Độc đáo quà lưu niệm từ than củi, thuốc trừ sâu thuốc trừ sâu từ tỏi, ớt

Từ gần một năm nay, những hộ nông dân ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã khiến nhiều người thán phục khi tự chế ra được những sản phẩm thân thiện với môi trường. Than củi có thể được những người nông dân này chế ra thành quà lưu niệm; tỏi và ớt thì được thành một loại thuốc trừ sâu không độc hại...

Quà lưu niệm than củi Gần một năm trở lại đây, du khách đến vườn quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đều không khỏi ngạc nhiên trước những món quà lưu niệm từ than củi rất độc đáo của một gia đình lão nông sống ở chân núi. Đó là cửa hàng lưu niệm của ông Cao Thanh, ngụ thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc. Nói là quầy hàng lưu niệm nhưng thực chất vợ chồng ông Thanh tận dụng mái hiên trước nhà rồi bày bán những sản phẩm được nung từ củ khoai, trái bầu, quả cau... trong vườn. Ông Thanh cho biết, cách đây hai năm những kĩ sư Nhật Bản sang nghiên cứu ở vườn quốc gia Bạch Mã đã dạy ông bí quyết làm đồ lưu niềm từ than. "Trước đây mỗi khi thu hoạch rau quả những trái bị sùng, sâu phải bỏ đi nhưng nay được tận dụng đem đốt cháy làm hàng lưu niệm, vật dụng trang trí trong nhà. Mỗi cọng rau, củ khoai đều có thể trở thành những sản phẩm giá trị", ông Thanh vui vẻ nói. Chia sẻ bí quyết làm hàng lưu niệm từ than củi, ông Thanh cho biết thêm: "Sau khi cho vật mẫu vào khuôn, cần điều chỉnh lửa vừa phải để vật mẫu chỉ bị cháy đen chứ không nứt vụn thành tro. Sau giai đoạn đốt cháy phải làm nguội mẫu vật kịp thời, thông thường từ 1 - 2 tiếng đồng hồ", lão nông Cao Thanh cho hay. Hàng lưu niệm từ than được ông Thanh bán với giá từ 10 - 25 ngàn đồng cho một sản phẩm. Ông cho biết du khách rất chuộng sản phẩm này bởi ngoài chức năng trang trí, sản phẩm từ than củi còn có chức năng hút ẩm. “Có thể cho vào tủ lạnh ở nhiệt độ bình thường để khử mùi, chống ẩm”, ông Thanh cho biết công dụng của mặt hàng trang trí đặc biệt này. Thuốc trừ sâu chế từ tỏi, ớt Giàn đậu gia đình ông Thanh sạch sâu bệnh nhờ sử dụng thuốc trừ sâu chế từ ớt, tỏi. Câu chuyện thử nghiệm thành công thuốc trừ sâu được chế từ tỏi, ớt... của nông dân thôn Khe Su, xã Lộc Trì cũng gây tò mò cho nhiều người. Đến tận "lò thí nghiệm" của họ, chúng tôi được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất loại thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường này như sau: Dùng cối giã vụn ớt, tỏi rồi ngâm qua đêm với hạt Neem(hạt một loại thảo mộc) trong dung dịch nước sạch. Sau đó lọc lấy nước đem phun như phun thuốc hóa học bình thường. Theo ông Lê Xuân Trường, một trong những nông dân thử nghiệm thuốc trừ sâu bệnh từ thảo mộc đầu tiên, có thể cho thêm một ít bột giặt nhằm tạo chất kết dính của dung dịch lên thân và lá cây. "Nếu là giống cây thuộc họ lá nhám thì không cần chất kết dính. khi pha chế có thể tăng giảm liều lượng các thành phần tùy theo từng loại sâu bệnh khác nhau", ông Trường bổ sung thêm. Dẫn chúng tôi đến góc bếp chứa đầy những can dung dịch đủ màu sắc, nông dân Trương Nguyên giải thích: "Thuốc trừ sâu từ tỏi ớt có thể sử dụng bất cứ lúc nào, tùy vào loại cây pha chế mà thuốc có màu sắc đặc trưng". Theo lời ông Nguyên thì kể từ khi được cán bộ ở vườn quốc gia Bạch Mã hướng dẫn công thức pha chế thuốc trừ sâu bệnh từ thực vật gia đình ông không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học như trước đây: "Ớt, tỏi, củ gừng mỗi thứ 500g, hai kí hạt Neem, 100g men rượu... pha đều cho 10 lít nước, chi phí chỉ khoảng vài chục nghìn đồng nhưng phun đủ cho cả mẫu rau, nếu mua thuốc hóa học ít nhất cũng vài trăm nghìn đồng”, ông Trương Nguyên nhẩm tính. Tuy chỉ mới đưa vào thử nghiệm nhưng hầu hết nông dân ở Khe Su đều hứng khởi áp dụng phương pháp bảo vệ cây trồng mới bởi hiệu quả như lời thôn trưởng Nguyễn Thám: 'Nhờ phương thuốc mới mà cây trái trong vườn không có một con sâu, khi bị phun dung dịch, sâu trở nên chán ăn rồi chết dần vài ngày sau đó. Thực phẩm không sợ gây nhiễm độc và có thể sử dụng ngay sau khi phun thuốc". Thân thiện với môi trường Sản phẩm hàng lưu niệm từ than củi, thuốc trừ sâu thực vật của những nông dân ở Phú Lộc có chung một đặc điểm là không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và dễ dàng thực hiện được. Là nông dân đầu tiên áp dụng thành công phương pháp chế tác hàng lưu niệm, trang trí từ tro than, ông Cao Thanh cho biết mỗi tháng gia đình ông thu nhập trên dưới 500 ngàn đồng từ công việc phụ thêm này. Theo ông chỉ cần khéo léo sắp xếp, những thứ bỏ đi sau khi nung cháy đều có thể trở thành chi tiết trang trí tạo nên sản pẩm lưu niệm có giá trị. "Đây là buồng cau bị chết héo ngoài vườn, cách đây mấy năm thường bị bỏ đi nhưng nay chỉ cần cho vào khuôn nung là có ngay một sản phẩm đẹp", ông Thanh giới thiệu kiệt tác “hoa cau” bằng than trên tay. Tương tự sản phẩm lưu niệm bằng than, những can thuốc sâu chế từ hoa lá là niềm tự hào của người dân Phú Lộc. Một khi được áp dụng rộng rãi dự kiến phương thuốc mới sẽ tiết kiệm cho người nông dân hàng trăm triệu đồng: "Sử dụng thuốc trừ sâu thực vật không phải lo sợ ngộ độc khi phun thuốc hay sử dụng rau quả, trong mùa vụ tới thôn sẽ phổ biến rộng rãi thuốc trừ sâu thực vật, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học nhằm bảo vệ môi trường, nhất là trong thời điểm ngày càng nhiều du khách về tham quan tại thắng cảnh vườn quốc gia Bạch Mã", trưởng thôn Nguyễn Thám cho hay. MAI LONG

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=6285&lang=vn&zone=6&zoneparent=0