Đọc truyện dân gian Phạm Nhan và suy ngẫm

Trong chuyện dân gian về trận đại thắng Bạch Đằng của quân dân nhà Trần năm 1288, có hai chuyện thường được kể nhiều nhất là chuyện tên tướng giặc Phạm Nhan...

Trong chuyện dân gian về trận đại thắng Bạch Đằng của quân dân nhà Trần năm 1288, có hai chuyện thường được kể nhiều nhất là chuyện tên tướng giặc Phạm Nhan bị bắt rồi bị chém đầu và chuyện bà hàng nước đã mách cho Trần Hưng Đạo biết mực nước thủy triều lên xuống, để Quốc công Tiết chế tính bố trí trận địa cọc và nhất là tính giờ phản công thủy quân giặc Nguyên. Chuyện Phạm Nhan phong phú hơn và được kể phổ biến hơn, ở nhiều tỉnh thành, trở thành một điển hình văn học về sự phản bội, có lẽ là nhờ nhà văn Trần Trợ đã chép chuyện đó từ thời Lê, trong tập ký Tục biên Công dư tiệp ký (viết tiếp Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề). Tác phẩm gồm các chuyện lưu truyền trong dân gian, về danh nhân, thắng tích, huyền thoại, thần từ... đã được truyền bá rộng rãi từ cuối thời Lê, in nhiều lần từ thời Nguyễn đến nay. Bản in mới nhất là của Nhà xuất bản Văn học năm 2008, do Nguyễn Đăng Na, một chuyên gia hàng đầu của văn học Hán Nôm Việt Nam và Nguyễn Thành Chung dịch, Nguyễn Đăng Na giới thiệu. Tác giả là nhà văn Trần Trợ, người làng Điền Trì, huyện Chí Linh, nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông là Viên ngoại lang bộ Lại, Trợ giáo Thái tử (nên gọi theo chức là Trợ - Trần Trợ) thời cuối Lê, con Lễ bộ Thượng thư, Phó đô Ngự sử Trần Tiến, cháu Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư Trần Cảnh, chắt Tham tụng, Hình bộ Thượng thư Trần Thọ, tên ông tự ghi trong Niên phả lục là Trần Quý, lịch sử văn học trung đại Việt Nam và sách giáo khoa, ghi tên ông là Trần Quý Nha.

Đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc).

Trong tập truyện dân gian trên, có truyện Phạm Nhan, Trần Trợ cho biết tên hắn là Bá Linh, họ Nguyễn. Phạm Nhan là tên chữ khi hắn đi thi và ra làm quan. Sau này, anh hùng dân tộc Nguyễn Thiện Thuật, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, khi làm thơ động viên nhân dân đánh giặc Pháp đã viết về giặc Pháp: “Độc ác còn hơn cả Bá Linh”, tức là hơn tên này. Cháu Trần Trợ là Trần Tấn, theo Hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, đã đi theo Nguyễn Thiện Thuật, trở thành tiểu tướng của ông. Năm 1887, Trần Tấn đã hy sinh khi chỉ huy một trận chống càn của giặc Pháp vào căn cứ Bãi Sậy. Trần Tấn là cụ nội của tôi.

Theo lời kể của Trần Trợ, thì bố Nguyễn Bá Linh là người Quảng Đông, Trung Quốc, sang buôn bán ở chợ Đông Hồ (chợ Cột - Đông Triều sau này, nhưng vị trí ở cách Chợ Cột hiện nay khoảng 2km về phía Đông). Do đó hắn yêu một cô gái người làng An Bài, cạnh chợ, rồi sinh ra hắn tại đây. Lớn lên hắn về quê cha học thêm rồi đi thi, đỗ tiến sĩ. Vốn có tài làm thuốc, hắn được tuyển vào cung, rồi thông dâm với một cung nữ, bị khép án chém đầu. Đúng lúc đó, vua Nguyên khởi binh đánh Đại Việt lần thứ 3, hắn xin cho lấy công chuộc tội, vì hắn rất thông thuộc “sào huyệt” của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Vua Nguyên ưng, phong hắn làm tướng tiên phong, cùng Nguyên soái - Bình chương sự Ô Mã Nhi, theo Tiết chế Trấn Nam vương Thoát Hoan, con vua Nguyên, dẫn quân theo đường Lạng Sơn đánh thẳng vào Vạn Kiếp. Đây là đạo quân mạnh nhất của giặc. Các con của Hưng Đạo vương, trong đó có Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng theo cha đánh giặc ở phòng tuyến này.

Trong trận đối đầu với hắn ở ải Phú Lương, ngày 14/3 năm Đinh Hợi (1287), mà hắn là tướng tiên phong, Hưng Đạo vương phải lui quân vì thấy thế địch rất mạnh. Được đà, hắn kéo quân từ Vạn Kiếp về Đông Triều, dọc đường đã tàn sát nhân dân ta vô cùng dã man. Thêm một căn cứ để bác bỏ ý kiến cho rằng vua Trần Nhân Tông đã đóng quân ở làng Đức Sơn xã Yên Đức, cùng bản huyện, vì đây là vùng đất kiểm soát của Phạm Nhan. Vua Trần đã kéo quân Thánh Dực từ phía Thái Bình về, qua Kiến An, rồi vào trận Bạch Đằng ở bờ sông bên kia, nay là vùng Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Đến khi vào trận Bạch Đằng, chiều ngày 8/3 năm Mậu Tý, tức ngày 9/4/1288, Phạm Nhan bị bắt sống. Hắn bị xử tội chết. Trước khi chết, hắn xin được đưa về An Bài để lạy tạ đất mẹ đã sinh ra hắn và xin được Hưng Đạo vương chém đầu hắn tại đây. Có lẽ vì thế chăng, mà xã An Bài, ngay cạnh Quốc lộ 18 từ huyện lỵ Đông Triều đi Cầu Cầm (rồi xuôi về TP. Uông Bí, Quảng Ninh hiện nay) sau này mang tên Hưng Đạo (vương). Quân sĩ chém đầu này, hắn lại mọc đầu khác, cho đến khi Hưng Đạo vương chém mới đứt hẳn. Vương cho vứt xác hắn xuống sông, vì không có tấc đất nào có thể chôn hắn được. Sau đó, từng mảnh xác thân hắn rữa ra biến thành những con đỉa, chuyên đi hút máu người. Đặc biệt thứ máu hắn ưa thích nhất là máu đàn bà đẻ... Ngẫm lại mới thấy chuyện kể đó của Trần Trợ là vô cùng sâu sắc, thấm thía và rất hiện đại.

Khi Trần Trợ ghi lại truyện này, làng An Bài vẫn có miếu thờ hắn ở bên bờ sông Thanh Lương, một khúc của sông Kinh Thầy hiện nay (chữ “Kinh Thầy” mới có từ thời Pháp), để vong hồn đau khổ của hắn đỡ quấy nhiễu dân gian trong vùng, nhất là phụ nữ và đàn bà đẻ. Do đó, các xã quanh làng An Bài, hắn ít gây ra tai vạ, còn ở những nơi xa thì người nhà bệnh nhân phải đến đền Vạn Kiếp cầu đảo, đem theo một chiếc chiếu mới, sau khi làm phép xong, mang chiếc chiếu ấy về, rồi lừa trải vào chỗ người ốm nằm... không ai là không khỏi ngay. Nhưng chỉ người nào bị hắn ám thì mới nghiệm.

Riêng chiếc miếu thờ hắn ở làng An Bài thì đến khoảng năm 1980, mới phá dỡ hẳn.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/doc-truyen-dan-gian-pham-nhan-va-suy-ngam-n123365.html