Doanh nhân Lê Hoài Anh: Bao giờ chúng ta bỏ được thói quen ăn nhiều và ăn bẩn?

Doanh nhân Lê Hoài Anh cho rằng, nhiều người Việt vẫn có thói quen ăn nhiều, và chấp nhận ăn cả những thực phẩm mà họ biết là không sạch.

Doanh nhân Lê Hoài Anh

LTS: Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn thực phẩm bẩn đã được đề cập đến rất nhiều khía cạnh: Nhiều người thu nhập thấp không đủ tiền mua thực phẩm sạch; vẫn còn nhiều người thiếu lương tâm khi kinh doanh thực phẩm; sự vào cuộc chưa hiệu quả của các cơ quan kiểm soát; thiếu chỉ dẫn minh bạch xuất xứ nguồn gốc thực phẩm. Ý kiến dưới đây của một doanh nhân đề cập đến một khía cạnh khác: Sự tặc lưỡi và ham rẻ của một bộ phận người tiêu dùng.

Đến khi nào chúng ta từ bỏ việc "rẻ thì cố ăn cho nhiều"?

Gần như một thói quen cố hữu của dân ta là cứ thấy rẻ thì mua cho nhiều. Mua cho nhiều thì phải ăn cho hết. Mua nhiều mà không biết mình mua phải cái gì và ăn nhiều cũng không biết mình đang ăn cái gì.

Mọi vấn đề bắt đầu từ đó.

Ừ, thì thịt bò rẻ - mua luôn cả ký; rau rẻ: mua cho thật nhiều. Bột nêm, nước mắm, nước tương và bao thứ khác mùa khuyến mãi: mua hàng lô hàng lốc.

Rồi thì sao? Mua thì phải ăn. Thịt bò không ăn kịp sẽ hỏng. Rau không ăn sẽ thối. Bột nêm, nước mắm và các thứ "khuyến mãi" khác, không ăn thì nó hết date. Cứ thế, một cuộc chạy đua giữa mua và ăn. Mua rẻ và ăn nhiều.

Mà họ chẳng hay: Thịt bò rẻ có thể đó là thịt heo thối dùng phù phép tẩm ướp hóa chất thành thịt bò. Rau thì phun đủ thứ. Rẻ thì khó mà an toàn? Chẳng phải là chân lý nhưng điều này đã được kiểm chứng bằng thực tế.

Trước đây tôi không nghĩ nhiều đến vấn nạn thực phẩm bẩn nhưng 3 năm qua, mỗi ngày tôi thấy những cái tin kiểu xe này chở hàng loạt tấn nội tạng thối, xe kia chở hàng loạt thức ăn tẩm ướp hóa chất bị bắt, mà tôi cứ ớn lạnh.

Đấy là những gì bị bắt giữ. Còn những gì lẩn thoát trôi nổi ra các chợ kia kìa, chẳng ai có thể biết được nó từ đâu tới và nó sẽ đưa chúng ta tới đâu. Như có người đã từng ví, con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn là vậy.

Chẳng phải nói ra để hù dọa gì nhau. Nhiều người biết đấy chứ nhưng họ vẫn quan điểm: thà chết vì no còn hơn chết vì đói. Tức là biết nhưng vẫn ăn. Và cứ thế, ăn không cần suy nghĩ.

Chết được ngay thì chẳng nói làm gì. Hóa chất độc hại, thực phẩm hôi thối nó không làm cho con người chết ngay mà chết dần chết mòn, thối dần thối mòn. Bệnh thì chữa, chữa thì tiền. Vừa đau đớn thể xác người bệnh, vừa kiệt quệ kinh tế gia đình.

Tất cả, đều như tôi nói, là do thói quen ăn và cách nghĩ quá đơn giản về thực phẩm. Đáng tiếc là, thực phẩm ngày nay, xin bạn đừng nghĩ đơn giản.

Vâng, thói quen đó thật nguy hại và trong tình cảnh người ta đầu độc nhau như thế này, thì chỉ có con đường hạn chế sự đau thương nhất cho chúng ta là cách ăn như thế nào, chứ không phải là ăn gì.

Ăn ít lại, và ăn cho sạch, làm ơn!

Mỹ Linh nói đúng, làm thực phẩm sạch thì giá không hề rẻ. Bạn đừng tự ái rằng cô ấy nói thế là khinh thường người nghèo. Thực tế, thực phẩm sạch thì không thể rẻ, từ rau tới thịt, cá và thậm chí cả đồ đóng hộp.

Không rẻ không có nghĩa là chỉ có người giàu mới được quyền ăn mà người nghèo thì không được quyền ăn. Bản thân tôi, một người cũng có thu nhập, cũng coi trọng việc ăn uống như thế nào để giữ sức khỏe và giữ...mạng sống của mình, thì thấy rằng, ăn sạch mà ít, quan trọng hơn ăn nhiều.

Thời này là thời của việc hạn chế ăn uống. Ăn nhiều - dù đồ ăn có sạch cũng không phải là tốt, nói gì đến ăn nhiều mà đồ ăn lại bẩn?

Ăn nhiều cũng sinh ra lắm bệnh tật. Béo phì, tiểu đường, máu nhiễm mỡ, huyết áp..., thôi thì đủ thứ. Nhất là trong cái thời buổi ít vận động do tính chất công việc phải ngồi nhiều như hiện tại.

Hãy nói không với đồ ăn rẻ mà không rõ nguồn gốc. Bạn không mua thì bản thân kẻ bán cũng tự "phá sản". Ngược lại, bạn mua nhiều ăn lắm, bạn giúp cho thực phẩm bẩn cứ thế đi vào dạ dày bạn và đồng loại nhiều hơn. Và giá phải trả thì không hề rẻ một chút nào.

Tôi khuyên bạn, thật lòng, nên bỏ thói quen ham mua rẻ, và ăn cố. Ăn ít, mà ăn sạch (dù biết hiện tại khái niệm thế nào là sạch cũng hơi mơ hồ), vẫn là cách giúp và người thân hay nhất trong việc phòng ngừa các bệnh nguy hại do thực phẩm mang lại.

Nhà tôi có trồng rau. Đúng là không rẻ nhưng không phải là đắt. Các nguồn rau tự trồng đã cung cấp rau chính cho gia đình tôi. Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể tự trồng rau và chắc chắn rau mình tự trồng thì ít có lý do để bẩn.

Việc đó không làm bạn mất nhiều thời gian đâu, mà lại rất hiệu quả trong việc có được nguồn thức ăn sạch cho mình và gia đình.

Lê Hoài Anh, Chủ tịch HAL Group, là một nữ doanh nhân nổi tiếng trên thương trường và được biết nhiều nhất là một "bà trùm" của ngành mỹ phẩm và trang sức ở Việt Nam.

Bà cũng được biết đến là một trong những doanh nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng một cách thầm lặng, đã xây nhiều trường học cho đồng bào miền Trung cùng những hỗ trợ đặc biệt và thiết thực cho những mảnh đời bất hạnh ở Việt Nam.

Hãy đồng hành cùng người kinh doanh chân chính

Nhân tiện nói về thức ăn sạch, thực sự, giờ đây, vào siêu thị mua đồ ăn chưa chắc đã sạch. Rất nhiều vụ bị phanh phui nhưng một số siêu thị cũng có nguồn thức ăn đảm bảo.

Thực tế, vấn nạn thực phẩm bẩn không chỉ tàn phá sức khỏe của người dân mà góp phần giết chết những người kinh doanh thực phẩm chân chính.

Tôi biết rất nhiều người, cũng tham vọng mở các cửa hàng thức ăn sạch. Họ khá lao đao trong kinh doanh vì về giá, họ không bao giờ cạnh tranh nổi với thực phẩm trôi nổi ngoài thị trường.

Nhưng nguy hại hơn, giờ sạch bẩn lẫn lộn, niềm tin người tiêu dùng biến mất, chẳng ai còn niềm tin nhiều để tin rằng, những đồ mà những người tử tế kia bán, là sạch.

Tôi nghĩ, việc giúp người dân thay đổi thói quen về ăn uống qua việc truyền thông, thì việc nhà nước tạo cơ hội cho những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch có cơ hội kinh doanh, có đất sống, thì mới có thể cải thiện phần nào vấn nạn thực phẩm bẩn đang hoành hành và hủy hoại đồng bào như hiện nay.

Tạo cho họ những hành lang thông thoáng trong kinh doanh, cùng với họ kinh doanh bằng trách nhiệm với cộng đồng là trên hết. Hãy đồng hành và khuyến khích để những người kinh doanh chân chính không cảm thấy cô đơn, không cảm thấy mỏi mệt. Và, không bỏ cuộc.

Chúng ta không thể ở Việt Nam mà cứ ước, cứ giá như mình được ăn sạch như ở Âu, Mỹ. Chúng ta phải xây, chúng ta phải làm, vì không chỉ làm cho chúng ta mà cho các thế hệ con cháu sau này nữa.

Bởi, một đất nước khỏe mạnh, nó được bắt đầu bởi những người dân khỏe mạnh, theo đúng nghĩa thật nhất của nó.

Theo Trithuctre

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/suc-khoe/doanh-nhan-le-hoai-anh-bao-gio-chung-ta-bo-duoc-thoi-quen-an-nhieu-va-an-ban-110369/