Độc đáo rừng băng qua xa lộ

Xa lộ băng qua rừng là chuyện bình thường. Nhưng khi nghe nói rừng băng qua xa lộ ắt sẽ có vô số người ngạc nhiên, tưởng chuyện đùa. Ấy vậy mà chuyện này có thật và dĩ nhiên không phải ở VN.

Một chiếc cầu rừng ở Hà Lan

Ở VN, xa lộ hoặc đường cao tốc chưa nhiều, nhưng đã bộc lộ một số chuyện bi hài ít nơi nào có. Gần đây nhất là chuyện một chiếc xe tải tông 2 con trâu trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. May mà không có thiệt hại về nhân mạng, chỉ tội nghiệp 2 con trâu tắt thở. Sở dĩ 2 con trâu này lững thững băng qua xa lộ được là do có ai đó đã phá một đoạn hàng rào an toàn.

Cũng có thể 2 con trâu thả rong này có nhu cầu tìm bãi cỏ mới bên kia xa lộ để nhai nên mới xảy ra cớ sự. Xét về đời sống động vật, đó là một nhu cầu tự nhiên, kể cả trong chuyện tìm bạn đời để giao phối nếu không bị cách trở bởi hàng rào an toàn do con người tạo ra dọc hai bên xa lộ.

Vì lý do đó, ở châu Âu, cụ thể là Hà Lan, người ta đã thiết kế rất nhiều cầu vượt trên xa lộ dành riêng cho động vật (tạm gọi cầu rừng).

Những chiếc cầu rừng này tạo cảm giác giống như bản thân nó nguyên thủy là một quả đồi, được người ta “đục” xuyên qua để nối dài xa lộ. Nếu bạn đã từng lưu thông qua đường hầm Thủ Thiêm ở TP.HCM có cảm giác như thế nào, thì khi chạy vào đường hầm bên dưới những chiếc cầu rừng ở Hà Lan này, cũng sẽ thấy không gian na ná như vậy tuy ngắn hơn vì chỉ vài chục mét.

Có điều khác nhau cơ bản: bên trên đường hầm Thủ Thiêm là dòng sông Sài Gòn, còn phía trên những chiếc cầu rừng ở Hà Lan là đường đất và cây cối do con người tạo ra sao cho thật giống rừng.

Để làm những chiếc cầu rừng này, trước tiên người ta xây dựng 2 mái vòm bằng bê tông cốt thép cho 2 chiều xe chạy, sau đó đắp đất lên trên rồi trồng cây và tạo lớp thực vật giống y chang rừng tự nhiên hiện hữu hai bên xa lộ. Nói cách khác, hai bên rừng có những loại cây gì thì người ta trồng trên chiếc cầu vượt này đúng những loại cây ấy. Với cảnh quan sinh động như vậy, động vật hoang dã sẽ không ngần ngại dạo bước trên những chiếc cầu rừng ấy vì quang cảnh thấy khá thân quen. Môi trường sống của chúng vì thế thông suốt, chẳng hề bị chia cắt bởi 2 dãy hàng rào kim loại lạnh lùng cùng con đường nhựa xe cộ phóng như bay.

Sự tinh tế trong việc tạo ra những chiếc cầu rừng giúp cho đời sống của động vật hoang dã và có khi cả những đàn cừu, đàn bò chăn thả, vì lý do gì đó đi lạc, thoải mái băng qua xa lộ mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của chính nó và cho cả con người. Những chiếc cầu rừng này cũng được lắp đặt hàng rào an toàn hai bên. Hàng rào an toàn dọc theo cầu rừng và xa lộ ở Hà Lan được sử dụng bằng lưới kim loại ô vuông, tiết diện của mỗi ô chỉ bằng 1/2 ô lưới B40 (hầu hết các nước ở châu Âu đều sử dụng lưới loại này để làm hàng rào an toàn cho xa lộ). Với tiết diện khít như vậy, chỉ có con chuột nhắt mới chui qua lọt, chứ chuột cống hoặc sóc thì chịu thua.

Và còn điều khác lạ so với VN là, người châu Âu ý thức rất cao về việc bảo vệ hàng rào an toàn trên các xa lộ, không bao giờ họ tự ý phá bỏ nó, vì hành vi ấy là phạm pháp. Điều đó giải thích vì sao khi di chuyển trên các xa lộ ở châu Âu, du khách sẽ không bao giờ thấy cảnh người đi bộ băng qua đường hoặc gia súc, gia cầm, thú hoang ở Hà Lan bị xe cộ cán chết như trên các đường cao tốc ở VN.

Chi phí xây dựng cầu rừng băng qua xa lộ như ở Hà Lan rẻ và thiết kế đơn giản hơn gấp nhiều lần so với đường hầm chui dưới sông hoặc đục xuyên qua núi. Và không phải xa lộ nào ở xứ sở cối xay gió cũng được thiết kế những chiếc cầu vượt dành cho muông thú. Tuy nhiên, nếu có dịp di chuyển bằng ô tô từ Hà Lan qua các nước láng giềng như Đức và Vương quốc Bỉ hoặc ngược lại, có thể bạn sẽ bắt gặp những chiếc cầu độc đáo này.

Đoàn Xuân Hải

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/doc-dao-rung-bang-qua-xa-lo-758772.html