Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Nam Định khát vốn

NDĐT- Chủ trương cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, góp phần ổn định xã hội đã được nêu ra tại các cuộc họp của lãnh đạo tỉnh Nam Định với hệ thống Ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương này muốn vay vốn để sản xuất, kinh doanh cũng không thật sự dễ dàng.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Nam Định, trong năm 2012, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng Phát triển) là 19.300 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm. Có thể thấy, nguồn vốn vay rất dồi dào nhưng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp chỉ hơn 8.100 tỷ đồng, giảm 198 tỷ đồng (3,4% so với đầu năm), với 1.385 doanh nghiệp có dư nợ (bằng 44,2% tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động).

Về vấn đề này, các Ngân hàng thương mại cho rằng : Do bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh bị tác động mạnh, làm đình trệ sản xuất, năm qua có gần 500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể hoạt động cầm chừng, ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản nên nhu cầu vay vốn giảm sút.

Nhưng doanh nghiệp lại giải thích, tình trạng đó là do cạn vốn, không có vốn để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Mặc dù, trong năm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về trần lãi suất cho vay đối với bốn lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và công nghiệp hỗ trợ) tối đa là 15%/năm kể từ ngày 4-5-2012, xuống 14%/năm kể từ ngày 28-5-2012, xuống 13%/năm kể từ ngày 11-6-2012 và xuống 12%/năm kể từ ngày 24-12, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay và yêu cầu các TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ xuống mức tối đa là 15%/năm.

Chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước đã rõ, nhưng khi thực hiện một số Ngân hàng thương mại ở tỉnh Nam Định đưa ra các điều kiện gây khó cho doanh nghiệp nếu muốn tiếp cận vốn vay. Tại Chi nhánh Techcombank khu vực Nam Định yêu cầu doanh nghiệp phải có năng lực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tài sản thế chấp, doanh nghiệp không hội đủ điều kiện trên chỉ cho vay với mức rất thấp. Trong thực tế, số vốn nàykhông đủ để đầu tư sản xuất và dĩ nhiên đây là “rào cản” rất khéo léo của Ngân hàng để từ chối doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn.

Mặc dù hệ thống Ngân hàng thương mại ở Nam Định rất dư dả vốn cho vay, nhưng không hiểu sao chỉ tập trung cho vay ngắn hạn. Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2012, mạng lưới Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho vay ngắn hạn gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% (tức hơn 1.400 tỷ đồng) so với đầu năm, trong khi đó cho vay trung và dài hạn chỉ hơn 7.300 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội cơ khí, đúc Ý Yên, huyện Ý Yên, việc Ngân hàng chỉ tập trung cho vay vốn ngắn hạn “ khác nào “bỏ rơi”, không đồng hành cùng doanh nghiệp. Vốn đầu tư chưa phát huy hiệu quả, chưa quay vòng được đã phải lo trả nợ lãi Ngân hàng, như vậy doanh nghiệp càng khó khăn hơn và nằm trong vòng luẩn quẩn”

Có thể hiểu, để tránh nguy cơ rủi ro tín dụng tăng nên các Ngân hàng rất thận trọng và thường “cầm đằng chuôi” trong mọi hợp đồng cho vay vốn sản xuất. Nhưng nếu cứng nhắc, dập khuôn quá mức trong quy trình, thủ tục thì e rằng một chủ trương lớn của Nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp trụ vững trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/doanh-nghi-p-nh-va-v-a-nam-nh-khat-v-n-1.387583