Đội ghe ngo nữ Vĩnh Long

Họ đều là phụ nữ người Khmer dầu dãi nắng sương với ruộng đồng, nhưng mỗi khi tập trung để luyện tập đua ghe ngo chuẩn bị cho các kỳ thi đấu trong ngày hội của đồng bào Khmer Nam Bộ là ai nấy đều hào hứng tham gia. Thi đấu hết mình, nhưng giải thưởng chỉ mang tính khích lệ chứ không phải là thứ họ nhắm đến, việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống ở địa phương mình mới là điều họ theo đuổi.

Đồng bào Khmer ở Vĩnh Long chỉ chiếm 2% số dân cả tỉnh, với hơn 22 nghìn người, sống tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và thị xã Bình Minh. Vì có ít đồng bào Khmer nhất so với các tỉnh, thành phố khác ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Vĩnh Long chỉ có một đội ghe ngo nữ ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình tham gia thi đấu tại các giải chuyên nghiệp trong khu vực. Tất cả các vận động viên đều là nông dân chính hiệu miệt vườn, ngày ngày vẫn quần quật với ruộng đồng. Tay ngang và mang tính chất phong trào như vậy, nhưng sự nhiệt tình và quy củ của những nữ vận động viên này thì có thừa. Họ là lực lượng chủ lực của hầu hết các đội đua ghe ngo trong tỉnh Vĩnh Long. Chỉ cần thông báo, hẹn ngày giờ là chị em thu xếp công việc để tham gia luyện tập và thi đấu, bất kể thời gian. Mỗi lần thi đấu cấp khu vực, cả đội có hơn 100 vận động viên cùng tham gia luyện tập trong gần 30 ngày, nhưng khi thi đấu chính thức chỉ có 65 người được chọn, cùng với vài ba “huấn luyện viên” là những lão nông Khmer ham thích môn thể thao truyền thống của dân tộc mình.

Một trong những huấn luyện viên của đội ghe ngo nữ ở chùa Kỳ Son, xã Loan Mỹ chúng tôi gặp là ông Nguyễn Văn Sáu (thường gọi Sáu Phèn). Bản thân ông Sáu Phèn rất bận rộn với việc ruộng đồng và gặt lúa mướn cho người dân quanh vùng, nhưng mỗi khi vào dịp thi đấu, ông lại thu xếp việc nhà để có mặt thường xuyên với nhóm vận động viên không chuyên của mình. Chị Thạch Thi Khuôl, 30 tuổi ngụ ấp Cần Súc, xã Loan Mỹ cho biết: “Ông Sáu Phèn rất nhiệt tình với phong trào, có nhiều kinh nghiệm và chiến thuật trong thi đấu. Gia đình ông Sáu Phèn còn khó khăn nhưng ông luôn thu xếp việc nhà, có mặt để động viên toàn đội nên đội ghe thường đạt kết quả cao...”. Liên tiếp hai năm 2013 và 2014, đội nữ đua ghe ngo của chùa Kỳ Son đã mang về hai giải nhì tập thể. Cả hai lần đua đều do ông Sáu Phèn hướng dẫn trực tiếp. Nhớ lại “chiến tích” này, ông Nguyễn Văn Sáu cho biết: “Đó là công lao của bà con, từ người tham gia thi đến người cổ vũ. Dù điều kiện vật chất trang thiết bị còn hạn hẹp, thời gian tập luyện không nhiều, nhưng các cháu đã thi đấu xuất sắc, mang về kết quả đáng tự hào cho quê hương mình... Tuy nhiên, ông Sáu cho rằng, không chỉ riêng ông mà tất cả đồng bào Khmer ở Vĩnh Long đến với đua ghe ngo không phải vì giải thưởng, mà giữ gìn bản sắc một nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình mới là mục tiêu đội ghe ngo nữ chùa Kỳ Son theo đuổi.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32446902-doi-ghe-ngo-nu-vinh-long.html