Độc đáo lễ hội tái hiện lễ xuất quân của Triệu Quang Phục

Với mục đích tái hiện lại lễ xuất quân nên các nghi thức trong lễ hội chạy ngựa tre đều gợi nhắc tới các hoạt động của một đội quân chuẩn bị ra trận.

Lễ hội tẩu mã (hay còn gọi là lễ hội chạy ngựa tre) được tổ chức vào ngày 25 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại đình làng Yên Trạch (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam). (Ảnh: Phương Phạm/ Vietnam+)

Ngày 21/2 (tức 25 tháng Giêng Âm lịch), nhân dân thôn Yên Trạch (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) đã tưng bừng tổ chức lễ hội chạy ngựa tre truyền thống.

Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham gia.

Tưởng nhớ công lao chống giặc ngoại xâm

Ông Phạm Xuân Giáng, một bậc cao niên trong thôn cho biết, từ nhiều đời nay, nhân dân địa phương vẫn truyền tai nhau câu chuyện về Triệu Việt Vương.

Theo thần tích còn lưu lại đình, Triệu Việt Vương có tên húy là Triệu Quang Phục. Ông là một vị tướng tài của Lý Nam Đế, có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương (Trung Quốc). Sau khi Lý Nam Đế qua đời, Triệu Quang Phục xưng vương.

Năm 571, ông bị Lý Phật Tử (con cháu thuộc dòng họ Lý Nam Đế) đánh úp. Triệu Việt Vương đưa gia thất, binh lính chạy về phía Nam. Tuy nhiên, quân của Triệu Việt Vương đi tới đâu cũng bị quân của Lý Phật Tử đuổi sát gót. Đến cửa biển Đại Nha (nay là cửa sông Đáy), ông trầm mình tự vẫn.

Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao của Triệu Quang Phục trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương . (Ảnh: Phương Pham/Vietnam+)

Trong thời loạn lạc, có 20 người thuộc tám dòng họ (Đào, Trịnh, Lê, Nguyễn, Trần, Ngô, Tống, Trương) đã từ Dạ Trạch (Hưng Yên) đã về khai khẩn vùng đất thuộc phủ Nam Xang (nay là địa phận ba thôn Yên Trạch, Đọ, Nội Chuối - xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam), lập ấp An Triển.

Sau đó, nơi này được đổi tên thành Yên Trạch. Nhân dân trong vùng đã thờ Triệu Việt Vương (vị nhân thần lập thân, lập nghiệp từ vùng đất Dạ Trạch) làm Thành hoàng làng.

Lễ hội chạy ngựa tre (hay còn gọi là lễ hội tẩu mã) diễn ra ngày 25 tháng Giêng Âm lịch hàng năm nhằm tái hiện lại lễ xuất quân của Triệu Việt Vương, tưởng nhớ công lao và khí phách của ông trong cuộc đấu chống quân xâm lược nhà Lương.

Tái hiện khí thế ngày ra trận

Ông Đỗ Đức Định - Phó trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, với mục đích tái hiện lại lễ xuất quân nên các nghi thức trong lễ hội chạy ngựa tre đều gợi nhắc tới các hoạt động của một đội quân chuẩn bị ra trận.

Những lễ vật không thể thiếu. (Ảnh: Phương Phạm/Vietnam+)

“Đây là lễ hội lớn, quan trọng trong năm nên công tác chuẩn bị được tiến hành từ cả tháng ngày mở hội. Việc đặt cỗ ngựa, chuẩn bị gạo nếp, cốm, đường… đều phải rất chu đáo, kỹ lưỡng,” ông Đỗ Đức Định nói.

Ngày 10 tháng Giêng, thôn làm lễ vào đám, phân chia công việc cụ thể cho các cá nhân, gia đình.

Các bậc cao niên sẽ đặt làm ba cỗ ngựa (đan bằng tre hoặc nứa) có kích thước lớn, dán giấy màu đỏ, vàng và trắng. Cỗ ngựa vàng tượng trưng cho ngựa của Triệu Quang Phục. Hai cỗ ngựa còn lại tượng trưng cho ngựa của Tả tướng quân và Hữu tướng quân.

Ngày 21, 22 tháng Giêng, nhân dân địa phương chuẩn bị đồ lễ với những lễ vật bắt buộc như: các loại bánh (tượng trưng cho lương thực của quân lính Triệu Việt Vương: bánh dày, bánh cốm...), các loại vũ khí của quân lính (đạn thần công làm bằng gạo nếp, con quăng - các tấm mía dài được bó thành từng bó...).

Đến ngày 24 tháng Giêng, ngựa được rước về đình làng Yên Trạch để tế lễ. Mỗi cỗ ngựa sẽ có ba thanh niên rước (hai người khiêng chính, một người phụ cầm roi). Những thanh niên được chọn rước ngựa đều phải là những người khỏe mạnh, gia đình không có tang.

Ngựa vàng tượng trưng cho ngựa của Triệu Quang Phục trong lễ xuất quân. (Ảnh: Phương Phạm/Vietnam+)

Ngày 25 tháng giêng, đúng chính ngọ (12 giờ) lễ tẩu mã chính thức diễn ra. Các thanh niên rước ngựa sẽ chạy theo cờ hiệu theo thứ tự: đầu tiên là ngựa đỏ, tiếp theo là ngựa vàng và say cùng là ngựa trắng.

Theo sau là đội kỵ mã, đội cờ… Ba cỗ ngựa sau khi chạy ba vòng quanh đình sẽ được chạy tiếp ra ba vòng quanh hồ theo nhịp trống rồi lần lượt lao xuống hồ nước.

Kết nối những người con xa quê

Lễ hội chạy ngựa tre Yên Trạch không chỉ tái hiện lại khí phách hào hùng của Triệu Việt Vương mà còn là dịp để gắn kết những người con xa quê đang sinh sống và làm việc ở mọi miền trên đất nước.

Theo ghi nhận của phóng viên, khá đông người con Yên Trạch hiện đang học tập, làm việc ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh) đã về trẩy hội.

Kết thúc lễ hội, ba cỗ ngựa sẽ được lao xuống hồ nước. (Ảnh: Phương Phạm/Vietnam+)

Anh Đoàn Tiến Hưng (hiện đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Lễ hội chạy ngựa tre Yên Trạch là điểm tựa để mỗi người con xa quê như chúng tôi được gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm cũng như tập hợp và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tôi mong rằng địa phương sẽ duy trì và mở rộng hơn nữa, để thu hút đông đảo những người con xa quê trở về nguồn cội.”

Có cùng suy nghĩ trê, anh Trần Xuân Trường (hiện đang làm việc tại Hà Nội) cho biết: “Hội làng cả năm mới có một lần. Bởi thế, tôi rất háo hức mỗi lần đến dịp này. Tôi đã xin nghỉ hai ngày để về tham dự lễ hội. Đây không chỉ là việc về lễ đình, cầu mong cho một năm gặp nhiều may mắn mà còn là dịp gặp gỡ bạn bè, người thân từ mọi miền trên đất nước về trẩy hội”./.

Phương Phạm (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doc-dao-le-hoi-tai-hien-le-xuat-quan-cua-trieu-quang-phuc/432049.vnp