Đòi hỏi bức thiết với ngành du lịch

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các vấn đề đặt ra đối với du lịch Việt Nam để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được nhận diện đầy đủ, vấn đề là biến nhận thức thành hành động cụ thể. Sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch đang đứng trước một đòi hỏi bức thiết cần phải sửa đổi để ngành du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn..

Luật du lịch cần sửa đổi để phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và các cấp, ngành. Dự thảo luật gồm 9 chương với 83 điều.

Nội dung của luật quy định về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch và đô thị du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

Xúc tiến quảng bá hình ảnh

Tại cuộc Hội nghị “Diên Hồng” về phát triển du lịch, tổ chức ở Hội An vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các sự kiện du lịch trong nước cũng như nước ngoài, các lễ hội tại nhiều địa phương đang còn rất nhiều bất cập. Đây cũng là một trong những nội dung chính mà cách DNlữ hành muốn Luật Du lịch sửa đổi cho phù hợp.

Giám đốc Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist, ông Lưu Đức Kế cho rằng, đây là vấn đề quan trọng của ngành, có quảng bá hình ảnh tốt, khách mới hình dung ra được sản phẩm du lịch thì họ mới mê.

“Theo đánh giá của thế giới, mỗi một khách quốc tế đến, chúng ta phải bỏ ra 6 USD để quảng bá sản phẩm du lịch, Việt Nam có hơn 90 triệu dân, nhưng chỉ mới chi khoảng 2 triệu USD để làm việc đó, như vậy mỗi người chỉ có khoảng 0,33 USD.

Chúng ta lại đang cạnh tranh với Myanma, Singapore, Thái Lan - 3 đối thủ lớn nhất, nhưng do không biết chào hàng, quảng bá nên hiệu quả thu hút khách kém, dù tài nguyên nước ta hơn…-, ông Kế dẫn chứng.

Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Tranviet Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng các DN đều mong muốn có sự thống nhất, tập trung trong phối hợp tổ chức thực hiện chiến lược quảng bá dài hạn dưới thương hiệu chung của du lịch Việt Nam.

Nhưng chính quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của chúng ta đang rất mơ hồ về nguồn vốn, cách sử dụng, điều phối,… so với thực tế luật quy định nên hiệu quả thúc đẩy du lịch thấp. Ngoài ra, Luật Du lịch 2005 đã nhắc tới vấn đề đặt văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài rất rõ ràng, nhưng hiện nay, chúng ta chưa thực hiện nó…

Để thực hiện việc xúc tiến được tốt hơn, theo bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel, cần bổ sung quy định về việc phối hợp trong các hoạt động xúc tiến giữa các Bộ và cơ quan của Chính phủ dưới một Ủy ban điều phối chung. “Hiện nay các Bộ không có sự phối hợp tốt với nhau, thậm chí là cạnh tranh nhau để làm xúc tiến”- Bà Hương nhận xét

Thẻ hành nghề của hướng dẫn viên

Theo luật hiện hành,“hướng dẫn viên được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với DN lữ hành” (Điều 73). Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Lữ hành Hà Nội Tourist cho rằng, cả nước đã cấp phép cho khoảng 7 nghìn hướng dẫn viên, nhưng các công ty du lịch cơ hữu đang quản lý một phần nhỏ, còn lại tự do.

Trên thực tế, một hướng dẫn viên có thể cùng một lúc ký hợp đồng với nhiều DN lữ hành, miễn là họ không vi phạm các điều khoản quy định trong nội dung của hợp đồng.

“Vì vậy, nội dung này còn có ý nghĩa gì khi họ là người hành nghề tự do chỉ nhận công việc theo từng đoàn khách cụ thể? “- Ông Kế đặt vấn đề. Theo ông, Luật cũng rất lỏng lẻo trong việc cấp và quản lý, nên nhiều khi hướng dẫn viên dẫn khách rất lộn xộn.

Điều bất cập tiếp theo, trong dự thảo Luật Du lịch, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 62 quy định về điều kiện về chuyên môn đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng là đủ, mà không nhất thiết phải là cử nhân như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng ban Hướng dẫn viên, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, hầu hết các ngành hoạt động dịch vụ hiện nay đã và đang đòi hỏi người có trình độ chuyên môn cao. “Nếu yêu cầu chỉ cần trình độ cao đẳng mà đã có thể là hướng dẫn viên du lịch quốc tế liệu có đảm bảo về kiến thức chuyên môn, sự am hiểu về văn hóa thế giới, cũng như ngoại ngữ đối với đặc thù của nghề này?’- Ông Mỹ đặt vấn đề.

Theo ông, để dẹp bỏ những cản trở này cần ban hành quy chuẩn chung về đào tạo hướng dẫn viên; Giao việc cấp thẻ cho Hiệp hội Lữ hành và các trường đào tạo, Nhà nước chỉ quản lý và giám sát, không “ôm” đủ thứ như hiện nay vì “hướng dẫn viên là nghề, nên thẻ hướng dẫn viên có thể bị thu hồi nếu vi phạm hoặc 5 năm không hành nghề”.

Bên cạnh đó, ông Mỹ cũng lưu ý, công tác đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao ở vị trí quản lý trong ngành du lịch và công tác cải cách thủ tục hành chính cũng rất quan trọng…

Khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và đô thị du lịch

Đóng góp ý kiến, tại Điều 32 - Điểm du lịch, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel cho rằng nên có định nghĩa về điểm du lịch, để tránh nhầm lẫn với các Quy định về khu du lịch, vì theo quy định về Khu du lịch thì Khu du lịch bao gồm một hoặc nhiều điểm du lịch. Như vậy, trường hợp khu du lịch chỉ là một điểm du lịch thì khác biệt gì so với điểm du lịch bình thường.

Và trong Mục 4 - Đô thị du lịch (điều 38, 39, 40), theo bà Hương, cần lưu ý phân biệt giữa quy hoạch đô thị du lịch với quy hoạch đô thị trong xây dựng, tránh tình trạng mâu thuẫn nhau trên thực tế. Xem xét tác động và ảnh hưởng của quy hoạch xây dựng đến quy hoạch đô thị du lịch. Quy hoạch xây dựng phải dựa trên cơ sở đô thị du lịch để có phương án phù hợp.

Bổ sung ý kiến trên, ông Đạt chia sẻ: Những vấn đề mới trong luật như xếp hạng du lịch, khu du lịch, điểm du lịch,… còn nhiều rắc rối, nên tính khả thi của nó sẽ không cao. Ví dụ như chùa Bái Đính, chùa Một Cột,… theo luật thì xếp hạng mấy sao, thứ hạng như thế nào?

Điều này khó để phong và xếp hạng và nếu đưa ra thực tế sẽ gây nên nhiều rắc rối. Đến ngay cả vấn đề kiểm soát nhà nghỉ, theo luật trước đây không kiểm tra, giám sát, nhưng nay lại quy định nếu không đủ tiêu chuẩn sẽ đóng. Nhưng thực tế, chúng ta đều thấy rõ không phải nhà nghỉ nào cũng chỉ cho khách du lịch thuê, nếu thực hiện vậy họ sẽ treo biển “nhà trọ” cũng nên. Điều này là bất cập.

Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành

Theo Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietrave, Điều 49, nên làm rõ việc lưu giữ hồ sơ cụ thể, có thể dùng hình thức lưu trữ điện tử để tránh giấy tờ quá nhiều. Có thời hạn hủy sau một số năm lưu trữ nhất định (Điểm k Khoản 2). Làm rõ nội dung “thực hiện các quy định của nhà nước về ưu đãi cho khách du lịch” tránh hiểu nhầm.

Ví dụ, chính sách miễn giảm giá vé cho một số đối tượng khi khách tự mua dịch vụ khác với việc công ty du lịch đã cung cấp tour khuyến mãi với giá dịch vụ trọn gói vẫn có thể bị khách đòi trừ tiếp tiền vé nếu khách là đối tượng được miễn giảm vé . Điều này hoàn toàn không hợp lý cho các công ty bán tour trọn gói (Điểm m Khoản 2); hoặc các chính sách về miễn giảm visa; thuế…

Sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, riêng năm 2015, tổng thu từ khách du lịch đạt 337 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 6% GDP quốc gia.

Nhiều tỉnh/TP đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào ngân sách của địa phương. Tính đến tháng 7/2016, cả nước có 1.589 DN lữ hành quốc tế.

Tuy nhiên, Luật Du lịch năm 2005 đã xuất hiện những bất cập, nhiều điều cần phải sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Nguyễn Chiêm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/doi-hoi-buc-thiet-voi-nganh-du-lich-291214.html