Đôi giày tặng bố

Khi tôi 10 tuổi và cu Tùng 4 tuổi thì mẹ tôi mắc chứng alzheimer. Tất cả họ hàng nội ngoại gom tiền cho mẹ tôi trị bệnh, nhưng tiền thì hết mà bệnh của mẹ không thuyên giảm chút nào. Cũng từ đó cuộc sống eo hẹp lặng thầm đeo bám gia đình tôi.

Đồng lương giáo viên của mình bố thật khó để co kéo cho một gia đình. Bố lăn lộn làm thêm đủ nghề rồi ngã bệnh vì lao lực, kết cục bố phải về mất sức ở tuổi 40. Cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Cuối cùng, bố xin làm thợ hàn ở một cơ sở tư nhân. Tối tối, hễ có thời gian rảnh rỗi, bố lại làm thơ cho Báo Hoa học trò. Bố nói yêu nghề lắm, một kỹ sư tâm hồn mà chịu cảnh dở dang vì sức khỏe nên bố nhận lời viết bài cho báo để đỡ nhớ nghề chứ nhuận bút có được là bao. Nghe bố tâm sự tôi thấy thương bố vô cùng, càng gần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi càng thấy thương bố nhiều hơn.

Bố tôi ăn mặc rất đơn giản, thậm chí là xuềnh xoàng. Ngày nào cũng như ngày nào, bố khoác bộ quần áo bảo hộ bạc màu của người thợ hàn. Tết vừa rồi, bác Hùng cho bố một bộ complet và một đôi giày da với bác là cũ nhưng với bố tôi thì nó là quá mới. Bác Hùng to béo nên quần áo bác cho bố tôi mặc rộng thùng thình, còn đôi giày cũng quá khổ. Nhìn bố mặc, tôi ôm bụng mà cười vì đúng là không phải đồ của bố. Thấy vậy, bố xoa đầu tôi cười: "Bố chỉ mặc áo sơ mi cắm thùng vào, không cần áo vest vì trời vẫn chưa rét, đi giày vào là oách ngay". Tuy nhiên bố chưa diện như vậy bao giờ. Thỉnh thoảng có đám cưới phải đi, bố cũng mang đôi giày ra, lau lau, đi thử, rồi lại cất đi. Những lúc như thế tôi thấy thương bố vô cùng.

Không ngờ sinh nhật lần thứ 14 của tôi cũng là lần đầu tiên trong đời tôi tổ chức sinh nhật, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình là mua tặng bố một đôi giày. Tiền của mọi người cho tôi được 200 nghìn đồng, tôi quyết định mua giày cho bố. Tôi rủ anh Cường hàng xóm đi mua cùng. Anh Cường bảo với số tiền ấy anh sẽ dẫn tôi ra cửa hàng đồ cũ. Tôi cười: "Cũng được, miễn sao em mua được đôi giày vừa chân bố, để bố em được tề chỉnh đón học sinh cũ trong ngày 20-11 tới là vui rồi".

Khi nghe tôi tả về đôi giày tôi muốn mua và nguyên nhân vì sao không có chủ nhân của đôi giày, chắc bác bán hàng cũng chạnh lòng. Bởi bác lấy một đôi giày cỡ 39, đánh xi lại cho mới và đưa lại cho tôi 100 nghìn đồng. Bác cười nói: "Cháu có tấm lòng hiếu thảo quá, bác chỉ lấy gọi là cho cháu bằng lòng thôi chứ đôi giày này của bác 300 nghìn đồng cơ".

Tôi không biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn bác mà lòng đầy vui sướng. Cầm túi giày mà chạy vù về nhà quên cả anh Cường đi cùng khi nãy.

Về tới nhà, tôi sà vào lòng bố mà nũng nịu mong sao bố đừng từ chối món quà nhỏ của tôi. Và bố không từ chối, bố ôm chặt tôi vào lòng rồi nói qua những sợi tóc còn bết mồ hôi của tôi: "Con gái bố đã lớn thật rồi, từ nay bố đã có người để sẻ chia vui buồn, san bằng khó khăn trong cuộc sống hằng ngày rồi, phải thế không con gái?". Còn tôi, tôi ngước mắt nhìn bố và thủ thỉ: "Bố ơi, con cũng là một cô học trò, nhân dịp 20-11, con chúc bố một sức khỏe dồi dào và bố nhớ phải diện quần áo mới, đi giày mới để mãi là một thầy giáo thật phong độ trong mắt của các anh chị học trò cũ của bố, bố nhé!". Bố tôi trìu mến gật đầu, lòng tôi thấy thật vui.

Nguyễn Minh An (Số 2 ngõ Đình Đông)

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thieu-nhi/854871/doi-giay-tang-bo