Doanh nghiệp thực phẩm liêu xiêu vì tin đồn thất thiệt và những sự cố 'giời ơi'

Trong thời buổi “Facebook hóa”, bùng nổ kỹ thuật số hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã lao đao, có khi "sập tiệm" vì những tin đồn thất thiệt.

DN “sống dở, chết dở” vì… những lời đồn thổi

Thời gian gần đây, người tiêu dùng trên cả nước luôn nơm nớp những nỗi lo trước tình trạng hàng hóa sản xuất không đảm bảo chất lượng, thực phẩm bẩn tràn lan thị trường. Hơn bao giờ hết, vấn đề thực phẩm bẩn, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã và đang nổi cộm nhiều vấn đề bức thiết.

Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Công Út, Giám đốc Công ty Luật Phạm Nghiêm (Tp.HCM), nguyên là thẩm phán có gần 20 năm công tác trong ngành Tòa án: Không ít trường hợp các cá nhân, tổ chức đưa những thông tin gây nhiễu và doanh nghiệp phải lãnh hậu quả về những thông tin đó cụ thể như trường hợp: thị trường sữa đã xuất hiện tin đồn thất thiệt, ví dụ sữa này bẩn, sữa kia sạch, sữa có đỉa…

“Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc tìm ra kẻ tung tin đồn thất thiệt, người tiêu dùng mới biết mình bị lừa, thị trường sữa hồi tỉnh, nhưng doanh nghiệp cũng kịp nếm thiệt hại. Khi được thông báo đính chính của các cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp đã phải đứng trước chuyện đã rồi, có khi phải "sập tiệm" vì những lời đồn thổi trong thời đại bùng nổ kỹ thuật số ngày nay” – luật sư Út nói.

Hay như vụ Vietfood vừa qua có thể coi là một ví dụ điển hình. Ngoài sức ép từ người tiêu dùng “tố cáo”, các doanh nghiệp thực phẩm còn phải chịu rủi ro từ chính cơ quan chức năng. Còn nhớ, ngày 20/4/2016, đội QLTT 14 - Chi cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty TNHH TM Hùng Anh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) và tiến hành tạm giữ hơn 2,2 tấn xúc xích do cơ sở Vietfoods (Bình Dương) sản xuất với lý do nghi vấn chứa chất cấm.

Tiếp đó, ngày 22/4, kết quả kiểm nghiệm cho thấy những mẫu xúc xích này chứa chất sodium nitrate-251 với hàm lượng từ 55 - 100mg/kg.

doanh nghiệp sản xuất xúc xích Vietfood lao đao vì sự cố "trời ơi".

Mặc dù không viện dẫn được văn bản pháp luật nào quy định cấm sử dụng chất này trong sản xuất xúc xích nhưng ngày 26/4, QLTT Hà Nội vẫn lập biên bản vi phạm hành chính công ty Hùng Anh với nội dung: “Đã có hành vi vi phạm hành chính: sản xuất, bán ra thị trường thực phẩm không phù hợp an toàn thực phẩm...”.

Ngay sau đó, khi chưa có kết luận kiểm nghiệm, đơn vị quản lý thị trường của Hà Nội đã cung cấp thông tin xúc xích Vietfood chứa chất cấm gây ung thư cho báo chí và làm dấy lên làn sóng tẩy chay mặt hàng này trong người tiêu dùng, không những khiến Vietfood lao đao mà cả những hãng sản xuất xúc xích khác cũng bị liên đới.

Tuy nhiên, cuối cùng Vietfood lại được “minh oanh” khi kết luận của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định Vietfoods không sai. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh: Hàm lượng sodium nitrate tìm thấy trong xúc xích Vietfoods khoảng 55mg/kg, hoàn toàn an toàn và theo thông lệ quốc tế đã áp dụng tại Mỹ, New Zealand, Singapore, Malaysia...

Đến lúc này, Chi cục QLTT Hà Nội mới ra quyết định trả lại tang vật tạm giữ cho Công ty Hùng Anh với lý do ghi trong quyết định: “doanh nghiệp không có hành vi vi phạm hành chính như nội dung ghi trong biên bản vi phạm hành chính ngày 26/4”.

Hậu quả của quyết định hồ đồ này đã khiến Vietfood mấp mé bờ vực phá sản.

Luật sư Phạm Công Út nhận xét: Hiện nay, tại điều 9 Luật an toàn thực phẩm quy định người tiêu dùng thực phẩm phải có nghĩa vụ “tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực phẩm lại phải đối mặt với nguy cơ bị “tố” rất nhiều như: Tố cáo về thực phẩm bẩn, thực phẩm gây nguy hại hay như khâu bảo quản không đảm bảo.

Nổi lên mới đây là những đoạn video của một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát bẩn, tuy nhiên, một số doanh nghiệp sản xuất nước giải khát khác cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đến thị phần của mình vì những lời tố không đúng địa chỉ của các “thượng đế” - khách hàng.

Nhiều trường hợp các doanh nghiệp có thể không sản xuất ra thực phẩm đó nhưng do có rất nhiều hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ, hoặc hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường… khiến các doanh nghiệp đứng đắn vẫn phải gánh chịu hậu quả.

LS Út phân tích: Với những hạn chế trong quản lý, cũng như quy định pháp luật chưa chặt chẽ khiến doanh nghiệp chịu không ít rủi ro. Có rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản, ngừng sản xuất chỉ vì hàng nhái, hàng giả được nhập tràn lan mà mức giá lại khá rẻ, đánh đúng vào tâm lý người tiêu dùng Việt.

Hay như trường hợp người tiêu dùng thiếu hiểu biết trong việc bảo quản sản phẩm hay như thiếu hiểu biết trong nhận biết sản phẩm thật hay giả thì phía gánh hậu quả vẫn là doanh nghiệp.

“Có lẽ đáng thương nhất với tôi vẫn là những người nông dân, là những người tạo ra nông sản bằng chính mồ hôi nước mắt của họ nhưng đã bao phen, họ phải đổ sông, lấp hố vì những thủ đoạn của các thương nhân trong việc sử dụng một cách lạm dụng các chất bảo quản vô cùng độc hại, khiến nền kinh tế nông nghiệp đi vào chốn suy thoái trầm trọng” – Luật sư Út nói.

Người dùng lợi dụng sự cố doanh nghiệp để đục nước béo cò?

Luật sư Út cũng nói thêm rằng: Sự cẩn thận thái quá của người tiêu dùng, bị chi phối bởi thông tin ảo trên thế giới mạng (do sự cạnh tranh không lành mạnh) cũng có khi giết chết doanh nghiệp đối phương một cách đau đớn mà không để lại dấu vết.

LS Phạm Công Út: Sự cẩn thận thái quá của người dùng đôi khi cũng giết chết doanh nghiệp.

Thậm chí, một số người dùng còn lấy danh nghĩa "cảnh báo cho người khác" hay quá tham lam, lợi dụng sự cố doanh nghiệp để đục nước béo cò?

Vụ Tân Hiệp Phát có ruồi là một bài học nhãn tiền cho thấy,"nạn nhân" đã quá tham lam, thậm chí vi phạm pháp luật, tống tiền doanh nghiệp. Ở nhiều vụ việc khác, người tiêu dùng đã không chịu đổi một hộp sữa bị hỏng lấy một thùng khác mà đòi hỏi số tiền lớn hơn.

Theo luật sư Út: Hiện nay, Bộ Công thương đã cung cấp công khai danh sách 50 Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn cả nước. Danh sách này bao gồm cả địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Vì vậy, khi gặp sự cố đối với các sản phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể dựa vào Hội này để nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý.

Cũng như vậy, các doanh nghiệp có thể tư vấn cho khách hàng liên hệ với cơ quan này tham gia thương lượng và giải quyết là bên thứ 3 vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng vừa đảm bảo sự thỏa thuận được hiệu quả.

“Người tiêu dùng không nên dựa vào lỗi của sản phẩm để vòi tiền doanh nghiệp, vì điều ấy dễ đẩy người tiêu dùng vào con đường phạm pháp khi quyết chiếm đoạt những số tiền khủng của doanh nghiệp để đổi lấy sự im lặng từ những sản phẩm lỗi.

Riêng phía doanh nghiệp, khi đứng trước những tình huống vòi vĩnh mang tính chất tống tiền đó thì theo tôi, cần có sự cầu thị, nhận lỗi về mình hơn là làm to chuyện bằng con đường truyền thông hoặc cảnh sát. Điều đó chỉ khiến cho doanh nghệp chết sớm hơn tuổi thọ mà thôi!” – Luật sư Phạm Công Út nhấn mạnh.

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/doanh-nghiep-thuc-pham-lieu-xieu-vi-tin-don-that-thiet-d98990.html