Đời công nhân

Mấy ngày nay, truyền thông đưa khá nhiều về việc công nhân nhiều khu công nghiệp không có tiền thưởng tết. Nếu có thì lại hẻo quá, khiến người ta không sắm sửa được gì. Nhưng dù sao vẫn phải có tết, nên tiểu thương đã tranh thủ mang hàng rẻ, hàng tồn, hàng nhái kém chất lượng đến bán cho công nhân… ăn tết. Người ta còn chuẩn bị sẵn những túi quà bán với mức 50.000 đồng để công nhân mua đi tết cha mẹ, người thân. Tôi có một người cháu họ, làm ở một liên doanh may xuất khẩu tại Bình Dương, Tết này không có tiền thưởng nên không về nhà được. Tôi gọi điện chia sẻ thì nó nói: -Không sao đâu chú ơi, đời công nhân như chúng cháu ráo mồ hôi là hết tiền. Buồn là buồn cả năm cả đời chứ buồn gì mấy ngày Tết (!?). Mới tí tuổi đầu mà đã ra giọng triết lý, khiến người ta bật cười.

Công nhân các khu công nghiệp luôn phải đối diện với những khó khăn

Ảnh: T.L

Thực ra thì không phải không có lý khi nói rằng công nhân trong các khu công nghiệp buồn nhiều hơn vui. Ai đã từng qua các khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Sài Đồng (Hà Nội); Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… ở lại một hai ngày với người công nhân mới thấm thía nỗi khổ của họ. Chỗ ở chỗ ăn vô cùng tạm bợ, chật chội, không một chút tiện nghi sinh hoạt. Thu nhập thấp, họ buộc phải thuê những căn phòng trọ tồi tàn, chen chúc, xếp lớp vào nhau mà ngả lưng sau những ca làm việc mệt nhọc. Thỉnh thoảng lại có một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, mà nạn nhân là công nhân, nghe xót ruột xót gan.

Đời sống vật chất lẫn đời sống tinh thần của họ hiện ở mức rất thấp. Ngoài ca làm và lúc ngủ, họ hầu như không có được một sinh hoạt tập thể nào cho vui đời. Vì thế mới dẫn đến chuyện bài bạc sát phạt những đồng tiền còm cõi của nhau, uống rượu mềm người cho quên sự đời, nhưng thật đúng là cái cảnh "rút đao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh/ Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm”.

Gần đây, khi sự việc lùm xùm quá, cơ quan chức năng vào cuộc mới đưa ra những thông tin hết sức đáng lo ngại. Đó là chuyện chị em công nhân hoang thai nhiều quá, nạo phá thai nhiều quá, bỏ rơi trẻ sơ sinh nhiều quá. Đầu tiên là tin bung ra từ các bệnh viện cho biết, số nữ công nhân đến sử dụng các biện pháp "sinh đẻ có kế hoạch”- có nghĩa là nạo phá thai rất nhiều, có thời điểm lên tới gần 70% tổng số các vụ nạo phá thai trong vùng. Sau đó, Liên đoàn lao động vào cuộc, tìm hiểu thì thấy đó đúng là sự thật. Hơn thế nữa, đó còn là những vụ chối bỏ trẻ sơ sinh, để mặc hài nhi núm ruột của mình sống hay chết thì cũng giống nhau. Đã có vụ, khi người dân phát hiện hài nhi bị bỏ rơi, thì cũng thấy cả chuyện đứa bé đó đã bị chuột gặm thủng cả bụng. Thương tâm, người ta mang đứa bé vào bệnh viện cấp cứu, chăm sóc. Rồi sau đó đứa nhỏ sẽ ra sao, đành chịu. Cách không xa những khu công nghiệp tập trung, đã mọc lên những trại cô nhi đón những đứa trẻ xấu số đó. Rồi đến một hai ngôi chùa cũng đón các cháu vào nuôi. Các cháu có tội tình gì mà bị bỏ rơi, bị đọa đày ngay từ khi mời chào đời? Tương lai của chúng rồi sẽ ra sao? Trách nhiệm của những người sinh ra chúng thế nào?

Với nam công nhân, người ta lo ngại về chuyện cờ bạc, rượu chè, đánh nhau. Còn với nữ công nhân lại là mối lo bị lừa gạt, hỏng mất đời con gái, rồi thì chửa đẻ với biết bao hệ lụy. Sống xa nhà, cuộc đời quanh quẩn với nỗi buồn, họ dễ bị cám dỗ, dụ dỗ. Lỡ bước một lần, rất có thể lại lần thứ hai, thứ ba vì nguyên nhân chính dẫn đến chuyện đó đối với họ không được giải quyết.

Vấn đề ở đây là phải cải thiện đời sống người lao động. Cả về vật chất lẫn tinh thần.

Kinh tế suy giảm, đồng lương người công nhân bị chủ hạ xuống, nghèo túng lại nghèo túng thêm. Lương còn hạ thì đương nhiên thưởng sẽ bị cắt. Đã thế, nhiều chủ doanh nghiệp lại cố tình không nộp bảo hiểm cho người lao động, nên khi họ phải "ra đường” thì chỉ có hai bàn tay trắng. Công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động, nhưng thời gian qua đây đó chỉ thấy những cuộc bãi công đòi tăng lương, còn thì các nhu cầu khác của người lao động không thấy công đoàn can thiệp với giới chủ. Năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm của những người đại diện cho công nhân không bảo đảm, nên xét trên tổng thể vấn đề vẫn không được giải quyết.

Năm 2013 được dự báo là còn tiếp tục khó khăn. Có chuyên gia còn cảnh báo khó hơn cả năm 2012. Khó là khó chung, nhưng riêng đối với công nhân làm việc tại các khu công nghiệp thì chắc chắc sẽ còn khó hơn. Chính vì thế họ lại càng cần phải được bảo vệ hơn. Tự bản thân mỗi người phải lo cho mình, nhưng họ cũng rất cần được tổ chức công đoàn bảo vệ, và cũng rất cần được hưởng lợi từ những chủ trương, chính sách của Bộ LĐ,TB-XH, khi đưa ra những quy định cần thiết có lợi cho người lao động buộc giới chủ phải thực hiện. Trong lúc không thể trông chờ vào "tình thương” của chủ doanh nghiệp, thì những quy định, những chế tài đủ mạnh mới có thể tác động được ít nhiều, từ đó cải thiện đời sống người lao động.

Từ câu chuyện nhiều công nhân không có tiền thưởng tết; nhiều công nhân không có tiền về thăm gia đình trong những ngày tết cổ truyền của toàn dân tộc - cần nhìn nhận lại một lần nữa cuộc sống của công nhân trong các khu công nghiệp. Không chỉ nhìn vào một thời điểm cụ thể, mà là nhìn vào lâu vào dài. Cũng không chỉ nhìn vào việc tăng lương giảm lương, mà còn phải đặt vấn đề về toàn bộ cuộc đời của họ. Nhất là những gì họ đang gặp phải mà tự mình rất khó vùng thoát. Cụ thể, đó là chỗ ở, tiền công, phải được đóng bảo hiểm; với nam công nhân là nạn rượu chè, cờ bạc; nữ công nhân là chuyện bị lừa gạt, dụ dỗ… Nếu không, thì những bất cập sẽ vẫn cứ diễn ra dài dài và người công nhân khu công nghiệp vẫn luôn là những người rất khổ.

NAM VIỆT

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=61035&menu=1451&style=1