Doanh nghiệp "tố" siêu thị

Tỷ lệ chiết khấu cao, chi phí kê khai sản phẩm mới, thuê mướn quầy kệ tại siêu thị cao… là những vấn đề đã nói nhiều lần nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết, đã gây khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp trong nước khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị, nhất là hệ thống siêu thị nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam đang giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng trong khuôn khổ của hội thảo. Ảnh: Vũ Yến

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết như trên tại hội thảo kết nối hàng Việt với các kênh phân phối, diễn ra vào hai ngày 11 và 12-8 cho biết.

Ông Ngô Minh Hải, Phó tổng giám đốc tập đoàn TH True Milk cho biết việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, chi phí chiết khấu của các hệ thống siêu thị khá cao (15-20%, tùy siêu thị), chưa kể mỗi năm các hệ thống siêu thị đều đề nghị tăng 0,5-2% mức chiết khấu. Không những thế, chi phí kê khai sản phẩm mới, chi phí thuê mướn quầy kệ cũng cao, đồng thời quy định đổi trả hàng cũng khắt khe khiến cho doanh nghiệp bỏ qua nhiều cơ hội bán hàng.

Nói về mức chiết khấu thương mại, thời gian thanh toán, chào hàng mới, thời gian trả hàng, thời gian được thay đổi giá… bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, cho biết hệ thống siêu thị có vốn nước ngoài luôn làm khó doanh nghiệp.

Cụ thể, nếu hệ thống siêu thị nội mức chiết khấu khoảng 10% thì với siêu thị có vốn nước ngoài là 10-20%, mỗi năm đều tăng dẫn tới nghịch lý doanh nghiệp đưa hàng hóa vào siêu thị càng lâu thì mức chiết khấu càng cao; thời gian thanh toán của siêu thị nội là khoảng 30 ngày thì siêu thị có vốn nước ngoài là 30-45 ngày và luôn kéo dài hơn so với hợp đồng. Hay nếu ở siêu thị nội không tốn phí chào hàng mới và được giải quyết nhanh gọn, nhưng ở siêu thị ngoại mức phí khá cao, phải chờ đợi lâu, thời gian có khi kéo dài tới 60 ngày.

Đặc biệt, theo bà Lâm, doanh nghiệp rất khó khăn khi muốn thay đổi giá. Thời gian thay đổi giá siêu thị trong nước quy định 30 ngày nhưng với doanh nghiệp ngoại lên đến 45 ngày, thậm chí là 90 ngày, có khi kéo dài tới 120 ngày.

Bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc marketing Cholimex Food thì cho rằng, dù là đơn vị có sản phẩm phân phối từ Bắc đến Nam song Cholimex Food vẫn gặp khó khăn khi đưa hàng vào siêu thị, khó khăn nhất là mức chiết khấu cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chi thêm những khoản chi phí như phí trưng bày, phí mở hàng, phí thuê quầy kệ, phí quảng cáo hay thưởng doanh số… Các mức phí này thường bị tăng tùy tiện theo từng năm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chi thêm những khoản phí không chính thức cho nhân viên siêu thị để hàng được đưa lên quầy kệ, hoặc phải có nhân viên đứng tại siêu thị để phụ những việc khác, nếu không hàng sẽ không được ưu tiên xuất ra kho đưa lên kệ…

Trước những khó khăn trên, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế bán hàng tại các kênh phân phối dành riêng cho hàng trong nước, có chính sách, quy định chung về việc tăng mức chiết khấu hàng năm…

Ở phía đơn vị phân phối, ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op, cho biết dù Saigon Co.op luôn ưu tiên cho các sản phẩm hàng Việt nhưng không thể phủ nhận rằng, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại. Vì thế, theo ông Toàn, các doanh nghiệp trong nước muốn tiêu thụ sản phẩm tốt cần tìm hiểu nhu cầu thị trường, chiếm lĩnh và duy trì thị trường bằng chất lượng, giảm giá thành...

Ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc Công ty TNHH trung tâm thương mại Lotte Việt Nam đánh giá cao chất lượng hàng hóa Việt Nam như cà phê, mật ong… Nhưng theo ông, một trong những điểm còn hạn chế của hàng hóa Việt Nam là mẫu mã bao bì chưa bắt mắt, điều này đôi khi cản trở việc Lotte Mart nhập hàng và đưa hàng Việt vào hệ thống của mình ở Việt Nam cũng như ở Hàn Quốc và trên thế giới.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/150019/doanh-nghiep-to-sieu-thi.html/