Doanh nghiệp Việt Nam chưa coi trọng 'tài sản vô hình'

Với thời kỳ hội nhập hiện nay, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, giúp nâng cao sức cạnh tranh, tuy nhiên, các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này.

"Tài sản vô hình” nhưng có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Ảnh: Internet

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) và Hội Sở hữu trí tuệ (VIPA) tổ chức tọa đàm “Sở hữu trí tuệ - Nâng cao vị thế và giá trị DN” vào ngày 25/4 tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đinh Hữu Phi, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, sở hữu trí tuệ (bao gồm: chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, nhãn hiệu…) là những “tài sản vô hình”, nhưng có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Vì thế, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ góp phần nâng cao năng lực, vị thế của các DN, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

“Bảo hộ sở hữu trí tuệ là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho DN cũng như nền kinh tế quốc gia, là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững”, ông Đinh Hữu Phi nhấn mạnh.

Theo chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam cần đạt giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao là 45% GDP; giá trị các sản phẩm này phải chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Vì thế, các chuyên gia đều cho rằng, DN cần phải có sự quan tâm hơn nữa đến sở hữu trí tuệ cũng như bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Phan Phương Linh, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn định giá, Công ty PwC Việt Nam, tỷ trọng trung bình của giá trị “tài sản vô hình” trong tổng giá trị DN tại các DN trên thế giới là 53% trong năm 2016, nhưng tỷ trọng này tại các DN Việt Nam chỉ đạt 26%.

Trên thực tế, không ít DN Việt Nam đã nhận được bài học “đau xót” khi xem nhẹ giá trị thương hiệu nên đã không đăng ký bản quyền, và rồi bị DN nước ngoài đăng ký và lấy mất thương hiệu. Tiêu biểu như thương hiệu nước mắm Phú Quốc, thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột…

Về vấn đề này, PGS.TS. Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ (VIPA) cho rằng, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ đến DN; có những hỗ trợ về mặt pháp lý để tạo thói quen cho DN xây dựng thương hiệu, cũng như hướng dẫn DN sử dụng “tài sản vô hình” một cách có chiến lược.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-viet-nam-van-chua-coi-trong-tai-san-vo-hinh.aspx