Doanh nghiệp vẫn phải “đi đêm” và gánh nặng chi phí

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân cho biết: Có một bộ phận doanh nghiệp chủ động “đi đêm”, “chi ngầm” để tạo lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Thân, cộng đồng doanh nghiệp mặc dù đã có những sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí, bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức.

Về chi phí chính thức, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho DN. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất dai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị với Chính phủ gỡ khó cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: CP

Trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, DN còn phải chi các khoản không chính thức. Chi phí còn cao khiến giá thành sản phẩm cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Việc cải cách thế chế đã giúp giảm chi phí chính thức của doanh nghiệp trên một số khía cạnh, đặc biệt các các chi phí tiệm cận dịch vụ công, tạo bước tiến về cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên các loại thuế phí vẫn còn là gánh nặng. Trong khi tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn nhiều.

Bên cạnh đó, những khoản chi phí không chính thức cũng đang là rào cản cho sự cải thiện môi trường kinh doanh, sự phát triển của doanh nghiệp. “Tình trạng của công chia ba, của nhà chia đôi vẫn còn xuất hiện nhiều trong việc xử lý các thủ tục hành chính”, ông Thân chia sẻ và nhấn mạnh, điều này sẽ bóp méo, làm giảm sút năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cũng như quốc gia, khiến niềm tin của giới kinh doanh giảm sút.

Những tồn tại này, theo người đứng đầu Hiệp hội, xuất phát từ một bộ phận doanh nghiệp không có ý thức thị trường, khả năng kinh doanh kém nên đã chủ động “đi đêm”, “chi ngầm” để tạo lợi thế cạnh tranh. Một số doanh nghiệp cũng vì sự tồn tại, công ăn việc làm phải miễn cưỡng thực hiện.

Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho DN, khiến DN mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân.

Do đó, rất cần sự chung tay và thực tâm từ hai phía là cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Từ tình hình trên, Hiệp hội xin kiến nghị, về phía DN cần xây dựng tập quán, thói quen tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm giàu chân chính là yêu nước, nói không với tiêu cực, nâng cao năng lực quản trị…

Hiệp hội mong muốn các tập đoàn, DN lớn, DN FDI hỗ trợ, liên kết với các DN nhỏ và vừa trong chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ… để các DN nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải tạo thói quen ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, với sứ mệnh phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động tăng cường năng lực quản trị, chung tay cùng với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/doanh-nghiep-van-phai-di-dem-va-ganh-nang-chi-phi-d57887.html