Doanh nghiệp NK nguyên liệu thủy sản được đưa về kho bảo quản

Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý để doanh nghiệp đưa hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất xuất khẩu về kho bảo quản của doanh nghiệp (kho bảo quản đủ điều kiện vệ sinh thú y) để thực hiện việc kiểm dịch theo quy định.

Chế biến thủy sản tại Công ty Cầu Tre. Ảnh: T.H

Theo các doanh nghiệp thủy sản, quy định này đã giảm bớt ách tắc, khó khăn về chi phí lưu kho, lưu bãi cho các DN NK thủy sản.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm bảo quản hàng hóa và không được đưa hàng vào sử dụng khi chưa có kết quả kiểm dịch.

Nếu kết quả kiểm dịch lô hàng không đạt yêu cầu, doanh nghiệp không được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, đồng thời phải thực hiện nghiêm việc xử lý lô hàng không đạt yêu cầu theo quy định.

Trước đó, từ ngày 15-8-2016, Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (TT26) về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản có hiệu lực, các lô hàng nguyên liệu sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp phải kiểm dịch tại cửa khẩu nhập hàng và khi có kết quả kiểm dịch mới được phép đưa hàng về kho của doanh nghiệp. Trong khi đó, trước đây hàng nhập khẩu để SXXK vẫn được phép làm thủ tục kiểm dịch ngay tại kho doanh nghiệp sau khi nhập hàng về.

Quy định trên khiến các doanh nghiệp thủy sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho SXXK. Do đặc thù của hàng đông lạnh nếu để lâu ngoài cảng ngoài việc không những tốn chi phí lưu kho, lưu bãi khá lớn mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng hàng đông lạnh do không được thường xuyên kiểm tra điều kiện bảo quản lạnh.

Trước vướng mắc của doanh nghiệp thủy sản, VASEP đã gửi công văn tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét tiếp tục cho phép các doanh nghiệp có lịch sử chấp hành tốt các quy định về kiểm dịch được đưa nguyên liệu thủy sản nhập khẩu về kho bảo quản riêng của doanh nghiệp trong lúc chờ kết quả kiểm dịch thú y như trước đây.

Đồng thời đề nghị xem xét áp dụng cơ chế kiểm soát rủi ro trong kiểm soát nhập khẩu dựa trên lịch sử chấp hành của doanh nghiệp và nguồn gốc hàng hóa để có thể phân luồng như ngành Hải quan đang áp dụng (xanh - vàng - đỏ) - tránh thực thi kiểm tra 100% số lô nhập khẩu như hiện nay để tiết kiệm chi phí xã hội và giảm thiểu ách tắc.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nguyen-lieu-thuy-san-nhap-khau-duoc-dua-ve-kho-bao-quan-cho-kiem-tra-chuyen-nganh.aspx