Đời du mục (2)

* Bài cuối: Về đâu những bước chân du mục?

Đời du mục lắm nỗi gian truân nhưng vì miếng cơm manh áo, họ không thể bỏ nghề. Ngày lại ngày, họ lăn lộn chạy đua trên đồng cỏ, đồi cát theo dấu chân bầy cừu hợp đồng chăn cho chủ cũng chỉ đủ ăn, chuyện học chữ của con em xem ra khó khôn cùng...

Bài toán ăn chia

Diện tích tự nhiên của tỉnh Ninh Thuận hơn 3.360 km2, trong đó chiếm phần lớn là núi đá, rừng và cát. Đây là địa phương khô hạn nhất nước bởi lượng mưa hằng năm chỉ bằng 1/3 lượng mưa bình quân cả nước. Thế nên việc chăn nuôi gia súc là thế mạnh. Tổng đàn gia súc toàn tỉnh ước khoảng gần 260.000 con gồm bò, dê, cừu, trong đó đàn cừu chiếm gần 50%, tập trung chủ yếu tại Ninh Hải, Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Nam. Đảm đương việc chăn nuôi cừu cho những ông bà chủ, có hàng trăm người bản địa theo nghề du mục, phần lớn thời gian sống trên vùng núi đồi, bán sơn địa. Ông Đường Minh Hùng, cán bộ phụ trách thú y xã Xuân Hải, H. Ninh Hải nói với tôi rằng, so với các xã của các huyện khác thì xã của ông có số lượng cừu lớn nhất tỉnh với gần 15.000 con, trong đó hơn 90% là chăn thả. Cừu nơi đây chủ yếu nuôi lấy thịt chứ không bán được lông do chúng ăn ngoài đồng, lội bùn nước, thiếu nước tắm rửa.

Theo những người chăn cừu thuê, có rất nhiều cách ăn chia giữa người nuôi thuê và chủ. Hoặc là ăn chia 3-7, 4-6 (du mục hưởng 3 hoặc 4, chủ hưởng 6, 7) khi bán thịt. Cách này thì tiền phân cừu bán cho những trang trại từ nơi khác mua về trồng rau chủ hưởng. Còn nếu hưởng tiền thuê theo lứa, du mục được hưởng luôn tiền bán phân cừu. Ông Hùng cho hay, phần lớn người chăn cừu thuê đều nhận cách ăn chia thứ 2, bởi họ sợ may rủi nếu đàn cừu bị dịch bệnh chết nhiều. Thông thường, một gia đình nhận chăn bầy cừu từ 200-300 con (thời gian nuôi khoảng 8 tháng đến 1 năm), chủ sẽ trả công khoảng 15-20 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng họ có thêm chừng 1 triệu tiền bán phân. Mức tiền này, gia đình chăn cừu ăn tiêu tằn tiện may ra dư mỗi năm vài triệu đồng.

Nhiều đứa trẻ phải bỏ học làm nghề chăn cừu thuê.

Nắng-người tôi từng kể chuyện ở bài viết trước, cho hay, cậu từng bỏ công không cả năm vì chọn phương án ăn chia thịt. Đó là mùa khô hạn 2012, đàn cừu gần 200 con Nắng nuôi gặp đợt dịch chết hơn phân nửa. Số còn lại bán thịt ăn chia với chủ, Nắng chỉ được hơn 10 triệu đồng, không đủ chi phí ăn uống cho cả gia đình trong năm. "Nếu chọn bài toán nhận tiền công, người chăn cừu được bán phân may ra mỗi năm còn dư ra dăm bảy triệu. Chứ đánh liều ăn chia theo bán thịt mà gặp rủi ro chỉ có chết đói. Hợp đồng lấy tiền công là vững nhất, vì nếu gặp dịch bệnh, chủ gánh chịu một mình"-Nắng phân tích.

Không chỉ lo lắng về phương án ăn chia, công cán, người theo nghề du mục luôn nơm nớp với nỗi sợ đền hợp đồng với chủ. Quốc, chăn cừu thuê cho một người chủ tên Tám "đen" kể chuyện mình phải đền hợp đồng năm 2013 mà nước mắt lưng tròng. Chuyện là, du mục khi ký hợp đồng với chủ đều có thỏa thuận, nếu cừu chết chủ sẽ chịu, nhưng chết phải thấy xác. Lần ấy đàn cừu Quốc nuôi chạy rông lạc mất 4 con. Dù Quốc trình bày cừu chết ngoài đồng nhưng do không có xác cừu nên chủ không chấp nhận, phải đền 9 triệu đồng. Sau vụ đó, mấy năm gần đây, ngày nào lùa cừu ra đồng, Quốc cũng lo chạy ngược xuôi dưới nắng vì sợ mất cừu.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những du mục trên đồng cỏ.

Bỏ học theo dấu chân cừu

Tôi lăn lộn 2 ngày theo chân du mục trên đồi cát, đồng cỏ của H. Ninh Hải, Bác Ái, Thuận Nam, đến đâu cũng bắt gặp cảnh trẻ em bỏ trường theo dấu chân cừu. Thế hệ ông bà, bố mẹ chúng cũng không khác. Tiền công nuôi cừu chỉ đủ ăn, thậm chí gặp rủi ro còn thiếu cơm, hụt muối, nói chi đến chuyện cho con học chữ. Cu Đăng-con chị Phương (xã Xuân Hải, H. Ninh Hải) lẽ ra những ngày tháng 10-2016 này đang được ngồi trên ghế lớp 4, nhưng phải bỏ trường theo mẹ lùa cừu trên đồng cỏ. Đăng bảo, nhà không có tiền nên phải nghỉ học. Nay còn nhỏ thì đi phụ mẹ chăm bầy cừu 200 con cho bà chủ Én, lúc nào lên 14-15 tuổi, mẹ sẽ tìm chủ cho đi chăn riêng một đàn kiếm tiền công. Chị Phương cũng chẳng hơn gì con, học hết lớp 5 phải rời trường ở nhà làm đủ nghề kiếm sống, từ trồng rau, bắp đến hái nho thuê và giờ đảm đương bầy cừu cho chủ kiếm công.

Gần 15 năm long đong theo nghề du mục, vợ chồng anh Kiểm, chị Lài ở H. Bác Ái cũng không đủ sức dành dụm để cho 2 đứa con đến trường tìm tương lai. Đứa lớn-cháu Lê, 12 tuổi may mắn học hết lớp 4 cũng phải nghỉ đi theo bố mẹ chăn cừu 2 năm nay. Cháu nhỏ, tên Đan năm nay đến tuổi vào lớp 1, nhưng xem tương lai không mấy xán lạn. Chị Lài bảo, chắc cũng ráng cho cháu đọc được mặt chữ thôi, chứ học cao rất khó. Tiền công nuôi cừu không đủ cho 4 miệng ăn, thêm vào là thuốc thang đau ốm, làm sao kham nổi chuyện học cho con. Vợ chồng anh Kiểm, chị Lài vẫn hiểu rằng thất học cũng đồng nghĩa với chuyện không thoát nổi cảnh đói nghèo, nhưng không thể khác, đành phải đùm túm lên núi rong ruổi theo bầy cừu.

Không khác cảnh thất học truyền đời như gia đình chị Phương, anh Kiểm, tôi gặp cả chục trường hợp theo nghề du mục thì may mắn lắm có được 1-2 gia đình có con còn cơ hội học hết cấp 3. Chủ yếu họ thuộc diện hộ nghèo, ruộng đất trồng màu hiếm hoi nên đành chọn phương án chăn cừu thuê kiếm sống. Theo những du mục tôi từng gặp, bình quân mỗi lứa cừu, chủ thu về tiền trăm triệu là thường. Đơn cử, một chủ bỏ tiền mua cừu giống khoảng 200 con, mỗi con 10-12kg với mức đầu tư 180 - 200 triệu đồng (giá cừu non 90.000 đồng/kg). Sau 8 - 10 tháng hợp đồng giao cho du mục chăn mỗi con cừu tăng từ 13-16kg, tương đương số kg toàn đàn tăng khoảng 3.000kg. Bán lấy thịt (giá thịt 60-65.000 đồng/kg), chủ thu lời khoảng hơn 180 triệu đồng. Trừ chi phí tiêm phòng, trả công cho du mục, đàn cừu mang về cho chủ khoản lời trên dưới 130 triệu đồng.

Ông Đường Minh Hùng, cán bộ thú y xã Xuân Hải, H. Ninh Hải phân tích: Đúng là nuôi cừu rất có lãi, song không phải không có rủi ro. Thông thường cừu là gia súc ăn tạp. Ngoài cây cỏ thông thường, thậm chí cây xương rồng gai góc, chiếu rách chúng cũng không chừa nên rất dễ bị bệnh sán lá gan, trướng hơi dạ cỏ; khi thời tiết thay đổi hay mắc bệnh tụ huyết trùng. Tuy nhiên nếu chủ đề phòng, bỏ đôi ba mươi triệu tiêm phòng đầy đủ, thường xuyên, chuyện cừu mắc bệnh, chết nhiều rất hiếm. "Vài chục năm trở lại đây, chuyện cừu gặp dịch bệnh thiệt hại trên 50% đàn cũng đã xảy ra, song chỉ là một vài hộ. Mà thiệt hại chừng đó, chủ cừu vẫn có lãi vài ba chục triệu trừ vốn, thuê công chăm. Những năm gần đây, lượng cừu chết do bệnh dao động bình quân cũng chỉ 5-10 con/đàn mà thôi chứ hiếm thấy dịch bệnh gây chết hàng loạt. Dù vậy, người theo nghề du mục cũng chẳng ai dám lựa cách ăn chia với chủ theo cách chia tỷ lệ thịt 7-3, 4-6 ở cuối vụ xuất chuồng bán thịt, vì sợ gặp xui xẻo. Nếu theo cách này chủ sẽ lãi lớn, trong khi chẳng phải đầu tư công sức, thức ăn gì ngoài chi phí tiêm phòng"- ông Hùng cho biết...

Tôi rời Ninh Thuận, thấp thoáng trên từng đồng cỏ, đồi cát, dấu chân những du mục lẽo đẽo theo bầy cừu vẫn lầm lũi bước mưu sinh. Có lẽ, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, khốn khó cứ đời này qua đời khác như cột chặt phận đời du mục trên vùng đất khát.

Phóng sự: Hoàng Nam

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_158088_do-i-du-mu-c-2-.aspx