Độc đáo gốm hoa nâu thời Lý - Trần

(HNM) - Nếu lập một danh sách những di sản văn hóa vật thể mang tính bản địa riêng của Việt Nam, không tìm thấy ở bất kỳ nước nào khác, chắc chắn trong đó sẽ phải nhắc đến gốm hoa nâu thời Lý - Trần, thế kỷ XI-XIV.

Thạp và chậu gốm hoa nâu thời Trần khai quật tại Hoàng thành Thăng Long. Những dây hoa cúc, hoa sen cách điệu, phóng khoáng, mềm mại được tô men nâu nổi bật trên nền trắng ngà đã trở thành đặc điểm riêng không trộn lẫn của dòng gốm hoa nâu. Ngay từ khi mới ra đời ở Thăng Long, gốm hoa nâu đã xuất trình một kỹ thuật riêng khá đặc thù: Kỹ thuật cạo xương gốm khi mới phủ men nền để tạo đồ án trang trí, sau đó người thợ gốm dùng bút lông vẽ hoa văn màu nâu trên phần được cạo ấy. Điều đó đưa đến một khoảng chênh sắc, giữa men nền - màu trắng ngà với hoa văn màu nâu đỏ. Bấy lâu nay, giới nghiên cứu gốm và mỹ thuật Việt Nam thường tôn vinh gốm hoa nâu, như một yếu tố đặc trưng riêng của Việt Nam, góp mặt để tạo nên một truyền thống riêng biệt của gốm men Việt Nam. Truyền thống riêng biệt ấy ngày càng được nhận ra một cách sâu sắc và trọn vẹn hơn, qua những nghiên cứu trong nhiều năm các hiện vật gốm lưu giữ tại các bảo tàng, các cuộc khai quật khảo cổ và các bộ sưu tập tư nhân. Và càng ý nghĩa hơn nữa khi cuộc khai quật tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long cuối năm 2003 đã làm xuất lộ thêm chiếc thạp lớn có nắp trang trí hoa sen và chiếc chậu trang trí hình bốn con chim đang đi kiếm mồi trong bốn tư thế khác nhau, xen giữa là cành lá sen và hoa sen nhỏ được chạm khắc với đường nét rất sống động. Một lần nữa gốm hoa nâu xuất hiện như một dấu ấn nghệ thuật đẹp và đậm nét giữa các địa tầng văn hóa, trong dòng chảy lịch sử xuyên suốt của gốm Việt. Đa số sản phẩm gốm hoa nâu còn lại đến nay là liễn, thạp, âu, với kích thước khá lớn. Ngoài ra còn có ấm, bát, đĩa, và một số tượng nhỏ tô nâu mang hình động vật như vẹt, sư tử, nghê, voi... Trên đồ gốm đất nung trước Lý - Trần, phần lớn hoa văn là các hình hình học: răng lược, ô vuông, nan thúng, tổ ong, quả trám, đường chỉ chìm hay nổi, làn sóng... Cũng đã có một vài mẫu hoa văn lá, hết sức đơn giản, không chứa nội dung chủ đề rõ rệt. Đến gốm hoa nâu Lý - Trần, nội dung hoa văn trở nên hết sức phong phú, gần gũi hiện thực, phần nào phản ánh được thiên nhiên và con người trong cuộc sống. Hoa sen, hoa súng là hình tượng được sử dụng một cách khá phổ biến trong nhiều bố cục trang trí khác nhau, có hoa uốn lượn trên sóng nước, có khi nhiều hoa mọc lên thể hiện bằng những cách nhìn nghiêng với số cánh ít ỏi, nhưng đủ để nói lên đặc điểm của mình. Hoa cúc được kết lại với nhau thành từng dây, có phần gần gũi với những mảng chạm cùng mô típ trên đá và đất nung cùng thời, tuy giản dị hơn. Các con vật lông vũ thường gặp nhất trên gốm hoa nâu là cò, thước, công. Chúng hiện lên sinh động, hình dáng thực khái quát, mà vẫn nói lên được tính cách của từng loài. Có khi chim được bố cục thành từng mô típ riêng, nhưng cũng có trường hợp chúng nối đuôi nhau, mỗi con một vẻ, mỗi con một động tác, con cúi, con mổ, con ngậm mồi, con ngẩng đầu bước đi. Loài vật ở dưới nước có cá chép, cá mương, tôm... Những con cá nối đuôi nhau bơi lội trong các ô trang trí càng sinh động sau lớp men nâu chảy nhòe. Trên thạp và liễn, ta còn gặp những cảnh voi đuổi hổ, và hổ đuổi nhau rất ngộ nghĩnh. Sóng nước trên gốm hoa nâu được sử dụng nhiều. Các họa tiết trên gốm hoa nâu thể hiện những chủ đề thân thuộc với người Việt. Đây là hình ảnh của cuộc sống hàng ngày, mà người thợ gốm thời Lý - Trần đã thuộc lòng. Cho nên, khi vẽ lên mặt gốm, họ không hề sao chép vụng về những hình mẫu có sẵn, trái lại, cứ dựa trên những gì đã đọng lại trong ký ức và tâm khảm, lấy cảm hứng từ đất mà cố bắt cái thần của sự vật bằng những nét điển hình, chọn lọc hết sức tiết kiệm. Những lá, hoa, chim muông hiện lên đầy sức sống, rất thực nhưng lại là những họa tiết hoàn chỉnh vì đã được chắt lọc. Chính vì "cảm thụ" chứ không thuần "miêu tả", mà dưới ngòi bút của họ, hình tượng thật sống động, tuy hiện lên dưới dạng cách điệu hóa, với tính trang trí cao. Tác động tương hỗ giữa nét chìm và màu nâu là đặc điểm riêng biệt của gốm hoa nâu thời Lý - Trần. Nghệ thuật tạo hoa văn và kỹ thuật tạo tác gốm đầy sáng tạo của cư dân Đại Việt đã mang lại tính bản địa độc đáo của gốm hoa nâu thời Lý - Trần. Nguyễn Thu Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/43/226881/