Đổi giờ làm: Kế hoạch của Hà Nội có hiệu quả?

Một ngày sau khi Bộ Giao thông trình phương án thay đổi giờ làm tại Hà Nội lên Chính phủ, Hà Nội gần như ngay lập tức “lên tiếng” khẳng định sẽ tự xây dựng đề án riêng, trình Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, trong phương án Hà Nội dự kiến trình có rất ít sự điều chỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, giữa Bộ Giao thông và UBND Hà Nội đang có sự "lệch nhau" trong việc đưa ra một giải pháp tối ưu.

Một ngày sau khi Bộ Giao thông trình phương án thay đổi giờ làm tại Hà Nội lên Chính phủ, Hà Nội gần như ngay lập tức “lên tiếng” khẳng định sẽ tự xây dựng đề án riêng, trình Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, trong phương án Hà Nội dự kiến trình có rất ít sự điều chỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng, giữa Bộ Giao thông và UBND Hà Nội đang có sự "lệch nhau" trong việc đưa ra một giải pháp tối ưu.

> Hà Nội không đổi giờ làm việc của cán bộ công chức
> Bộ Giao thông trình Chính phủ điều chỉnh giờ làm Hà Nội

Một giải pháp quyết liệt nhưng bị … phản ứng

Có lẽ không phải đề cập thì ai cũng hiểu ùn tắc ở Thủ đô đang nghiêm trọng và gây bức bối cho người tham gia giao thông như thế nào. Từ nhiều năm nay, vấn đề ùn tắc giao thông luôn là mối quan tâm hàng đầu và khiến các ngành chức năng của Thủ đô, người dân hết sức bức xúc.

Ngay từ khi lên cầm quyền tại Bộ Giao thông vận tải, sau một loạt động thái lấy lại tiếng tăm cho ngành giao thông, nhận thấy ùn tắc giao thông tại Thủ đô đang là vấn đề bức bách cần giải quyết hàng đầu, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã lập tức triệu tập cuộc họp với lãnh đạo UBND Hà Nội tìm biện pháp tháo gỡ.

Sau cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giao thông và thành phố đã thống nhất đưa ra giải pháp tạm thời để giải quyết ùn tắc giao thông ở Thủ đô là trước mắt sẽ đề nghị Chính phủ thay đổi giờ làm việc của các cơ quan, xí nghiệp, trường học, trung tâm thương mại… Đây được coi là giải pháp trước mắt, tình thế trong khi chờ triển khai các giải pháp khác đồng bộ hơn.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Ảnh: DT

Sau động thái trên, Hà Nội đã có công văn hỏa tốc, yêu cầu Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án điều chỉnh giờ làm để trình lên lãnh đạo Bộ Giao thông ký duyệt trước khi trình Chính phủ.

Gần một tuần trôi qua, khi Hà Nội đang còn loay hoay với các phương án “nghiên cứu” thì bất ngờ Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập và kinh doanh thương mại tại Hà Nội để giảm ùn tắc.

Mặc dù, tại văn bản trình, Bộ nói rõ, đề xuất được xây dựng trên cơ sở sắp xếp một cách khoa học và hợp lý để vừa đảm bảo công việc vừa không ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công chức, không xáo trộn sinh hoạt gia đình, đặc biệt bảo đảm giờ giấc sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học của các đối tượng là học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Thế nhưng, ngay khi Bộ đề xuất 2 phương án trên lên Chính phủ, có lẽ, cảm thấy mình bị “phớt lờ” trong công việc của chính thành phố, Hà Nội gần như ngay lập tức “lên tiếng” khẳng định, sẽ xây dựng một đề án riêng để trình Chính phủ và triển khai hoàn toàn độc lập với đề án của Bộ Giao thông vận tải.

Hà Nội chỉ dám điều chỉnh… rất ít

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong đề án Hà Nội vừa chốt và dự tính sẽ trình Chính phủ dường như có sự điều chỉnh rất ít. Theo đề án vừa được chốt , Hà Nội thống nhất chia làm 3 nhóm đối tượng chính để tiến hành điều chỉnh, thay đổi giờ làm giờ học, gồm học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp - dạy nghề và học sinh các trường phổ thông trung học (nhóm 1); Các trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính ngân hàng (nhóm 2); Các đối tượng công chức, viên chức, học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở... (nhóm 3).

Cảnh thường thấy trên đường phố Hà Nội giờ cao điểm. Ảnh: Xuân Tùng

Từ sự phân nhóm trên, sau khi cân nhắc lợi, hại giữa các nhóm phải điều chỉnh, Hà Nội đã quyết định điều chỉnh thời gian làm việc, học tập cụ thể đối với từng nhóm như sau: Với nhóm 1, thời gian vào lớp 7 giờ, thời gian tan trường 18 giờ; Nhóm 2, thời gian mở cửa sau 9 giờ, thời gian đóng cửa sau 19 giờ; nhóm 3 thời gian làm việc và học tập giữ nguyên khung giờ như hiện tại, sáng làm việc từ 8 giờ, chiều tan ca 17 giờ.

Như vậy có thể thấy, các đối tượng trong nhóm một được cho là có sự điều chỉnh về giờ theo lập luận của Hà Nội hoàn toàn giữ nguyên, vì từ trước đến nay, sinh viên các trường Đại học, Cao đằng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và học sinh PTTH … đều bắt đầu vào học từ 7h.

Ở đối tượng thứ 2 mà Hà Nội đề nghị điều chỉnh giờ, dường như cũng rất ít thay đổi. Theo đề xuất của Hà Nội, các nhóm đối tượng: trung tâm thương mại, cơ quan dịch vụ, tài chính ngân hàng… sẽ mở cửa sau 9h sáng và kết thúc lúc 19h. Nhìn vào đây có thể nhận thấy, nhóm được điều chỉnh chỉ có cơ quan dịch vụ và tài chính ngân hàng…còn lại hầu hết các trung tâm thương mại hiện nay cũng đều mở cửa rất muộn, đa phần là từ 8h30 đến 9h mới mở cửa.

Từ sự phân tích trên có thể thấy, nếu đem so sánh đề án thay đổi giờ làm, giờ học đang được Hà Nội xây dựng để trình Chính phủ với thời gian làm việc, học tập trước đây thì hoàn toàn không có nhiều sự thay đổi. Các đối tượng: sinh viên, học sinh phổ thông trung học vẫn vào học lúc 7h, cán bộ công chức vẫn bắt tay vào làm việc lúc 8h... như vậy, xem ra mục tiêu hạn chế người tham gia giao thông vào giờ cao điểm khó thực hiện được. Việc này, đồng nghĩa với việc phân chia lại thời gian để chống tắc đường sẽ không hiệu quả.

Vẫn biết tổ chức giao thông hợp lý trong điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng còn nhiều yếu kém là việc khó nhưng không phải vì thế mà thụ động, ngồi yên chờ đợi. Đáng tiếc, trong khi người dân đang còn lo ngại về hiệu quả của một chủ trương mới và dư luận cần một tiếng nói đồng nhất giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội về một phương án tối ưu thì mỗi đơn vị lại đưa ra những phương án riêng của mình.

Rõ ràng, Bộ GTVT đã quá nóng vội khi phớt Hà Nội trong việc trình Chính phủ 2 phương án điều chỉnh giờ làm nhưng có lẽ Hà Nội cũng đã quá thận trọng trong việc đưa ra phương án riêng để giải quyết vấn đề chính của thành phố.

Vì thế, nếu có thể trách thì hãy nên trách mình trước vì nói như Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn nói "Các giải pháp chúng tôi đang làm đều có trong Nghị quyết của Chính phủ chứ không có sáng kiến nào của ngành giao thông". Rõ ràng, đã là giải pháp có trong các Nghị quyết của Chính phủ, vậy tại sao tình trạng ùn tắc xảy ra đã bao nhiêu năm nay nhưng Hà Nội vẫn chỉ quẩn quanh với các biện pháp phân làn, bịt ngã tư... mà không triển khai quyết liệt ngay các biện pháp đã được nêu trong các nghị quyết mà chỉ khi Bộ Giao thông trình phương án lệch giờ, Hà Nội mới bắt tay vào nghiên cứu?.

Xin nhắc lại, tổ chức giao thông là một công việc khó. Công việc này còn khó hơn nếu không có sự đồng thuận trước tiên là từ các cơ quan triển khai, sau mới đến người dân.

Xuân Tùng

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=426&newsid=254356