Doanh nghiệp Việt đi xem chợ vùng biên

Theo chân một nhóm doanh nhân đến chợ Cả Sách, cách biên giới Việt Nam – Campuchia một cây số, nghe tiểu thương nói họ phải tự tìm nguồn hàng chứ “chẳng có ma nào” bổ hàng về vùng này.

Tiểu thương phải tự đi tìm nguồn hàng bằng phương tiện thế này.

Cách biên giới Việt Nam – Campuchia một cây số, chợ Cả Sách (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), có vẻ sầm uất hơn chợ Cầu Muống ở bên kia sông Sở Thượng.

Những tiểu thương ngồi chờ khách phe phẩy quạt, vừa tự làm mát vừa đuổi ruồi. Một vài chị bắt đầu ăn bữa trưa, đạm bạc với cái tô nhựa trộn cơm, cá, dưa, cà. Hàng hóa ở chợ là những mặt hàng thông dụng, giày dép, quần áo may sẵn, đồ nhôm, nhựa, dụng cụ bảo hộ lao động nông nghiệp… Phần lớn đều là hàng trong nước sản xuất, nhưng nhan nhản hàng cấp thấp.

Một nhóm doanh nhân, chủ yếu là nhà sản xuất, chậm rãi tới từng gian hàng hỏi thăm hoạt động mua bán, hỏi thăm đường đi nước bước khi những tiểu thương nói họ phải tự tìm nguồn hàng chứ “chẳng có ma nào” bổ hàng về vùng này.

Câu hỏi khó

Trong số ít tiệm bán hàng Việt Nam chất lượng cao ở đây, có tiệm của anh Tây bán hàng Asia. Người vợ tên Thanh, bán giày dép mười năm rồi, nói:

“Hai năm trước phải lên Sài Gòn lấy hàng, nhưng bán chậm quá nên sau này chỉ ra Hồng Ngự mua về. Dân Campuchia cũng qua đây mua. Hồi xưa hàng Thái tràn ngập nhưng bây giờ thì thua rồi, làm sao qua hàng Việt!”. Chị Thanh lý giải nguyên nhân thua cuộc của hàng Thái là do “họ để cho hàng Thái nhứt, Thái nhì… làm cho người ta thấy chất lượng hổng ổn”.

“Năm nay nước lũ tràn đồng, bán buôn ế nhệ nên được giảm thuế còn 140.000 đồng/tháng. Giảm thuế cũng mừng nhưng sức mua khá lên mới mừng hơn”, chị Thanh nói.

Lâm Ni San, sinh ra ở Campuchia, lánh nạn diệt chủng, cuối cùng hồi hương lập nghiệp, nói: “Năm nay Việt Nam trúng mùa lúa nhưng thất giá. Còn Campuchia thất mùa. Vậy nên ngày nào bán hàng cho mười người khách là mừng rồi. Mấy năm trước bán được lắm, nhưng mấy năm nay ế vì ra chợ nhiều quá, nhưng người bán nào cũng tự đi tìm nguồn hàng rất giống nhau về bán cho người Việt và người Campuchia”.

Ông Võ Minh Tâm, phòng marketing công ty thuốc sát trùng Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay đang mùa gặt, phân bón, thuốc trừ sâu… bán ì xèo khi tới mùa gieo trồng để lo cho cây lúa và cây ớt. Bán hàng về đây có thêm khách hàng Campuchia. Nhưng tiểu thương hỏi: họ mua chịu, trả nợ hai, ba năm mới dứt, có bán không?”.

Coi chừng mất chỗ đứng

Từ chợ Cả Sách về trung tâm huyện Hồng Ngự (qua cầu Thường Lạc) mới chia tách khoảng 17 cây số, lộ giới vừa đủ cho một xe bốn bánh chạy một chiều. Thỉnh thoảng gặp một chiếc xe gắn máy thồ hàng cồng kềnh, thì xe bốn bánh phải dừng lại, nhường đường.

Rất nhiều xe gắn máy thồ thuốc lá nhập lậu qua biên giới đi theo đường này, và cũng khá nhiều xe đẩy của những tiểu thương chân đất đi bán dạo hàng cấp thấp. Trong suy nghĩ của tiểu thương ở chợ Cả Sách không bao giờ có chuyện các công ty hàng Việt Nam chất lượng cao trực tiếp tìm tới họ.

Ông Ông Văn Tràng, phó tổng giám đốc công ty bột Vĩnh Thuận, cười nói: “Tụi tui đang ở đây”. Theo ông Tràng, hàng của Vĩnh Thuận có mặt ở chợ do đường dây Cao Lãnh, Sa Đéc cung ứng tới chợ Hồng Ngự (Đồng Tháp) và Tân Châu (An Giang).

Đảo quanh khu chợ, ông Tràng nhận xét: “Tiểu thương quan tâm hai chuyện: chiết khấu hoa hồng và tổ chức đại lý. Hai điều này trùng khớp ý muốn của công ty nên sau phiên chợ hàng Việt về Hồng Ngự, chúng tôi sẽ phát triển đại lý phía biên giới. Nhưng cái chợ cần hình ảnh mới”.

Chợ là mái nhà chung của nhà sản xuất và thương nhân nên hình ảnh mới cho chợ, ngoài chuyện nâng cấp hay xây dựng chợ mới, cần đồng bộ với việc khuyến khích tiểu thương bán hàng có nguồn gốc xuất xứ, thông tin giá cả chính xác cho người tiêu dùng.

Cải thiện hình ảnh, diện mạo cái chợ truyền thống, hỗ trợ tiểu thương cật lực thì chắc chắn hàng Việt tử tế có chỗ đứng, không chỉ ở các chợ huyện, chợ xã mà ở chợ vùng biên lâu nay bị xem là chợ “khuất mặt, khuất mày”.

Ở góc độ nhà sản xuất, họ phải tổ chức được hệ thống phân phối chứ không để người bán phải tự tìm nguồn như trước. Liệu nguyên nhân hàng Thái mất chỗ đứng, như suy nghĩ của chị Thanh, có lặp lại với hàng Việt Nam?

Ông Nguyễn Đăng Hưng, công ty TNHH Minh Long Hưng, đơn vị mở thêm 15 nhà phân phối từ hồi theo chương trình đưa hàng Việt về nông thôn do BSA tổ chức, nói mỗi nhà phân phối cam kết đẩy hàng về vùng sâu đều được hỗ trợ phí vận chuyển, hỗ trợ truyền thông, trưng bày cửa hiệu…

Riêng khu vực chợ Cả Sách, 80% hàng hóa có tiềm năng tiêu thụ bên kia biên giới cần có thêm thời gian nhìn thấy sức mua để thúc đẩy đại lý ở bên đây làm bàn đạp đưa hàng sang bên kia.

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/su-kien-doanh-nghiep/nguoi-viet-hang-viet/2012/03/1062793/doanh-nghiep-viet-di-xem-cho-vung-bien/