Độc đáo Khai hội đền Đồng Bằng tại Thái Bình

Thông lệ hằng năm, cứ vào 20/8 Âm lịch, lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng được khai mở. Nhằm khơi dậy truyền thống văn hóa cổ truyền của dân tộc, đồng thời lựa chọn kế thừa và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Ngày 20/9, tại xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, UBND xã An Lễ đã khai hội đền Đồng Bằng năm 2016. Đây là lễ hội tứ phủ lớn trong vùng, là dịp tập hợp lớn nhất của các ông đồng, bà cốt từ khắp mọi miền về tụ hội; lễ hội diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 20/9 đến ngày 26/9 (tức 20/8 đến 26/8 Âm lịch), nhằm khơi dậy truyền thống văn hóa cổ truyền của dân tộc, đồng thời lựa chọn kế thừa và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; giáo dục cho thế hệ trẻ hướng về cội nguồn dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bẳn sắc dân tộc; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của du khách thập phương khi đến đây chiêm bái, vãn cảnh.

Thông lệ hằng năm, cứ vào 20/8 Âm lịch, lễ hội truyền thống đền Đồng Bằng được mở. Trong ngày khai hội, ở phần Lễ, du khách sẽ được tham dự lễ rước khai hội với quy mô hàng chục kiệu và hàng trăm bát biểu, chắp kính thu hút đông đảo dân thôn, bản hạt tham gia rước kiệu.

Tại đây du khách sẽ được chứng kiến những hoạt động tín ngưỡng nhằm bày tỏ thành kính đến các bậc “khai quốc công thần”; hòa mình vào các sinh hoạt tín ngưỡng cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị.

Trong phần Hội các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ tướng, kéo co, cờ tướng… cũng được tổ chức... Đặc biệt, hai hoạt động thể thao dân gian đặc sắc lưu truyền từ ngàn xưa là đấu vật, bơi chải mô phỏng lại cảnh rèn binh, luyện tướng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhà Trần cũng được tái hiện lại…

Theo ông Đinh Văn Thuẫn, Chỉ tịch UBND xã An Lễ, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết: Để lễ hội đảm bảo đúng tính chất lễ hội truyền thống, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chính quyền địa phương đã thành lập 7 tiểu ban đảm nhận các công việc an ninh trật tự; trông coi xe, an toàn vệ sinh thực phẩm; phân luồng giao thông; phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường nội tự, cảnh quan xung quanh đền; hướng dẫn du khách tham quan, chiêm bái; Đảm bảo an toàn cho du khách và người tham gia các trò chơi; không để xảy ra hiện tượng chặt chém, chèo kéo khách trong dịp lễ…

Đua thuyền trong hội đền Đồng Bằng.

Đua thuyền trong hội đền Đồng Bằng.

Đền Đồng Bằng (xã An Lễ, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) là nơi thờ Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình, người có công lớn trong việc bình thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai. Đền Đồng Bằng là di tích kiến trúc có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật gỗ, tọa lạc bên dòng sông cổ Mai Diêm thơ mộng thuộc trang Đào Động, tổng Vọng Lỗ, huyện Phụ Phượng (nay là làng Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ).

Ban đầu đền Đồng Bằng có quy mô là ngôi miếu nhỏ, tới thời Tiền Lê, đền được xây dựng đồ sộ, uy linh, mở rộng thành 5 cung và 4 ban thờ hoành tráng, được liệt vào “Tứ cố cảnh”. Qua thời gian, giặc giã, tới nay, mặt bằng di tích bị thu hẹp song đền vẫn còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí có giá trị, như: các bài vị đời nhà Lê tiến cúng; cuốn thư, hoành phi, câu đối, đại tự từ thời Khải Định… Quần thể di tích Đền Đồng Bằng bao gồm đền Đức Vua (đền chính), đền quan Điều Thất, quan Đệ Tam, đền Sinh, đền quan Đệ Nhất, quan đệ Nhị, quan Đệ Tam, Đệ Bát... Đền có sắc phong: Tam Kỳ Linh Ứng Vĩnh Công Đại Vương Thượng Đẳng Thần (vào đời Vua Hùng thứ 18)…

Đền Đồng Bằng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) cấp Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986./.

P.T

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/doc-dao-khai-hoi-den-dong-bang-tai-thai-binh-d24684.html