Doanh nghiệp phải đồng hành cùng trường ĐH trong đào tạo nhân lực KH – CN

Doanh nghiệp phải tham gia đồng hành cùng với trường ĐH trong quá trình đào tạo để những sinh viên khi tốt nghiệp ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng làm việc tốt và doanh nghiệp tiết kiệm một khoản chi phí đào tạo lại từ đầu.

Các chuyên gia có thâm niên nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH - CN) đã khắc họa một cách khá rõ ràng bức tranh về nhân lực ngành KH – CN Việt Nam tại buổi tọa đàm “Chân dung nhân sự trẻ ngành KH - CN”.

Sự kiện này do Sở KH – CN TP.HCM phối hợp với ĐH Bách khoa TP.HCM, Kênh truyền hình FBNC và Tạp chí Khám phá tổ chức vào sáng 15/10, thu hút hơn 300 sinh viên tại TP.HCM tham dự.

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng (phải) và PGS.TS Nguyễn Anh Thi trao đổi về nguồn nhân lực ngành KH – CN trước lúc diễn ra tọa đàm. Ảnh: Hà Thế An.

Buổi hội thảo được mở đầu bằng một khảo sát trên 2000 sinh viên mới tốt nghiệp của trường ĐH Bách khoa TP.HCM vào năm 2014 cho thấy, có đến 60,5% sinh viên không có việc làm sau khi ra trường. Nguyên nhân được phân tích là sinh viên tốt nghiệp chưa có ý định đi làm, đi học thêm bậc cao hơn, có tìm việc nhưng không thành công…Khi được hỏi về nguyên nhân của việc tìm việc làm không thành công, có đến 71,9% sinh viên cho rằng, họ bị doanh nghiệp “trả về” vì thiếu kinh nghiệm làm việc.

Phân tích về các con số trên, các chuyên gia đều cho rằng, chương trình đào tạo hiện nay của các trường ĐH vẫn còn một khoảng cách không nhỏ so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xã hội.

Ông Hoàng Minh Châu, nguyên Phó tổng giám đốc FPT nêu ví dụ, ngành CNTT, nếu trước đây việc nghiên cứu một sản phẩm công nghệ đến khi ra thị trường cần mất vài năm. Song, vài năm trở lại đây, người nghiên cứu chỉ cần khoảng 3 tháng đã có một sản phẩm công nghệ có thể đến với thị trường.

“Vì thế, chương trình đào tạo trong các trường ĐH phải được thiết kế phù hợp với xu hướng công nghệ hiện tại”- ông Châu nói.

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Anh Thi, GĐ Khu công nghệ phần mềm, ĐHQG TP.HCM dẫn chứng, theo một khảo sát gần đây, VN có khoảng 200.000 sinh viên mới ra trường thất nghiệp. Điều này xuất phát từ sự không tương hợp giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Các chuyên gia nhiều năm làm việc trong lĩnh vực KH – CN chia sẻ tại hội thảo. Từ trái sang: GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, ông Hoàng Minh Châu, PGS.TS Nguyễn Anh Thi. Ảnh: Hà Thế An.

Nguyên nhân tiếp theo, TS Thi cho rằng, do quy hoạch về đạo tạo nghề nghiệp của VN hiện nay không phù hợp. Ví dụ, nhu cầu của cả nước mỗi năm chỉ cần khoảng 10.000 lao động trong lĩnh vực công nghiệp, nhưng các trường ĐH, CĐ lại đào tạo “đội” lên 20.000 nhân lực của lĩnh vực này, chắc chắn sẽ tình trạng thất nghiệp diễn ra.

TS Thi nói, việc thiết kế lại chương trình học cần phải có quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và sự thống nhất của nhiều cơ quan liên quan. Điều cần làm trước tiên để gia tăng chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực KH-CN là phải thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và trường ĐH.

“Doanh nghiệp phải là đối tượng tham gia sâu vào quá trình đào tạo trong trường ĐH. Doanh nghiệp cần có các chương trình hợp tác, trao đổi về đào tạo nhân lực tại các trường ĐH. Điều này sẽ giúp sinh viên ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng để làm việc tại các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng sẽ đỡ mất công đào tạo lại, vừa đỡ tốn tiền, vừa đỡ tốn thời gian”- TS Thi khẳng định.

Sinh viên các trường ĐH đặt câu hỏi với các chuyên gia. Ảnh: Hà Thế An.

Để trau dồi kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở KH – CN TP.HCM khuyến nghị, sinh viên hãy chủ động kết nối với các thầy cô giáo giảng viên để tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học.

Quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức sẽ làm nền tảng cho các bạn sinh viên dấn thân sâu hơn vào con đường nghiên cứu khoa học, tạo ra những ý tưởng mới, những công trình mới đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Minh Nghĩa - Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/doanh-nghiep-phai-dong-hanh-cung-truong-dh-trong-dao-tao-nhan-luc-kh-cn-c7a457916.html