Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tới hệ thống kế toán

(baodautu.vn) Theo ông Stefaan Depypere, Cục trưởng - phụ trách phòng vệ thương mại (Tổng vụ Thương mại của Liên minh châu Âu), Trưởng nhóm Công tác về Quy chế Nền kinh tế thị trường cho Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm nhiều tới hệ thống sổ sách kế toán, nhằm đối phó hiệu quả với những vụ kiện thương mại.

Thưa ông, trong chuyến công tác tới Việt Nam lần này, Nhóm công tác về Quy chế Nền kinh tế thị trường cho Việt Nam của Liên minh châu Âu (EU) đã thu được kết quả gì xung quanh vấn đề này? Chúng tôi đã làm việc với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam để rà soát các tiêu chí nền kinh tế thị trường. Cho đến thời điểm này, kết luận cuối cùng về việc Việt Nam có đạt thêm tiêu chí nào hay không vẫn chưa được đưa ra. Tuy nhiên, nhìn chung, kết quả của các cuộc thảo luận đã mang tới những thông tin khá tích cực. Trong vài tháng tới, sẽ có báo cáo mới về tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam. Thảo luận nào được nhóm công tác đề cập nhiều trong chuyến làm việc lần này tại Việt Nam, thưa ông? Trong các buổi làm việc, chúng tôi quan tâm tới hệ thống kế toán của Việt Nam, bởi khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, EU quan tâm tới hệ thống kế toán có trách nhiệm và hoàn thiện. Vấn đề đáng chú ý là làm sao có thể đánh giá được các tiêu chí kỹ thuật của hệ thống kế toán này. Chúng tôi không chỉ quan tâm tới vấn đề sổ sách kế toán của doanh nghiệp, mà còn quan tâm tới môi trường thực hành Luật Kế toán của Việt Nam. Hơn nữa, có hệ thống kế toán tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, nếu doanh nghiệp có được bộ sổ sách, chứng từ tốt, thì sẽ rất thuận lợi trong quá trình điều tra phòng vệ thương mại để chống lại các hành vi làm méo mó thị trường. Liên quan tới các biện pháp phòng vệ thương mại mà EU đang áp dụng, ông có thể đưa ra dự đoán nào về chính sách thuế chống bán phá giá của EU, như với hàng giày mũ da chẳng hạn? Căn cứ vào những phân tích của EU trong năm ngoái, chúng tôi đã nhận được những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp châu Âu, nếu thuế chống bán phá giá với giày mũ da của Việt Nam được dỡ bỏ. Chính sách chung của EU là áp dụng các biện pháp, như thuế chống bán phá giá, có thời hạn. Ví dụ, thời gian qua, chúng tôi đã dỡ bỏ thuế chống bán phá giá với mặt hàng xe đạp. Có nhiều tín hiệu tích cực cho việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá giày mũ da. Tuy nhiên, không thể nói trước được điều gì khi kết quả này còn phụ thuộc nhiều vào những diễn biến tại thị trường EU và phản ứng của các nhà sản xuất EU (có đơn yêu cầu kéo dài thời gian hay không). Tôi cho rằng, biện pháp phòng vệ thương mại sẽ không được áp dụng, nếu không có hành vi bóp méo thương mại. Do đó, để tránh những mức thuế mang tính chất trừng phạt, các doanh nghiệp cần được hoạt động trong môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và các yếu tố sản xuất cũng không bị bóp méo. Trở lại việc rà soát các tiêu chí trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, liệu Việt Nam có đạt thêm tiêu chí nào sau đợt rà soát này của EU? Việt Nam đã đạt một trong 5 tiêu chí để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Thời điểm này, chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận về việc Việt Nam có đạt thêm tiêu chí nào hay không. Chúng tôi cũng chưa thể khẳng định thời gian nào thì EU sẽ trao quy chế này cho Việt Nam. Sẽ có nhiều vấn đề cần phải tổng hợp và nghiên cứu kỹ mới có thể đưa ra được kết luận. Tôi chỉ nhắc lại rằng, đã có nhiều tín hiệu tích cực trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này của đoàn chúng tôi.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/5149a0a77f000001009c41dc8fca2fd9