Doanh nghiệp Nhật ở TPHCM: Đào tạo nghề, trả lương cao

Các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam cũng như các DN ở Nhật đang có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động lớn. Nhu cầu này mở ra cơ hội việc làm chất lượng với lao động Việt Nam.

Niềm vui của người lao động sắp sang tu nghiệp tại Tập đoàn Nohara (Nhật Bản).

Thiếu người sang Nhật

Tháng 5-2014, TPHCM được giao tuyển chọn 80 thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật ở Nhật Bản. Trong 3 năm, người lao động được hưởng 80.000 yên/tháng tu nghiệp đầu tiên và hưởng lương theo hợp đồng trong thời gian thực tập kỹ thuật. Hoàn thành chương trình thực tập, người lao động về nước đúng hạn sẽ được hỗ trợ 600.000 yên/người để khởi nghiệp. Người lao động tốt nghiệp trung học phổ thông là đủ điều kiện tham gia chương trình. Thế nhưng, đến nay, toàn TP mới tuyển chọn được… 1 người tham gia.

Với kết quả này, TP phải gia hạn thời gian tuyển chọn đến giữa tháng 7-2014, thêm hơn 1 tháng so với kế hoạch. Cùng với đó, chương trình đào tạo cũng được linh động thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ứng viên. Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, thay vì phải ra Hà Nội học tập như kế hoạch, sắp tới, những ứng viên đã vượt qua tuyển chọn sẽ được học ngay tại TPHCM. Các chi phí về đào tạo tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức kỹ năng cần thiết trước khi xuất cảnh 4 tháng sẽ được Tổ chức IM Japan đài thọ.

Tại Nhật Bản, các DN đang cần rất nhiều lao động Việt Nam. Ông Toshiyuki Iwasaki, đại diện Tập đoàn Nohara với 2.000 DN thành viên cho biết, đang có nhu cầu tiếp nhận khoảng 1.000 lao động Việt Nam sang tu nghiệp tại Nhật, làm việc trong ngành trang trí nội thất. Lao động được phái cử qua Nhật trong thời gian 3 năm với mức lương khoảng 32 triệu đồng/người/tháng (năm đầu tiên), sau đó sẽ tăng tương ứng.

Khóa đầu tiên đào tạo tu nghiệp sinh Nhật Bản chuyên ngành trang trí nội thất vừa được Tập đoàn Nohara và Công ty Haindeco tại TPHCM khai giảng với điều kiện học tập tương tự môi trường ở Nhật. Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Haindeco, cho biết, việc mô phỏng điều kiện học tập như ở Nhật nhằm đảm bảo người lao động sẽ dễ dàng hòa nhập, đảm bảo làm việc được ngay khi sang nước bạn. Kết thúc khóa học này, Haindeco tiếp tục tuyển lao động, chú trọng khu vực TPHCM và các tỉnh phía Nam để cung cấp cho các DN ở Nhật.

Việc chất lượng, lương cao ở “sân nhà”

Trong khi đó, làn sóng đầu tư từ Nhật Bản với số lượng các DN Nhật tại Việt Nam ngày càng đông đảo, đi cùng với nhu cầu nhân lực tăng cao. Đơn vị tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, VietnamWorks nhận được yêu cầu tuyển dụng của 300 DN Nhật. Xuất phát từ nhu cầu đó, tháng 7-2014, VietnamWorks cho ra đời trang thông tin riêng về việc làm ở các DN Nhật cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, bí quyết làm việc với các DN Nhật. Tương tự, Công ty Esuhai cũng cho ra đời trang tuyển dụng riêng cho DN Nhật ở Nhật và DN Nhật ở Việt Nam.

Ông Jonah Levey, Chủ tịch HĐQT VietnamWorks cho biết, 95% nhu cầu của các DN Nhật là ứng viên có kinh nghiệm. Nhà tuyển dụng Nhật đánh giá cao những ứng viên đã biết tiếng Nhật hoặc đã từng làm việc tại các DN Nhật. Chỉ riêng trong tháng 6-2014, số lượng việc làm đòi hỏi có tiếng Nhật đăng tuyển trên VietnamWorks là hơn 300 vị trí. Trong đó, nhiều vị trí tuyển dụng với số lượng lớn. “Một thông tin thú vị khác, mức lương trung bình ở các công ty Nhật khá hấp dẫn, gần 1.000 USD/tháng. Đây cũng là một yếu tố thu hút ứng viên đầu vào các DN Nhật”, ông Jonah Levey tiết lộ.

Hiện có khoảng 1.600 DN Nhật đang hoạt động tại Việt Nam. Nhiều DN Nhật thường ưu tiên nhận lao động đã từng có thời gian tu nghiệp tại xứ sở hoa anh đào. Ông Võ Anh Tuấn đánh giá, người lao động đi tu nghiệp tại Nhật sẽ học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và trở thành những công nhân lành nghề. Sau khi về nước, họ trở thành nguồn lực quý, luôn có nhiều cơ hội làm việc trong các DN Nhật đang đầu tư ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Nguồn lực I-Glocal chia sẻ, người lao động có mong muốn làm việc cho DN Nhật cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, nghiêm khắc với bản thân và đặc biệt là có kỷ luật trong báo cáo, tham vấn, không quyết định chủ quan trong công việc… Điểm khác biệt, DN Nhật luôn coi trọng yếu tố bền vững và chất lượng. DN chấp nhận đào tạo để nhân viên có thể hoàn thành tốt công việc và ngược lại, luôn mong muốn nhân viên gắn bó, hết mình với DN.

Ông Nguyễn Đình Phúc cho biết, đa số người Nhật làm việc vì yêu thích công việc, chứ không hẳn là làm việc vì tiền; thay vì nhảy việc để lên lương mang tính chất “mua bán, ăn xổi”, người Nhật thường chú trọng đóng góp cho DN của mình lớn mạnh, thông qua đó, đãi ngộ được cải thiện. Người lao động cần cảm được văn hóa đó để cống hiến tốt hơn trong công việc, hướng đến sự ổn định bền vững.

ĐƯỜNG LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/laodongvieclam/2014/7/354306/