về cuộc sống, nâng cao trình độ ngoại ngữ…

Với chủ trương “Tăng cường kỷ cương, tăng cường đảm bảo chất lượng”, nhà trường đã thực hiện quy trình rèn nghiệp vụ đối với ngành sư phạm và đánh giá chuẩn đầu ra về chuyên môn nghiệp vụ của các ngành ngoài sư phạm với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà tuyển dụng, qua đó góp phần đánh giá chính xác mức độ đáp ứng của SV tốt nghiệp so với chuẩn đầu ra đã được xây dựng và công bố, từ đó phát hiện những điểm chưa phù hợp giữa chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Hoạt động này thể hiện quyết tâm của lãnh đạo trường ĐH Hùng Vương trong việc nhận thức, đánh giá đúng chất lượng thực tế của SV sau tốt nghiệp, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong công tác đào tạo, đồng thời tạo mối gắn kết giữa chương trình đào tạo và nhà tuyển dụng, các đơn vị đào tạo trong nước, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt các nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Với phương châm “học đi đôi với hành” và mong muốn SV khi ra trường sẽ đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, trường ĐH Hùng Vương sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách đào tạo theo hướng phát huy tối đa năng lực SV, tăng cường kỹ năng tương tác, coi trọng thực hành, thực tế, đảm bảo 100% SV sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định.

Đối với SV ngành sư phạm, trước khi SV đi thực tập, nhà trường tiến hành mời các giáo viên phổ thông về trao đổi, dạy mẫu cho SV và tổ chức các đợt tìm hiểu thực tế tại các trường phổ thông nhằm trang bị cho các em những kỹ năng và làm quen với môi trường làm việc thực tế. Ngoài được học những kiến thức ở trường, SV còn được tham gia các đợt thực hành, thực tập tại một số doanh nghiệp. Qua các đợt thực tế như vậy, SV được làm quen với các thao tác kỹ thuật, cách xử lý tình huống. giúp các em tự tin, chủ động với kiến thức nghề được đào tạo”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-dao-tao-thong-qua-chu-trong-trang-bi-ky-nang-mem-cho-sv-3145964-c.html