Độc đáo lễ hội Tháp bà Ponagar

Hàng ngàn du khách về dự lễ. KTNT - Như thường lệ, sáng 11/4 (tức 21/3 AL), Lễ hội tháp Bà Ponagar (TP. Nha Trang - Khánh Hòa) chính thức khai mạc và kéo dài đến hết ngày 23/3.

Hàng ngàn du khách về dự lễ.

KTNT - Như thường lệ, sáng 11/4 (tức 21/3 AL), Lễ hội tháp Bà Ponagar (TP. Nha Trang - Khánh Hòa) chính thức khai mạc và kéo dài đến hết ngày 23/3.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội sẽ có các hoạt động chính như: Lễ thay xiêm y thánh mẫu, lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an, lễ khai hội, lễ tạ Mẫu, hát tuồng, chầu văn, múa Chăm… Đây là một trong những lễ hội quốc gia và là lễ hội có tính chất tôn giáo lớn nhất ở khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên của cộng đồng người Chăm và một bộ phận không nhỏ người Việt. Lễ hội năm nay có 120 đoàn khách từ các tỉnh từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… hành hương về. Thêm vào đó là hàng chục ngàn du khách từ khắp nơi đến tham dự.

“Cầu cho quốc thái dân an” - Được xem là điểm nhấn quan trọng nhất của lễ hội năm nay. Ông Y Đang Sính, người có gần 10 năm dẫn đoàn người Chăm hành hương từ Ninh Thuận ra khẳng định rằng: “Người Chăm hay người Việt thì cũng luôn cầu mong cuộc sống bình yên, làm ăn suôn sẻ”.

Trang trọng dâng hoa lên thánh mẫu Y Ana.

Tháp Bà Poganar thờ nữ thần Poinư Nagar (Nữ thần xứ sở, phiên ra cách gọi của người Kinh là thần Y Ana), người đã có nhiều công lao giúp dân, đem lại những điều tốt lành và hạnh phúc cho mọi người. Theo truyền thuyết kể lại, bà Y Ana đã lặn lội đi khắp các xứ sở từ Bình Thuận đến Huế để tìm giống cây tốt mang về dạy cho dân biết trồng trọt hai bên bờ sông Cái để từ đó có cuộc sống ấm no, dạy cho dân biết dệt vải để có quần áo mặc và đổi lấy nhiều vật dụng khác. Nhớ ơn bà, hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội dâng lên bà những thành quả trong lao động sản xuất, những lời ca, tiếng hát, điệu múa cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Mở đầu cho lễ hội, những người con ưu tú của tộc người Chăm sẽ được lựa chọn làm người tắm và thay sim y cho thánh mẫu Y Ana. Tiếp sau đó, trên nền của tiếng khèn Saranai trong trẻo, sự hòa quyện của tiếng trống ghi-năng vui nhộn các thiếu nữ Chăm sẽ khiến du khách đắm say trong điệu múa Apsara, rồi đến điệu bến nước tình yêu, điệu tình ca làng goòng... Tiếp đến là những điệu chầu văn, điệu tuồng được hát theo giọng điệu Chăm.

Trong khuôn khổ lễ hội người xem còn được thưởng thức bàn tay điêu luyện và tài hoa của các phụ nữ Chăm thông qua việc làm gốm và dệt thổ cẩm. Một điểm nhấn nữa của lễ hội đó là Lễ thả hoa đăng. Gần 10.000 chiếc đèn hoa đăng sẽ được thả trên sông Cái với ước nguyện cầu siêu cho những liệt sĩ từng chiến đấu ở đây cũng như nhiều ngư dân vì mưu sinh đã nằm lại trên dòng sông. Đến lễ hội, người xem còn được thưởng lãm một kiến trúc tuyệt mỹ của người Chăm xưa thông qua những nét khắc chạm của Tháp bà Ponagar. Tổng thể kiến trúc của tháp gồm có 3 tầng, ở tầng trệt là ngôi tháp cổng, tiến lên khoảng 200 bậc thang bằng đá là tầng tháp giữa, ngự trên đỉnh của một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 60m là tầng tháp chính. Tháp Bà Ponagar là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm từ thế kỷ XIII. Và, cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu được người Chăm đã làm cách nào để những viên gạch với kích cỡ 25x30cm cứ chồng khít lên nhau mà không cần bất kỳ một chất kết dính nào. Đó là nét độc đáo khiến du khách thêm phần yêu thích ngôi đền tháp này.

Hà Văn Đạo

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/vanhoa/2012/4/33557.html