Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn: Hãnh diện là công dân Việt Nam

Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Cty TNHH Xuất Nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Imex Pan-Pacific/IPP), doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên IPP đã vinh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng Ba.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng Ba Từng du học tại Mỹ và khá thành công trong sự nghiệp với vai trò là thanh tra tài chính các nhà thầu của Hãng Boeing - Mỹ, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi về phát triển quê hương, Jonathan Hạnh Nguyễn đã trở thành một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên đem tài năng và kinh nghiệm của mình về cống hiến cho tổ quốc. Người “nối” VN và Philippines Sau 10 năm xa quê hương, năm 1984, Johnathan Hạnh Nguyễn về thăm nhà. Lúc đó, kinh tế VN đang trong thời kỳ vô cùng khó khăn. Mong muốn được đóng góp phát triển quê hương, lại đúng lúc nước ta chuẩn bị công cuộc đổi mới. Với cương vị Tổng đại diện của Philippines Airlines tại khu vực Đông Dương với nhiệm vụ chính là điều hành Hãng hàng không Philippines ở khu vực này. Jonahthan Hạnh Nguyễn đã nhìn thấy ngay tính cấp thiết của việc mở đường bay TP HCM - Manila. Ông khẳng định: Bất cứ quốc gia nào, muốn phát triển nhanh, mạnh, muốn mở cửa thông thương với bên ngoài thì trước hết phải phát triển hàng không, sau đó mở cửa các cảng biển quốc tế. Thế là năm 1985, ông tham gia quá trình mở đường bay TP HCM -Manila. Quá trình mở đường bay gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, công việc đã thành công và ngay trong năm 1985, chuyến bay đầu tiên của VN Airlines đã đến Philippines. Đường bay chính thức giữa VN và Philippines được đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách giữa hai nước, thuận tiện hơn rất nhiều. đồng thời cũng tạo điều kiện để giao thương hàng hóa giữa VN với các nước nhanh chóng, hiệu quả hơn vì trước đó ta chỉ mới có đường bay sang Bangkok, Thái Lan. Đường bay này được đánh giá là dấu mốc quan trọng của ngành hàng không VN thời đó. Kỷ lục gia trong việc liên doanh đầu tư về VN Thời kỳ đầu mở cửa, nền kinh tế nước ta vô cùng khó khăn, ngoại tệ thiếu trầm trọng, cơ sở hạ tầng yếu kém, chính sách thu hút đầu tư mới ở giai đoạn đầu, còn nhiều bất cập... và thực tế, chưa có gì để tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Để thuyết phục họ, Johnathan Hạnh Nguyễn đã lấy uy tín và chính tài sản góp vốn của mình ra để đảm bảo. Nhờ vậy ông đã kêu gọi được 26 liên doanh đầu tư vào VN, trị giá hơn 240 triệu USD. Các dự án này sau đó đều thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Nhà máy sản xuất, xuất khẩu dây khóa kéo Nha Trang, Nhà máy sản xuất Song Mây xuất khẩu, Khách sạn Nha Trang Lodge 14 tầng nổi tiếng nhất thời đó ở miền Trung, Nhà máy ôtô Hòa Bình ở Hà Nội... Đơn cử, về lĩnh vực mua bán và dịch vụ: nắm bắt được cơ hội cùng nhu cầu về đời sống xã hội phát triển IPP đã hỗ trợ cung ứng hàng hóa cùng với các Cty trong nước thành lập các siêu thị, các trung tâm giải trí và hệ thống cửa hàng thời trang cao cấp ở VN như: Siêu thị Miền Đông với diện tích trên 10.000 m2, siêu thị Bình Dân, Trung tâm giải trí Maxx Family, đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng thời trang và mỹ phẩm của những thương hiệu cao cấp tại TP HCM và Hà Nội. Song song đó, IPP cũng chú trọng đầu tư xây dựng khách sạn du lịch và ngày càng phát triển lĩnh vực này. Về lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế, kể từ 1998 Cty IPP đã ký hơn 18 hợp đồng hỗ trợ đầu tư thiết bị xây dựng cửa hàng miễn thuế và cung ứng hàng miễn thuế cho các cửa hàng này tại các quốc gia, trong đó có VN, Philippines, Lào, Campuchia và Malaysia. Từ năm 2005 IPP đã mạnh dạn đầu tư và trở thành một trong những nhà cung ứng hàng hóa chính yếu tại các khu kinh tế cữa khẩu như: Mộc Bài - Tây Ninh, Lao Bảo - Quảng trị, Kim Thành - Lào Cai, Móng Cái - Quảng Ninh, Tịnh Biên - An Giang... với doanh số hàng năm trung bình 400 triệu USD cho tất cả các Cty. “Vì tôi là người VN” Nhận xét về chính sách đối với Việt kiều, ông cho rằng: trong những năm gần đây, VN đã có những chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt đối với kiều bào. “Cộng đồng người VN ở nước ngoài là bộ phận không tách rời trong cộng đồng các dân tộc VN”, vì vậy Đảng, Nhà nước VN đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với Việt kiều như: miễn visa, cho phép mua nhà ở VN... Những chủ trương đúng đắn đó giúp cho bà con Việt kiều có niềm tin và đầu tư nhiều hơn nữa về quê hương, góp phần xây dựng đất nước VN giàu mạnh. Đặc biệt, thành công trong kinh doanh, không quên những người đã đóng góp, hi sinh cho Tổ quốc, những người dân còn nghèo, khó khăn, bất hạnh trên quê hương. Tính đến nay, ông cùng Cty IPP đã đóng góp hơn 28 tỷ đồng cho việc xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, trường học, ủng hộ các đối tượng chính sách... từ Bắc chí Nam, từ Lào Cai đến Quảng Trị, Tây Ninh, An Giang, TP HCM... Để ghi nhận những đóng góp vì sự phát triển của cộng đồng , lãnh đạo các tỉnh và thành phố đã trao tặng nhiều bằng khen và đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng bằng khen cho ông vào ngày 20/2/2008. Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, ông chia sẻ: “Tôi rất hãnh diện là người con của VN. Đi đâu, làm gì tôi cũng tâm niệm rằng mình là người VN và mọi việc phải làm vì tương lai của VN”. Hoàng Hải

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/2010030209431997cat44/doanh-nhan-ohnathan-hanh-nguyen-hanh-dien-la-cong-dan-viet-nam.htm