Doanh nhân Việt Nam và sứ mệnh chấn hưng nền kinh tế quốc gia

Trong bức thư đề ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các “giới công thương Việt Nam”, Bác đã khẳng định: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng" .

Lần đầu tiên trong lịch sử, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã chủ trương: "Coi trọng vai trò của các doanh nhân trong phát triển kinh tế- xã hội. Hoàn thiện khung pháp lý chung để các nhà doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất- kinh doanh" . Ở thời điểm đó, doanh nhân được Đảng ta xếp vị trí thứ tám trong kết cấu giai tầng xã hội (sau công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi). Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, doanh nhân được đưa lên vị trí thứ tư (sau công nhân, nông dân và trí thức). Việc Đảng ta đưa doanh nhân lại gần hơn với vị trí của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức cũng phần nào chứng tỏ rằng, tầng lớp doanh nhân Việt Nam đã và đang trở thành một trong những lực lượng có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Lễ trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2016

Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội hiến định vị trí, vai trò của doanh nhân một cách tương xứng với những đóng góp của “lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế” vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khoản 3 Điều 51 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa” . Qua những chủ trương đột phá trên, tầng lớp doanh nhân Việt Nam có thêm niềm tin mãnh liệt để tham gia mạnh mẽ hơn vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội cùng các giai tầng khác trong kết cấu xã hội- giai cấp. Chính trị và kinh doanh là hai lĩnh vực có tính chất nghề nghiệp khác nhau. Nếu ở lĩnh vực kinh doanh, doanh nhân cần có tố chất mạo hiểm, sẵn sàng gánh chịu mọi rủi ro, thì đối với lĩnh vực chính trị, mạo hiểm không phải là tố chất cần có của những người đại diện. Có quan điểm cho rằng, nếu doanh nhân là đại biểu quốc hội thì công tư sẽ không rõ ràng. Tuy nhiên theo qui định, trong tất cả các tiêu chuẩn của đại biểu quốc hội, hoàn toàn không có tiêu chuẩn nào hạn chế về quyền của người tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Trong số những trường hợp không được ứng cử đại biểu quốc hội, không có trường hợp nào là người tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Hầu hết doanh nhân tham gia vào Quốc hội đều mong muốn đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Không ít doanh nhân khi chuyển sang làm chính trị đã phát huy tốt kinh nghiệm thực tiễn của mình trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng, hoạt động kinh tế- chính trị- văn hóa- xã hội nói chung. Đánh giá vị trí, vai trò của một lực lượng xã hội, không thể không căn cứ vào những đóng góp của họ vào nền kinh tế quốc dân trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa yếu tố kinh tế, có thể dẫn đến xu hướng “đồng tiền làm chính trị”. Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ có doanh nhân. Hơn nữa, hội nhập càng mạnh thì doanh nhân càng không thể hoạt động đơn lẻ. Sức ép cạnh tranh càng lớn thì tiếng nói của các hiệp hội- đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân càng quan trọng và thường có “trọng lượng” hơn so với tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân đơn lẻ. Thực tế cho thấy, qua quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh Hải quan và mới đây nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì rõ ràng, vai trò của các hiệp hội được các quốc gia phát triển chú trọng hơn nhiều. Trong lĩnh vực xuất khẩu thủy, hải sản, một doanh nghiệp dù lớn cỡ nào cũng không thể “đấu” lại Hiệp hội cá da trơn của Mỹ được mà phải thông qua Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Mặt khác, càng hội nhập mạnh thì doanh nghiệp càng phải liên kết nhau lại, mà trước hết là phải liên kết thông qua hiệp hội mới đúng tính chất của một nền kinh tế mở mà chúng ta đã cam kết khi hội nhập kinh tế quốc tế. Cũng không nên câu nệ chỉ doanh nhân mới đại diện tốt cho doanh nhân. Chúng ta đã qua thời kỳ một đại biểu quốc hội là doanh nhân lấy ví dụ từ doanh nghiệp mình ra để phát biểu, để tham gia hoạch định chính sách, pháp luật. Cần phát triển lên một cấp độ mới: ý kiến của đại biểu quốc hội đại diện cho doanh nghiệp phải được tổng hợp từ ý kiến, nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp. Để tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đến được với cơ quan lập pháp tối cao thì điều quan trọng cũng không phải là nhiều hay ít doanh nhân gia nhập Quốc hội mà là ở vị thế, vai trò, chất lượng hoạt động của đại biểu đó như thế nào. Chủ trương thay đổi số lượng, cơ cấu nhân sự trong Quốc hội cho phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước là tất yếu. Chủ trương hạn chế đại biểu là cá thể doanh nhân và gia tăng đại biểu đại diện hiệp hội, ngành nghề là hợp lý trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Đây cũng là thông điệp để thúc đẩy tầng lớp doanh nhân Việt Nam tăng cường liên kết trong các tổ chức để phát huy vai trò xung kích cũng như sức mạnh tổng hợp.Tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển của kinh tế đất nước”, diễn ra ngày 29/4 vừa qua, khẳng định “Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ vào nền kinh tế, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam: Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập, tạo nên niềm tự hào “Made in Việt Nam”. Doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số doanh nghiệp an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, “không sớm nắng chiều mưa về chính sách”… Doanh nhân Việt Nam- một trong những lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò chính trị của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc đề cử những đại biểu doanh nhân có “tâm” và “tầm” vào cơ quan Quốc hội là cần thiết. Xã hội không những đã coi trọng, tôn vinh các doanh nhân tiêu biểu mà còn đang đòi hỏi họ phải có những đóng góp ngày càng rõ nét hơn nữa trong hoạt động lập pháp cũng như hoạch định chính sách vĩ mô. Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã trải qua 30 năm và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cùng với chủ trương hội nhập ngày càng sâu rộng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những bước ngoặt, đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp, tầng lớp doanh nhân Việt Nam cả những thời cơ và thách thức to lớn. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng tầng lớp doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được tin tưởng và cổ vũ đúng đắn, cùng với ý thức và tinh thần tự tôn dân tộc, tầng lớp doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng thực hiện tốt hơn sứ mệnh mà toàn dân tộc giao phó trong việc hoạch định chủ trương, chính sách, góp phần chấn hưng nền kinh tế quốc gia./

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khang-dinh-vi-tri-chinh-tri-cua-doanh-nhan-viet-nam-252197.html