Độc đáo phong tục cúng cơm mới của người Cơ Tu

Đã thành thông lệ, cứ tháng 10 (ÂL) hàng năm, trên nhiều ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ, khi những nương lúa ngả màu vàng óng cũng là lúc người Cơ Tu (H. Đông Giang, Quảng Nam) thu hoạch mùa vụ. Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi may mắn được một gia đình người Cơ Tu mời tham dự buổi cúng cơm lúa mới đầy độc đáo.

Gia đình ông A Lăng Man nằm ở khu vực ranh giới giữa hai xã Mà Cooih và Cà Dăng. Cà Đâu là địa danh thôn của xã Cà Dăng–nơi gia đình ông Man cư trú. Chúng tôi đến đây cũng vừa lúc mặt trời khuất núi. Mùa này, lúa trên rẫy đã bắt đầu chín. Để chuẩn bị cho lễ cúng lúa mới, trước đó gia đình ông Man lên rẫy xem khu vực nào lúa tốt, hạt chắc và chín vàng ươm thì tuốt lấy một gùi mang về. Trời mưa không phơi lúa được, gia đình ông nhóm bếp lửa cho lúa vào chảo rang. Sau 30 phút rang trên chảo, ông Man bốc một ít cho vào tay bóc thử lớp vỏ và nói: “Lúa khô rồi”. Từ chảo, ông Man đổ lúa vào cối cho người con gái giã liên hồi. Sau đó từng mẻ lúa lấy ra được vợ ông Man cho ra sàng sảy sạch sẽ. Thứ gạo mới vừa ra lò được cho vào nồi nấu cơm. Bên bếp lửa hồng, ông Man kể: Người Cơ Tu trồng lúa trên những ngọn núi cao, lúa rẫy mỗi năm chỉ được 1 vụ vì 5 tháng mới thu hoạch, vất vả lắm mới có cái ăn. Bao đời nay, cuộc sống của bà con dựa vào tự nhiên nên họ rất tin vào thần linh, đất trời và ông bà phù hộ. Họ quan niệm rằng, để có được hạt lúa, ngoài bàn tay cần cù của con người, luôn có đấng siêu nhiên giúp đỡ, do đó sau mỗi vụ mùa phải làm lễ tạ ơn. “Lễ cúng cơm mới đã được nối tiếp đời này đến đời khác. Cứ đến mùa thu hoạch, nhà nào cũng phải làm lễ, sau đó mới được ăn cơm mới. Dù có hết gạo cũng không được gặt lúa về ăn khi chưa cúng. Lễ cúng không thống nhất vào ngày nào, gia đình nào lúa chín trước thì cúng trước, chín sau cúng sau”, ông Man chia sẻ.

Ông A Lăng Man làm lễ cúng cơm mới.

Đồ ăn nấu chín, ông Man bày biện thành hai mâm để làm lễ cúng. Giữa gian chính ngôi nhà, phía trên tường treo ảnh thờ Bác Hồ, phía dưới ông Man đặt mâm hành lễ. Mâm trên gồm một con gà, hai chén cơm mới và một ít bánh kẹo, trà, nước ngọt, rượu. Mâm dưới gồm cá, thịt và một chén cơm gạo mới. “Tất cả những công việc, bày lễ vật do đàn ông phụ trách, đàn bà không được nhúng tay vào”- ông Man nói. Lúc này, miệng ông Man liên tục đọc bài cúng bằng tiếng Cơ Tu. “Những câu đó có nghĩa là tạ ơn thần linh, ông bà, núi rừng đã phù hộ cho gia đình có một vụ mùa bội thu. Nay lúa đã chín, gia đình tổ chức lễ vật, mời về ăn cơm mới. Đồng thời ông cầu mong mùa màng năm sau được bội thu, hạt trĩu bông, thóc đỡ lép. Con chim, con chuột, thú rừng không phá hoại nương lúa và gia đình không đau ốm”- ông Man giải thích khi chúng tôi hỏi. Sao lễ cúng lại bày hai mâm lễ vật? “Mâm có gà và cơm mới là dành cho đấng thần linh. Mâm có cá, thịt kho là dành cho ông bà. Mà người Cơ Tu tổ chức lễ cũng phải vào ban đêm. Bởi ban ngày ai cũng phải đi làm, phần nữa gạo khi đưa về nhà, phải rang cho khô, rồi giã, sau đó mới nấu nên tốn rất nhiều thời gian. Công việc xong xuôi đến khoảng 9 giờ tối rồi”, ông Man nói. Sau chừng 5 phút, lễ cúng đã xong, ông Man gọi vợ con dọn các mâm lễ vật ra tấm phản bên cạnh và mời chúng tôi cùng dùng bữa, lúc này trời đã về khuya.

Khi lúa đã khô, người giã lúa, người sàng lấy gạo nấu cúng cơm mới.

Nhâm nhi bữa cúng cơm mới bên ánh đèn cùng gia đình, ông Man cho biết, ngày trước, đến vụ thu hoạch, già làng sẽ triệu tập mọi người ra nhà Gươl. Sau đó cử một vài thanh niên lên từng ruộng lúa nương xem đã chín vàng thì cho thu hoạch. Đám thanh niên sẽ gặt một ít lúa mang về, gặp nắng thì phơi khô, không có nắng thì đỏ lửa rang khô rồi giã gạo để tổ chức lễ cúng cơm mới. “Lúc đó, lễ cúng rất tốn kém, phải có 1 con trâu, vài con lợn, gà và rượu cần. Chiêng, trống nổi liên hồi, người dân ca hát, nhảy múa suốt ngày đêm. Cúng xong ở nhà Gươl, các gia đình về nhà tổ chức cúng tiếp. Khi lễ hội kết thúc, có nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì phải mua sắm nhiều lễ vật tốn kém…Những năm gần đây, chính quyền tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ bớt những hủ tục rườm rà, tốn kém nên lễ cúng chỉ tổ chức trong diện hẹp, từng gia đình”, ông Man bộc bạch.

Bão Bình

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_158435_do-c-da-o-phong-tu-c-cu-ng-com-mo-i-cu-a-nguo-i-co.aspx