Doanh nghiệp Việt tìm bản sắc để vươn khơi

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều DN đủ tiềm lực, đủ sức vươn mình ra thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị, chinh phục người tiêu dùng toàn cầu.

Nhiều DN Việt Nam đã tìm được cách để vươn mình ra thị trường toàn cầu. Ảnh: Danh Lam.

Bản sắc từ giá trị

Để thực hiện giấc mơ toàn cầu hóa, Vinamilk đã đặc biệt quan tâm đến XK và đầu tư ra nước ngoài. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk chia sẻ, XK đóng góp khoảng 13% vào tổng doanh thu hợp nhất của Công ty. Hiện sản phẩm của Vinamilk đã XK tới 43 nước. Trong những năm gần đây, Công ty tiếp tục duy trì XK đi các thị trường truyền thống tại khu vực Trung Đông và Đông Nam Á, tập trung khai phá các thị trường tiềm năng ở khu vực châu Phi và đặc biệt là các thị trường đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao như Nhật Bản, Canada. Kim ngạch XK năm 2015 của Vinamilk đạt hơn 5.300 tỷ đồng (khoảng 245 triệu USD), tăng trưởng 77% so với năm 2014 và tăng 800% so với năm 1998.

Không chỉ dừng lại ở việc đã XK các sản phẩm tới 43 nước mà hiện nay Vinamilk đã đầu tư 22,8% vốn cổ phần tại nhà máy Miraka (New Zeland), đầu tư 100% cổ phần vào nhà máy Drifwood (Mỹ), nắm giữ 51% cổ phần đầu tư nhà máy Angkor Milk tại Campuchia và công ty con tại Ba Lan để làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu.

Theo bà Mai Kiều Liên, để hiện thực hóa kế hoạch trở thành một trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới, Công ty coi đầu tư ra nước ngoài là chiến lược chính trong thời gian sắp tới. “Công ty nào cũng mong muốn chinh phục được thị trường nội địa - nơi mà mình được khai sinh - rồi mới vươn ra thế giới. Để cạnh tranh với các nước khác thì yếu tố quan trọng nhất là chất lượng tiêu chuẩn toàn cầu, giá cả phải chăng và phong cách phục vụ. Để thành công khi ra bên ngoài biên giới quốc gia, chúng tôi phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình” - bà Liên cho biết.

Để thành công trên bước đường hội nhập, yếu tố hàng đầu là sự quyết tâm của các doanh nhân, DN qua việc tìm ra được con đường đúng đắn để đi. Trong đó, quan trọng nhất là tìm ra được nét riêng để nâng cao năng lực cạnh tranh và có được sự đón nhận của khách hàng, đối tác nước ngoài.

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova cho hay, KOVA có hệ thống sản phẩm rất đa dạng, đồng bộ, hơn 50 dòng sản phẩm có thể đáp ứng mọi nhu cầu, từ các sản phẩm thông dụng đến các dòng sơn trang trí và các dòng sơn công nghiệp. Đặc biệt là KOVA còn phát triển riêng các dòng sơn độc đáo tạo nên thương hiệu riêng biệt cho KOVA, như: Sơn đá nghệ thuật, sơn viết bảng, sơn chống cháy… Các dòng sản phẩm đều không ngừng được đổi mới và bổ sung công nghệ.

“Khoa học công nghệ là thế mạnh lớn nhất làm nên sự khác biệt và thành công cho KOVA. Hơn nữa, KOVA chỉ nghiên cứu và làm ra những gì xã hội cần. Do đó, các dòng sản phẩm KOVA đều xuất phát và giải quyết các vấn đề ‘nóng’ mà các công trình đang gặp phải. Bên cạnh đó, các dòng sản phẩm của KOVA rất thân thiện với môi trường”, bà Nguyễn Thị Hòe nhấn mạnh.

Nhờ những chiến lược như trên, sau gần 10 năm kiên trì khẳng định bằng chất lượng sản phẩm, KOVA đã chinh phục thành công và đưa Singapore trở thành thị trường lớn thứ 2 của KOVA. Điều đáng nói, Singapore là thị trường đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt, tương đương châu Âu, châu Mỹ, nhờ đó, Singapore đã trở thành bước đệm giúp KOVA tiếp tục mở rộng ra những thị trường khác. Hiện các sản phẩm của KOVA đã có mặt tại Campuchia, Lào, Malaysia, Indonesia, Singapore, Malta (châu Âu) và đang hướng đến các thị trường khác như Nga, Mỹ…

Cũng là một DN lớn, trong năm 2016 đã lần đầu tiên XK 20.000 tấn tôn thành phẩm sang Hoa Kỳ và 6.000 tấn sang Mexico, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho hay, ngành nghề nào hay quốc gia nào thì kinh tế thị trường phải có sự cạnh tranh, nên muốn cạnh tranh được và gia nhập được chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi DN phải có lợi thế riêng.

Ông Vũ Văn Thanh cho rằng, Tôn Hoa Sen đã xác định 5 lợi thế cạnh tranh cốt lõi là: Quy trình sản xuất kinh doanh khép kín; Sở hữu hệ thống phân phối - bán lẻ rộng khắp cả nước; Thương hiệu mạnh, thân thiện và hướng đến cộng đồng; Hệ thống quản trị chuyên nghiệp và văn hóa DN đặc thù; Tiên phong đầu tư đổi mới công nghệ.

Vượt gian nan

Với hơn 90% số lượng DN nhỏ và vừa nên việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu để DN “tự bơi” thì các DN sẽ khó có thể lớn lên được, nhưng sự giúp đỡ của Nhà nước cũng đang bị hạn chế bởi những cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Do đó, mỗi bên nỗ lực thêm một chút, tìm được kế hoạch và phương thức hợp lý, đúng đắn, việc vươn mình ra biển lớn của các DN sẽ thêm nhiều khả năng thành công.

Trong câu chuyện của KOVA, bà Nguyễn Thị Hòe cho hay, để bước chân vào thị trường khó tính như Singapore, KOVA đã phải tốn kém hàng tỷ đồng để thực hiện các quy trình kiểm định chất lượng và thử nghiệm sản phẩm miễn phí ở một số công trình theo các tiêu chuẩn khắt khe của Singapore. Hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, KOVA đã và đang đầu tư vào quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng khép kín, KOVA đã xây dựng nhà máy ở Campuchia, Malaysia và đang tiếp tục mở rộng.

Cũng để vượt lên nhằm gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu, ông Vũ Văn Thanh ví von, thị trường nội địa như “chợ huyện”, thị trường khu vực Đông Nam Á như “chợ tỉnh”, còn thị trường toàn cầu là một cái “chợ” lớn mà DN nào cũng muốn tham gia, nhưng cấp độ để gia nhập được vào sẽ rất khó khăn theo cấp số nhân. Muốn thế, các sản phẩm XK của DN không những phải đạt được tiêu chuẩn quốc tế mà phải tìm ra cách để tạo được sự độc đáo, đó là dịch vụ phải tốt, thời gian giao hàng nhanh, giá bán hợp lý…

Tuy nhiên, có thể thấy, một số DN kể trên là những DN có tiềm lực mạnh, có khả năng nghiên cứu được những công nghệ và sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường quốc tế. Với nhiều DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, những vấn đề này còn rất nhiều khó khăn và thử thách. Bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, các DN nói chung và DN công nghiệp hỗ trợ nói riêng đang gặp phải áp lực cạnh tranh từ các nước có cơ cấu XK tương đồng với Việt Nam, nên có thể gặp khó khăn ngay tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, những rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng xuất xứ cùng với các biện pháp phòng vệ thương mại… cũng là những nút thắt mà các DN Việt Nam sẽ phải rất chật vật để vượt qua trong thời gian tới.

Câu chuyện tìm bản sắc, tìm đường gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của các DN Việt Nam là câu chuyện đang cho chúng ta những đoạn kể ngày càng hấp dẫn hơn. Chỉ cần một lối đi đúng và những người dẫn đường xuất sắc, việc vươn khơi ra biển của những “con tàu” DN Việt sẽ vượt được sóng cả mà vẫn vững tay chèo. Vì thế, đây không còn là chuyện khó thực hiện mà sẽ thực hiện được nếu có sự quyết tâm.

Hương Dịu - Thu Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-viet-tim-ban-sac-de-vuon-khoi.aspx