Đôi điều về đề xuất cấm xe máy…

Mấy hôm nay dư luận như nóng lên với đề xuất có ảnh hưởng đến hơn một nửa dân số TP.HCM: Đề xuất cấm xe máy tại một hội thảo về kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân. Trong số các đề xuất cấm xe máy, có đề xuất khá “đanh thép” của PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông Đại học Bách khoa TP.HCM. Xin có đôi điều tranh luận cùng ông.

Ông Mai có lẽ là người đang đi xe hơi, theo suy luận, bởi vì ông có cái nhìn cực kỳ trịch thượng về những người đi xe máy. Có lẽ là ngồi phía sau xe, trong không gian yên ắng mát lạnh mà nhìn dòng người nhếch nha nhếch nhác chạy xe máy trên đường, nên ông mới có quan điểm là: “Xe máy hoạt động rất cá nhân, nghĩa là không tuân thủ luật giao thông và hành xử như là một con ngựa sắt chạy rông”.

Nói như vậy là xúc phạm đến đa số những người đi xe máy. Một nhà “khoa học” như ông thì nên biết đến những nguyên tắc của phép quy nạp và diễn dịch, chứ đừng “vơ đũa cả nắm” như thế. Đâu phải ai đi xe máy ra đường đều là những người vi phạm luật giao thông, đều chạy rông như những con ngựa?

“Cấm. Cấm hẳn. Đừng sợ… Đừng đem cái nghèo dọa nhau mãi…”. Thưa ông, quan điểm này cách đây hơn 30 năm được cho là “quan điểm tư sản” đấy! Ngày nay người nghèo đơn giản là họ nghèo, chẳng ai đi lấy cái nghèo mà dọa ai cả, như trong những thời kỳ lịch sử nào đó. Còn quan điểm cho rằng “nước ta đã giàu” của ông thì cần phải được xem lại, bởi vì nếu nước ta mà giàu thì đương nhiên là phần lớn người dân sẽ đi xe hơi như ông, chẳng có ai tội gì mà đi xe máy cả.

Dường như xã hội ta đang mấp mé ở xã hội trưởng giả nên mới bắt đầu có những quan điểm kỳ thị giàu nghèo như quan điểm của ông. Xin thưa với ông là hiện nay, xét ở mức độ tổng thể thì nước ta vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 2.200 USD mà thôi. Nếu tính ở mức tổng sản phẩm quốc dân (GDP) quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) thì nước ta đang đứng tới hàng 127 trên thế giới theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Mà cũng chẳng cần đến những con số, chỉ nhìn trực quan thôi là đủ. Hiện nay, sự cách biệt giàu nghèo mà ta có thể lấy hình ảnh của người đi xe hơi và người đi xe máy, là rất lớn. Tháp thu nhập của người dân nước ta có phần đáy dầy cộp và nhọn hoắc ở phía trên với chỉ khoảng 200 người siêu giàu và khoảng 14.000 người có thu nhập trên một triệu USD mỗi năm.

Người ta có thể thấy rõ sự kỳ thị đối với những người đi xe máy như tôi trong những đề xuất cấm xe máy xuất hiện liên tục trong thời gian qua. Những người đề xuất dường như cố tình quên rằng người đi xe máy để có thể ra đường chen nhau mà đi thì họ cũng đã phải đóng đầy đủ các loại thuế “trên từng cây số”. Với các loại thuế, phí gấp đôi giá chiếc xe, với hàng chục loại thuế phí gần gấp đôi giá xăng, họ phải được cái quyền lưu thông bình đẳng như các loại phương tiện khác, kể cả phương tiện công cộng. Chả có việc gì phải kỳ thị hay “ban ơn” của xã hội đối với người đi xe máy cả. Vấn đề là trong hàng chục năm qua, mặc dù phải chịu trường kỳ với các loại thuế phí ấy, họ không có được thêm nhiều những con đường để có thể đi lại đàng hoàng.

Một điều nữa mà tôi còn muốn tranh luận, là vì sao ông và những nhà “khoa học” khác không nhận ra một điều là xe máy đang là phương tiện tối ưu đối với hệ thống đường sá còn quá “hẻo” của nước ta. Chúng là những phương tiện linh hoạt nhất, gọn nhẹ nhất để đi lại trong các đô thị như TP.HCM. Hãy thử nghĩ đến cái cảnh tất cả xe máy đều được thay bằng xe buýt, xe ô tô xem giao thông của thành phố này như thế nào, khi mà cả một bãi đậu xe cho ra hồn ở thành phố còn không có?

Tôi chắc rằng ở một thời gian nào đó ông đã từng đi xe đạp, xe máy, rồi mới lên xe hơi (theo suy luận của tôi và nhiều độc giả) như bây giờ. Chúc mừng là ông đã gia nhập được tháp thu nhập đủ để vi vu xế hộp mà nhìn đời qua tấm kiếng xe hơi.

Đôi điều tranh luận. Nếu có gì chưa thỏa đáng, xin ông phản hồi…

Đoàn Đạt

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/doi-dieu-ve-de-xuat-cam-xe-may-61257.html