Doanh nghiệp Việt 'bán mình' vì chán kinh doanh?

PhapluatNet - Trước những thương vụ M&A đình đám của các nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp Việt trong thời gian qua, đã có câu hỏi đặt ra: Phải chăng đây là dấu hiệu cho chuyện người Việt Nam ngày càng không mặn mà với chuyện kinh doanh?

Thị trường M&A Việt Nam năm 2017 dự kiến vượt qua mốc 5 tỉ USD nhưng cần phải có những cú hích lớn - Ảnh: NA

Theo số liệu thống kê, năm 2016, tổng giá trị các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đã đạt 5,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong quý I/2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ và bất động sản vẫn là những lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất.

Thông tin được đưa ra tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Vietnam Forum 2017 “Tìm bước đột phá” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 20-7 tại Hà Nội.

Lĩnh vực sôi động nhất trong năm 2016 là ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản… Trong khi đó ngành tài chính ngân hàng trở lại với những thương vụ trong lĩnh vực bảo hiểm và tài chính tiêu dùng.

Đối với nông nghiệp, các thương vụ M&A trong ngành mía đường trở thành xu hướng nổi lên. Ngoài ra, M&A còn góp mặt thêm các ngành khác như hóa chất, hàng không, giáo dục, công nghệ…

Chính các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ quy mô lớn từ 20 đến 100 triệu USD, thậm chí có thương vụ lên đến 1 tỷ USD mà có thể kể đến là vụ việc Thái Lan mua lại Big C và Metro.

Big C Việt Nam được đại gia Thái Lan mua lại là một trong những thương vụ M&A đình đám năm 2016. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, đây cũng chính là lý do để đặt ra câu hỏi, với nhiều thương vụ M&A mà bên mua đa phần là nhà đầu tư ngoại, phải chăng doanh nghiệp Việt đang không muốn kinh doanh. Đây cũng là câu hỏi nhận được nhiều sự trả lời nhất của các chuyên gia, bởi lẽ, nó liên quan đến nhận thức về M&A.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết lý do để có một thương vụ M&A là rất nhiều, một trong những lý do chính là để “chống thôn tính”. Tức là những đơn vị không thể chống đỡ nổi trong môi trường cạnh tranh khốc liệt sẽ bị thâu tóm. Thông qua đó các doanh nghiệp đi thâu tóm có thể mở rộng thị trường và tận dụng những gì có sẵn.

Ở một khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp khi khởi sự đặt mục tiêu là làm doanh nghiệp để “bán” khi có mạng lưới kinh doanh nhất định, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với ban đầu. Đó là hình thức kinh doanh M&A.

Trước nhận định ngày càng có nhiều người Việt không muốn kinh doanh nữa nên thực hiện nhiều thương vụ M&A, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng có những doanh nghiệp thực hiện M&A là nhằm để nâng cao hơn nữa hình ảnh và giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không ít trường hợp lại bị thôn tính, hoặc "không muốn tiếp tục kinh doanh khi gặp khó khăn thị trường và chính sách".

Các chuyên gia dự báo giá trị M&A trong năm 2017 có thể đạt con số trên 5 tỉ USD nhưng "khó có các thương vụ lớn".

Diệu An (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/thi-truong/nhin-nhan-viec-doanh-nghiep-viet-ban-minh-duoc-5-8-ti-do