Doanh nghiệp y tế tham gia một cửa quốc gia: Tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế), từ ngày 30/11/2015, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổng cục Hải quan chính thức triển khai thủ tục cấp giấy phép NK trang thiết bị y tế trên hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) đối với các đơn vị NK mặt hàng này trên toàn quốc.

NSW được xem là một trong những giải pháp quan trọng để cải cách, đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK theo chủ trương của Chính phủ. Ảnh: Quang Hùng.

Đến nay, việc thực hiện NSW đã mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý và cộng đồng DN; thời gian cấp phép NK trang thiết bị y tế giảm 50% so với xét duyệt và cấp phép thủ công như trước đây.

Hiệu quả rõ rệt

Cũng theo ông Tuấn, NSW cũng mang lại tiện lợi cho cơ quan quản lý, các thành viên của đơn vị. Đồng thời, thành viên Hội đồng cấp phép NK thiết bị y tế cũng có thể tra cứu và xử lý hồ sơ trên hệ thống để giải quyết thủ tục, ngay cả khi đang đi công tác. Hơn nữa, thời gian cuộc họp hội đồng quyết định cho phép DN được NK cũng được rút ngắn đáng kể, trước đây bình quân mỗi cuộc họp từ 2 đến 3 giờ, nay chỉ còn 1 đến 1,5 giờ. Điều đó đồng nghĩa với số lượng hồ sơ xét duyệt của DN cũng tăng lên đáng kể so với trước kia.

Nói về hiệu quả tích cực từ NSW, bà Phạm Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn chất lượng, Công ty Siemen cho hay, thực hiện NSW đã giúp các DN giảm đáng kể khối lượng công việc, thời gian, công sức, tiền bạc. Theo đó thay vì phải đến tận nơi để nộp, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ, nộp lệ phí hồ sơ và lấy giấy phép như trước kia, DN chỉ cần một máy tính nối mạng là có thể thực hiện được tất cả các bước trên. Đồng thời, DN có thể theo dõi được các giai đoạn xử lý và tình hình hồ sơ của mình trên NSW. “Nếu không có hệ thống này, Siemens sẽ phải tuyển dụng gấp đôi số nhân viên hiện tại nếu hồ sơ phải nộp bằng bản in”, bà Thu Hà chia sẻ.

Còn quan điểm của ông Trần Văn Thi, Giám đốc Công ty Mỹ Thành chuyên NK máy móc liên quan tới phòng xét nghiệm, khi thực hiện NSW, DN biết rõ luồng hồ sơ của mình đang ở đâu, cần chỉnh sửa gì và chỉnh sửa thế nào để DN bổ sung, điều này khắc phục rất nhiều điều trước kia là DN phải đợi cơ quan quản lý gửi trả hồ sơ về bằng đường công văn rồi sau đó DN lại phải dùng đường công văn để hoàn chỉnh việc chỉnh sửa hồ sơ và “nơm nớp” lo sợ không biết liệu hồ sơ của mình có bị gửi trả lại do chưa đúng yêu cầu hay không.

"Thực hiện cơ chế NSW DN có thể nộp hồ sơ bất cứ khi nào, thủ tục thuận tiện, nhanh gọn. Chưa kể khi hồ sơ sản phẩm hàng hóa được công khai trên hệ thống NSW, các cơ quan quản lý cũng thuận tiện trong việc truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm, khắc phục được tình trạng mù mờ về xuất xứ thời gian trước, đem tới cho thị trường những sản phẩm chất lượng, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng", ông Trần Văn Thi nói.

Những chi tiết kỹ thuật cần cải thiện

Dù đã phát huy hiệu quả song theo thừa nhận của một số DN hiện hệ thống vận hành đôi khi còn gặp trục trặc, lỗi luồng hồ sơ, lỗi không đăng nhập được. Theo bà Phạm Thị Thu Hà, hiện việc tải hồ sơ lên hệ thống trong nhiều thời điểm vẫn còn những khó khăn nhất định có thể do hệ thống quá nhiều người cùng truy cập, bên cạnh đó thông tin về lô hàng đã được cấp phép của DN chưa được chia sẻ và phổ biến rộng rãi trên hệ thống NSW, do vậy các cơ quan liên quan chưa nắm được thông tin nên thời gian thông quan cũng bị ảnh hưởng phần nào. Bà Hà đề xuất cơ quan y tế và cơ quan Hải quan có thể chia sẻ và phổ biến thông tin lô hàng của DN đã được cấp phép trên hệ thống NSW, qua đó giảm bớt yêu cầu thủ tục và thông quan nhanh chóng cho DN.

Còn Giám đốc Công ty Mỹ Thành Trần Văn Thi thì đề xuất, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN, các cơ quan quản lý mà cụ thể là Bộ Y tế, cơ quan Hải quan nên quy định, hướng dẫn chi tiết và cụ thể hơn nữa những giấy tờ, thủ tục liên quan để DN thực hiện. Chẳng hạn như với DN như Mỹ Thành chuyên về các thiết bị phòng xét nghiệm thì cần quy định những giấy tờ một cách cụ thể chẳng hạn như chứng nhận quản lý chất lượng hàng hóa ISO, giấy chứng nhận lưu hành sản phẩm tại nước sở tại... tránh việc chỉ đưa quy định DN phải có giấy tờ hợp chuẩn một cách chung chung khiến DN không biết giấy tờ hợp chuẩn là giấy tờ gì, nếu làm sai hoặc chưa đúng lại bị trả về, khiến việc thông quan hàng hóa bị chậm trễ, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Nêu lên khó khăn khi thực hiện NSW, về phía cơ quan quản lý theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng thuốc và mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện thời gian phê duyệt tài khoản đăng ký của DN và thời gian tiếp nhận nộp phí của DN để chuyển dữ liệu sang tài khoản kế toán trên hệ thống NSW quá dài. Bên cạnh đó, hệ thống NSW chưa cập nhật và chuyển dữ liệu các phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Cục Quản lý Dược tiếp nhận trên hệ thống của Bộ Y tế sang hệ thống NSW và ngược lại, hệ thống thông tin của Bộ Y tế cũng chưa khai thác được dữ liệu liên quan đến mỹ phẩm từ hệ thống của Hải quan. “Bên cạnh đó một số lỗi chưa phù hợp trên bản kê khai phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm NK như tại mục thông tin về nhà sản xuất trên phiếu công bố chưa sửa lại ô nước xuất xứ, nước sản xuất, một số DN có hình chữ ký và con dấu quá nhỏ hoặc không đúng với hình ảnh thật”, ông Tiến nêu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường:

Trong năm 2018 Bộ Y tế sẽ hoàn thành triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc thông qua NSW đối với 5 thủ tục hành chính liên quan tới công tác quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng sẽ thực hiện thông qua NSW dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 5 thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Đến năm 2020, Bộ Y tế sẽ hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính liên quan tới công tác quản lý nhà nước của Bộ Y tế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất và quá cảnh được thực hiện thông qua NSW dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-y-te-tham-gia-mot-cua-quoc-gia-tiet-kiem-thoi-gian-chi-phi-va-nhan-luc.aspx