Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Với việc thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Quốc hội đã quyết định lựa chọn ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam (sau đây gọi là Ngày Pháp luật) nhằm khẳng định, tôn vinh các giá trị, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội, trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc và trong bảo vệ các quyền, tự do của mỗi người, qua đó từng bước làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm xây dựng, bồi đắp tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lối sống có kỷ luật, kỷ cương trong khuôn khổ pháp luật, coi trọng các giá trị truyền thống tốt đẹp; khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc để mỗi người dân tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc và đất nước. Tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật là việc làm thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật; động viên, khích lệ toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, việc tăng cường vai trò, hiệu lực của Hiến pháp, pháp luật là một tất yếu khách quan, một đòi hỏi bức thiết. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN; tăng cường dân chủ XHCN; bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền con người, quyền công dân; giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng pháp luật với thực thi pháp luật và bảo vệ pháp luật. Văn kiện đặt ra yêu cầu đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, giáo dục đạo đức, lối sống để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Trong đó, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật. Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả...

Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Pháp luật năm 2016 được xác định là: “Nâng cao năng lực xây dựng, thực thi pháp luật; giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Tiếp nối kết quả thực hiện Ngày Pháp luật những năm trước, Ngày Pháp luật năm 2016 tiếp tục được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước tích cực hưởng ứng. Nhờ đó, tinh thần của Ngày Pháp luật đã và đang được thẩm thấu trong cuộc sống, đến với từng người dân; đời sống chính trị, pháp lý của đất nước có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngày Pháp luật đã gắn kết chặt chẽ hơn giữa công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật mà khâu đầu tiên là công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chính vì vậy, yêu cầu đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng đòi hỏi cần phải đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật để bảo đảm thực chất, hiệu quả. Theo đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được chú trọng thực hiện từ giai đoạn soạn thảo văn bản, nhất là các quy định mới, dự kiến sửa đổi, bổ sung, thay thế; những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận. Qua đó, góp phần nhận diện mức độ khả thi của các quy định; bảo đảm sau khi ban hành được thực thi thống nhất, đồng bộ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Ngày Pháp luật năm 2016 gắn với công tác thi hành pháp luật hướng đến nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tạo lập nhiều diễn đàn để người dân, doanh nghiệp đối thoại với các cơ quan nhà nước, tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khuyến khích người dân tích cực tham gia đời sống chính trị, pháp lý của đất nước, nhất là trong quá trình xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật gắn với nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý cho các tầng lớp nhân dân. Công tác bảo vệ pháp luật được đẩy mạnh, bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, thống nhất; mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh... Đáng chú ý, điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm 2016 là Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ ba. Từ thành công của hội thi tại các tỉnh, thành phố và hội thi tại ba khu vực cho thấy, Hội thi Hòa giải viên giỏi đã có sức lan tỏa trong xã hội; xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong mỗi gia đình, từng cộng đồng, thôn xóm.

Để Ngày Pháp luật năm 2017 thật sự thiết thực, hiệu quả, Bộ Tư pháp mong muốn có sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương với tinh thần trách nhiệm cao nhất; phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp để cùng giúp Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật, bảo đảm thường xuyên, liên tục, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả, tránh phô trương, hình thức hoặc chạy theo phong trào. Việc lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật cần bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ công tác của từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng tinh thần của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ; tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và các luật mới được ban hành.

Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tự giác, chủ động tìm hiểu, học tập, nâng cao nhận thức, hiểu biết về Hiến pháp và pháp luật gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Mỗi người dân cần tích cực, chủ động tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật để thi hành, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, góp phần tạo chuyển biến căn bản trong ý thức và lối sống làm việc theo Hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội.

TS Phan Chí Hiếu Thứ trưởng Tư pháp

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31367902-doi-moi-cong-tac-pho-bien-giao-duc-xay-dung-va-to-chuc-thi-hanh-phap-luat.html